Người thuyền trưởng anh hùng ở Phú Yên

Chủ Nhật, 23/10/2011, 15:28
Trong 4 chuyến tàu vào Vũng Rô, tỉnh Phú Yên, có 3 chuyến tàu do Trung tá Hồ Đắc Thạnh, người con của Phú Yên làm thuyền trưởng. Ông cũng là một trong những người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh, SN 1934, tại phường 3, thành phố Tuy Hoà. Ông vào bộ đội từ năm 16 tuổi, từng chiến đấu chống Pháp ở Phú Yên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1958, đang học khoá đào tạo sĩ quan thì được Quân chủng Hải quân về tuyển chọn, đưa xuống Hải Phòng huấn luyện, từ hàng hải đến phóng ngư lôi và những chiến thuật chiến đấu khác trên biển. Đầu 1960, khi Trường Sĩ quan Hải quân được thành lập, ông được điều về học trường này.

Năm 1962, trên cương vị thuyền phó Tàu 54, Hồ Đắc Thạnh vào Nam chuyến đầu tiên, cập bến Cà Mau. Tiếp đó, trên cương vị thuyền trưởng, ông tiếp tục thực hiện 6 chuyến vận chuyển hàng và vũ khí vào miền Tây Nam Bộ, tất cả đều trót lọt. Dẫu vậy, ông vẫn đau đáu nỗi niềm được vận chuyển vũ khí về Phú Yên, bởi ông biết lúc này quê hương đang rất cần vũ khí đánh giặc. Và dịp đó đã đến. Vào tháng 11/1964, ông được lệnh chuẩn bị vận chuyển hàng và vũ khí vào Vũng Rô. Ngày 16/11/1964, từ Bãi Cháy, Quảng Ninh, Tàu 41 do Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng chở 63 tấn vũ khí, thuốc men khởi hành. Chuyến hành trình vô cùng gian nan. Thời tiết xấu, đi được nửa đường, đến vùng biển Đà Nẵng thì gặp 2 chiếc tàu chiến của địch bất ngờ lao ra, chĩa súng về phía tàu.

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh động viên anh em hết sức bình tĩnh, ngụy trang thật tốt, giả làm ngư dân đánh cá, đồng thời sẵn sàng nổ súng nếu tàu địch đến gần. Theo dõi cả tiếng đồng hồ, không phát hiện được gì, địch đành bỏ đi... Chuyến đi đó, điều làm ông day dứt là điều kiện sinh hoạt của lực lượng quân dân tại đây quá kham khổ, thiếu lương thực, nhiều bữa chỉ có rau rừng. Vì vậy, trong chuyến tàu thứ hai vào bến Vũng Rô vào tháng 12/1964, ngoài 60 tấn vũ khí, thuốc men, tàu 41 của ông còn chở thêm 3 tấn gạo tám thơm nghĩa tình của hậu phương lớn miền Bắc.

Ngay sau khi thực hiện thành công chuyến tàu thứ hai về Vũng Rô, Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh được đồng chí Tư lệnh quân chủng hải quân gọi lên giao nhiệm vụ lần thứ ba đưa hàng vào Vũng Rô. Chuyến đi lần này, theo lệnh cấp trên là phải cập bến Vũng Rô vào đúng giao thừa Tết Ất Tỵ. Đây là dịp được ăn tết ngay trên quê hương sau 10 năm xa, nên ông mừng khôn tả và đã bàn với thuỷ thủ góp tiền chuẩn bị quà để đón tết với anh em tại bến...

Cô dân công và nắm đất Vũng Rô

Đêm mùng 1 Tết Ất Tỵ, Tàu 41 nhổ neo rời bến. Khi chia tay có một cô dân công trẻ, đã trao cho Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất bọc trong chiếc khăn mùi xoa thêu rất đẹp và nói: "Em gửi nắm đất Vũng Rô theo tàu anh ra Bắc. Nắm đất này trải qua biết bao lần bom cày đạn xới nhưng vẫn một lòng trung kiên. Nay có vũ khí các anh đem vào, nhất định chúng em sẽ lập nhiều chiến công". Cầm nắm đất cô gái trao, nước mắt ông trào ra. Ông đã giữ gìn nắm đất như báu vật và sau này trao cho Bảo tàng Hải quân. Trong đợt ra Hải Phòng vừa rồi dự Hội thảo khoa học về đường Hồ Chí Minh trên biển, thấy nắm đất được đặt trang trọng trong bảo tàng cùng chiếc khăn mùi xoa khiến ông rất xúc động. Hình ảnh người nữ dân công trao nắm đất cho vị thuyền trưởng cũng đã được tái hiện thành bức tượng đồng đặt tại Nhà truyền thống Lữ đoàn 125 anh hùng ở Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển do tỉnh Phú Yên tổ chức tại Khu di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô, người trao nắm đất cho vị thuyền tưởng tàu không số năm xưa đã tới dự. Cô gái Nguyễn Thị Tảng năm xưa quê ở xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa) giờ đã là bà Nguyễn Thị Tảng đầu hai thứ tóc.

Bà Nguyễn Thị Tảng, sinh năm 1945, mới 16 tuổi đã tham gia cách mạng. Cuối năm 1964, bà và nhiều đoàn viên thanh niên trong xã được  chọn vào đội dân công làm nhiệm vụ đặc biệt. Bà kể, trước khi trao nắm đất cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, bà đã suy nghĩ: Sống nhờ đất mà chết cũng gắn bó với đất, nên bằng mọi giá phải giữ lấy đất, vì thế trao nắm đất ra miền Bắc là bà muốn thể hiện quyết tâm của nhân dân Phú Yên chiến đấu đến cùng giữ lấy mảnh đất quê hương.

Mọi người nghe tin nguyên mẫu của tác phẩm bức tượng đồng cô gái trao nắm đất cho người thuyền trưởng thì ùa ra vây lấy bà, công kênh bà lên, khiến bà cảm động bật khóc. Bà không ngờ, chỉ qua lời kể của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh,  người nghệ sĩ đã  tái tạo hình tượng bà giống đến thế! Bà ước muốn đến ngày nào đó được ra Hải Phòng, đến Bảo tàng Hải quân, nhìn lại nắm đất bà trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh năm xưa

Phan Xuân Luật
.
.
.