Hướng tới kỷ niệm ngày thương binh - liệt sỹ 27/7:

Người thương binh một đời gắn bó với miền Trung

Thứ Tư, 21/07/2010, 11:25
Quê ở phía Bắc, nhưng anh đã cống hiến tuổi trẻ và cả máu của mình cho tuyến lửa khu 4 trong chiến tranh chống Mỹ. Tiếp đến là cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên mảnh đất này. Anh là cựu TNXP - thương binh - doanh nhân Nguyễn Thế Kinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Vinh.

Năm 1965 đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở nước ta. Khu bốn của miền Trung trở thành tuyến lửa ác liệt, bởi máy bay Mỹ liên tục đánh phá các cơ sở kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh và các tuyến đường giao thông, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền phương lớn miền Nam.

Bấy giờ, chàng trai Nguyễn Thế Kinh, quê xã Chân Lý, Lý Nhân, Nam Hà tròn 18 tuổi, chưa kịp học hết phổ thông, anh tình nguyện gia nhập TNXP chống Mỹ cứu nước, thuộc đại đội 356, Tổng đội TNXP tỉnh Hà Nam theo lời kêu gọi của TW Đoàn TNLĐ Việt Nam.

Sáu năm liền (1965 đến 1971) anh đối mặt với bom đạn Mỹ, cùng đồng đội bám đường, san lấp hố bom, thông tuyến, mở đường cho lớp lớp đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến. Tuổi trẻ của anh gắn bó với những tuyến đường đẫm khói lửa chiến tranh ác liệt như: đường 15, đoạn qua Phú Lộc, liền kề ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); đường 21, 22 thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh nối Hà Tĩnh - Quảng Bình; đường 20-7 - con đường Quyết thắng nối Lệ Thuỷ - Quảng Bình với Vĩnh Linh và đường 9 Quảng Trị…

Năm 1968, trong trận đánh phá của máy Mỹ, anh bị thương  hai chân. Ngay khi điều trị lành vết thương, anh tiếp tục cùng đồng đội bám đường, thông tuyến xe qua. Năm 1971, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất bị ta đánh bại, đơn vị TNXP của anh hoàn thành nhiệm vụ trở về phía Bắc, Nguyễn Thế Kinh được cử đi học ngành khảo sát thiết kế giao thông. Năm 1974 tốt nghiệp ra trường, anh lại mang hành trang trở lại miền Trung, nhận công tác tại Liên hiệp các xí nghiệp giao thông khu vực 4. Lòng nhiệt huyết của cựu TNXP từng hiến cả máu của mình cho các tuyến đường, đã giúp anh xây dựng nên nhiều con đường mới trên mảnh đất miền Trung gian lao, sâu nặng ân tình.

Năm 1990, anh nghỉ hưu nhưng không ngừng nghỉ lao động sáng tạo. Anh đã hướng tới làm giàu cho gia đình và cho sự phát triển miền Trung. Năm 1992 anh cùng vợ, người con của đất Hà Tĩnh (bạn học cùng lớp thiết kế giao thông với anh) mở Xí nghiệp thực phẩm Hương Kinh, chuyên sản xuất sản phẩm bột canh và mì ăn liền. Gần 10 năm hoạt động, vượt ra cả miền Trung, sản phẩm của Xí nghiệp Hương Kinh chiếm lĩnh thị phần 18 tỉnh, thành của Việt Nam, vươn sang tới nước bạn Lào.

Vào đầu thế kỷ XXI, Nguyễn Thế Kinh hướng sang đầu tư sản xuất phân bón và anh đã thành công. Sau vài năm đầu tư thăm dò bằng dây chuyền thô sơ, công suất nhỏ, năm 2004, Công ty CP Thương mại Thành Trung do anh làm Giám đốc, quyết định đầu tư lớn vào lĩnh vực phân bón. Anh lập dự án khả thi, được UBND TP Vinh phê duyệt cấp 5.000m2 đất ở khu công nghiệp Nghi Phú.

Xí nghiệp của thương binh Nguyễn Thế Kinh.

Đầu năm 2007, anh hoàn thành đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Bắc miền Trung, công suất 20.000 tấn/năm. Với dây chuyền công nghệ mới, lại áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được Cục TCĐLCL Việt Nam cấp chứng nhận phù hợp Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - 2000, Nhà máy sản xuất phân bón Bắc miền Trung đã sản xuất hàng loạt loại phân bón NPK, cung ứng cho nông dân các tỉnh, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Không giới hạn ở miền Trung, năm 2008 Nguyễn Thế Kinh đã đột phá đầu tư vào Bình Phước (miền Đông Nam bộ). Thương hiệu NPK Việt Tiệp đã và đang lan toả ở Bình Phước và miền Đông Nam bộ. 

65 tuổi, một đời gắn bó với miền Trung, cựu TNXP - thương binh - doanh nhân Nguyễn Thế Kinh một lúc là Giám đốc hai công ty của mình, giải quyết việc làm thường xuyên cho 90 lao động, lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước và làm tốt công tác từ thiện xã hội.

Gia sản lớn nhất của anh sau gần 40 năm gắn bó và cống hiến cho miền Trung là một gia đình hạnh phúc. Ở đó có người bạn đời Nguyễn Thị Hương, nguyên là bạn học thiết kế giao thông với anh làm phó giám đốc, trợ thủ đắc lực cho anh trong cuộc sống và công việc, cùng những người con đã trưởng thành. Giúp việc cho anh còn có vợ chồng Nguyễn Nhật Quang - Trần Thị Thanh Huyền. Cặp vợ chồng con trai thứ 3 này là những người giúp anh quán xuyến mọi công việc ở nhà máy, tạo nên sức mạnh cho cả hai công ty của gia đình ngày càng phát triển, đưa thương hiệu phân bón NPK Bắc Trung bộ và NPK Việt Tiệp (Đông Nam bộ) ngày càng lan toả

Tô Lan
.
.
.