Người thương binh gánh 5 số phận

Thứ Ba, 13/09/2005, 07:25
Khi trở về thị xã, tôi vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh điên dại của 5 người con một thương binh hạng 3/4 bị di chứng chất độc da cam. Hơn 1 giờ đồng hồ đối diện với gia đình bi kịch như thế, tôi tự hỏi: Điều gì khiến người thương binh, đồng thời là cha của 5 đứa con ấy có đủ nghị lực chống chọi với nỗi đau suốt mấy chục năm ròng.

Tôi tìm đến ngôi nhà ông Nguyễn Phương, SN 1940, ở thôn 1, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Ông Phương là bố của 5 đứa con điên dại. Thấy khách lạ đến nhà, ông Phương niềm nở hẳn lên: "Mấy đứa nhỏ kỳ này thất thường lắm chú ơi! Hễ cứ ai đến nhà chơi là tụi chúng trở chứng, quậy phá, lên cơn; thành thử bận này tui ít có người trò chuyện". Rất may, khi tôi đến, bên chiếc giường ngủ, 5 đứa con ông vẫn ngoan ngoãn yên lặng, bình thản như không có chuyện gì xảy ra, kể cả lúc ông Phương và tôi trò chuyện.

Ông Phương kể: Năm 1968, ông tham gia đội quân tải vũ khí trên chiến trường huyện Đông Giang (Quảng Nam). Thời gian này, giữa ông và cô gái Lê Thị Phụng (1944) đã  yêu nhau một năm sau, họ thành vợ thành chồng. “Ngày bà Phụng mang thai, tui mừng vô kể, bởi đây là giọt máu của chúng tôi ở chiến trường”. Cùng lúc với đứa con gái đầu lòng chào đời, ông Phương bị địch bắn gãy chân. Sau đó, chúng giam ông ở nhà tù Hội An. Ngày ông được địch trả tự do, ông chạy về nhà, mong được hưởng hạnh phúc của một người mới làm cha.

Nhưng oái oăm thay, bé Nguyễn Thị Dương (SN 1969) dù đã lên 4 tuổi mà vẫn khờ khạo, biểu hiện của một đứa trẻ không bình thường: Dáng đi ngất ngưởng, miệng lảm nhảm suốt ngày. Sinh đứa con thứ hai, vợ chồng ông đặt tên Nguyễn Thị Thương (SN 1971), cũng mang những triệu chứng của đứa con đầu. Một năm sau, vợ chồng ông tiếp tục có con thứ ba. Lần này, ông đặt tên: Nguyễn Thị Thành (SN 1975), với niềm hy vọng: Nó sẽ thành người bình thường, không như hai chị trước. Và dường như số phận đã định sẵn, những đứa con ông Phương sinh ra tuy lành lặn về thể chất, song họ mất trạng thái cân bằng về tinh thần, tư duy không phát triển. Sinh tiếp đứa con thứ 4, Nguyễn Thị Bé (SN 1976) và đứa con gái út Nguyễn Thị Sáu (SN 1979) cũng có những biểu hiện tương tự. Bé và Sáu thường có “thói quen” lạ kỳ: Nấu cơm chín rồi đổ đi.

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Duy Xuyên cho biết: Bắt đầu từ năm 2003, 5 đứa con ông đều được hưởng chế độ của người bị nhiễm chất độc da cam. Cụ thể là: Hỗ trợ hàng tháng 84 nghìn đồng với 3 trường hợp (Dương, Thành, Sáu) và 48 nghìn đồng với 2 trường hợp còn lại. Để rõ hơn về mức độ nặng, nhẹ của 5 đứa con ông Phương, chúng tôi đến gặp chị Đoàn Thị Sanh - cán bộ Trạm Y tế xã Duy Thành. Chị cho biết: Chưa thể khẳng định chính xác những đứa con ông Phương có bị tâm thần hay không, nhưng chắc chắn họ có biểu hiện loạn thần. Bởi lý do đơn giản là: Mỗi lần đi khám bệnh, chúng đều từ chối.

5 người con bị bệnh.


Tận sâu nỗi lòng mình, ông Phương luôn cháy bỏng một ước mơ bình dị: Tìm kiếm một đứa con bình thường. Và ước mơ ấy của ông cũng đã thành hiện thực, khi đứa con thứ 5 mang tên Nguyễn Thị Xí - lớn lên và trưởng thành như bao người bình thường khác. Hiện, Xí đang dạy học ở trường Tiểu học số 3 Nam Phước (Duy Xuyên). Xí đã lập gia đình, nhưng cuộc sống không được hạnh phúc, Xí trở về nhà bố ruột, sống chung với những cơn điên của các chị, em.

Nghị lực của người thương binh hạng 3/4

Với một người bình thường sống trong tình cảnh "gà trống nuôi con" đã là khó rồi, huống chi đây là một thương binh, phải "gồng mình" chịu đựng để nuôi 5 đứa con điên với tất cả tình thương và trách nhiệm vô bờ.

"Chú nhìn rứa chứ khi lên cơn, tụi nó hung lắm. Tui là cha nhưng bị tụi nó dùng cây đánh bất kể lúc nào. Tụi nó lớn nhưng đâu có trí óc chi mô". Ông Phương thổ lộ. Nghe ông kể đến đây, tôi chợt nhớ đến lời nhận xét của chú  Ba - hàng xóm của ông Phương: "Tội nghiệp chú ấy lắm, tuổi thanh niên cống hiến cho Tổ quốc. Lúc về già, ổng lại bị con cái hành hạ. Mỗi bữa ăn, tôi phải canh giữa từng đứa một, sơ hở một tí là tụi nó tranh giành ăn uống, phá phách đến dễ sợ".

Âëy là bi kịch của đời sống tinh thần, còn khi đối diện với đời thường, ông Phương lại gặp những khó khăn khác. Được biết, ngôi nhà cả gia đình ông hiện đang ở là do địa phương hỗ trợ. Ngoài đồng lương của một thương binh 3/4, tiền trợ cấp ít ỏi của các con, gia đình ông còn có 6 sào ruộng, hai con bò, nhưng lao động chính thì chỉ có 2 người. 5 đứa con bị bệnh chỉ biết ăn, ngủ, mọi sinh hoạt khác đều phải có người giúp. "Nhiều lúc các chị lên cơn, mọi thứ trong nhà như chén, đĩa, bàn, ghế đều bị đập phá hết... hàng xóm tới giúp, nhưng cũng đành bất lực. mỗi lần nhìn cảnh cha van xin họ, em không cầm lòng được - Xí nghẹn ngào kể.

Xí nói chưa kịp dứt lời thì đứa con thứ 3, Nguyễn Thị Thành lên cơn chạy ra khỏi nhà, quát to: "Ông Phương khùng, ông Phương khùng, cứu tôi".

Chứng kiến cảnh tượng này, lòng tôi càng thương ông Phương hơn. "Tại sao bác không cho họ vô trại điều dưỡng tâm thần của tỉnh để được chăm sóc, đỡ vất vả hơn" - Tôi hỏi. Ông không giấu giếm: "Tôi vốn chịu khổ quen rồi. Nhiều người khuyên tôi nên làm thế, nhưng thành thật tôi không thể sống xa tụi nó được". Vợ chồng tôi đã hẹn thề là: Bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không bỏ rơi những đứa con xấu số trên. Tôi cảm phục tấm lòng ông cao như núi, rộng như biển. Và, tôi thấy lòng man mác một nỗi buồn.

Thực tế là, thời gian qua, Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi đây đã dành cho gia đình ông Phương sự chăm sóc đặc biệt. Thông tin từ UBND xã Duy Thành cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có 58 người bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó có 30 người đang được hưởng chế độ của Nhà nước.

Trong vòng tay nhân ái, thông qua bài viết này, mong cả cộng đồng xã hội vào cuộc, giúp đỡ gia đình ông Phương: Một gia đình - 5 số phận đau thương. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, Hà Nội hoặc địa chỉ của gia đình ông Nguyễn Phương

Nguyễn Khôi
.
.
.