Người thương binh cụt hai tay trở thành VĐV bóng bàn

Thứ Ba, 18/04/2006, 07:11

Sau chiến tranh chống Mỹ, ông Nguyễn Xuân Năng, thương binh hạng 1/4 về điều dưỡng với hai cánh tay bị cụt đến sát khuỷu tay. Tưởng như mọi mơ ước ấp ủ từ thuở thiếu thời được chơi thể thao sẽ chìm vào quên lãng. Song, từ những trăn trở muốn được cầm vợt chơi môn bóng bàn đã thôi thúc ông "đứng dậy" rèn luyện với một ý chí sắt đá.

Ông Năng là người có niềm say mê rất nhiều môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, định mệnh đã cướp đi vĩnh viễn đôi cánh tay khi ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời là vậy, ước mơ trở thành một cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp sau khi rời quân ngũ bị tan thành mây khói ngay khi đang còn ở chiến trường. Tưởng như ước mơ đó đã bị vùi sâu vào quên lãng. Nhưng ngược lại, sức mạnh của tinh thần và ý chí đã giúp ông vượt qua tất cả.

Sự khát khao của con người thật khó diễn tả hết bằng lời, nhất là đối với một người đã từng mặc áo lính. Chính điều này đã giúp ông chiến thắng bản thân mình. Năm 1995, ông Năng xin chuyển từ Trại điều dưỡng Thọ Châu đóng ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương về sống cùng vợ con tại địa phương thuộc thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Ông Năng kể, bóng đá và bóng chuyền ông rất đam mê nên chơi khá hay từ khi còn là trẻ nhỏ đi chăn trâu, nhưng ông thích môn bóng chuyền hơn cả. Riêng môn bóng bàn thì ông chưa bao giờ… cầm đến cái vợt xem nó ra làm sao. Từ khi trở về với gia đình, ông nuôi một quyết tâm là phải chơi được môn thể thao này.

Ban đầu ông cặp vợt bằng cả hai đoạn cẳng tay còn lại dài chưa đầy 3cm tính đến chỗ gấp khuỷu, mồm ngậm bóng thổi ra thay cho việc dùng tay tung bóng như bình thường. Nhưng có lúc thổi được, có lúc lại không thổi được. Khi đánh thì vập mặt vào bàn mỗi lúc bóng bị tuột khỏi tầm với làm cho môi, tay, hàm… của ông bị trầy xước, bầm dập và rỉ máu.

Không thành công bằng việc dùng cả hai đoạn cẳng tay chơi bóng, ông Năng mượn bạn chơi buộc vợt vào một khuỷu tay, nhưng đánh được vài phút là tay lại bị tụ máu căng đét không thể chơi tiếp. Ông Năng nghĩ ra cách "tự thân vận động", kẹp vợt vào khuỷu tay chơi. Bằng cách đánh này rất khả quan, tuy nhiên lại hay bị văng vợt về phía đối phương do mồ hôi ra làm trơn cán vợt.

Nhiều đêm ông ngả lưng xuống giường mà buồn bực, không tài nào ngủ được. "Khi còn ở chiến trường, vết thương bị nhiễm trùng uốn ván phải cưa đi cưa lại đến 3 lần như người ta cưa gỗ, tưởng phải vùi thây ngoài sương gió biên thùy, thế mà còn vượt qua được. Không lẽ bây giờ đầu hàng số phận sao!".

Cuối cùng, ông Năng mượn người cuốn tấm vải mỏng vào cán vợt, như vậy là vợt không còn bị vuột khỏi tay nữa. Từ đây ông bắt đầu luyện, luyện cả ban ngày lẫn ban đêm. Ngồi ở đâu ông Năng cũng mang vợt ra kẹp vào tay lắc cho thuần thục.

Vợ ông Năng kể: "Khi mới bắt đầu tập, có nhiều hôm ông ấy ngồi lắc vợt đến 12 giờ khuya mới chịu lên giường. Nhiều hôm đến bữa cơm, vợ con ăn mặc kệ".

Thành công ngoài mong đợi

Sau một thời gian lắc vợt thành thạo, ông Năng lặng lẽ tìm đến các bàn bóng trong cái thị trấn nhỏ bé nơi ông đang sinh sống cùng gia đình. "Ngày ấy cả thị trấn này chỉ có 3 cái bàn, đó là những chiếc bàn được đúc bằng xi măng. Với những người còn lành lặn cả hai tay thì không vấn đề gì nhưng với tôi thì thật gian nan. Mỗi lần ham bóng, đập trượt bóng là y rằng tôi lao vập xuống cạnh bàn. Đau đớn lắm, không dập môi thì cũng trầy xước hết cả hai cẳng tay".

Dường như sự đau đớn đó chẳng thấm tháp gì so với mục đích mà ông Năng đang muốn đạt được. Tôi phải cắt ngang sự say sưa của ông bằng câu hỏi: Ngày đầu mới biết chơi bóng, có người nào họ từ chối đánh với ông không? Ông trả lời, không có ai lại không chơi với ông cả. Họ nhìn thấy ông, một thương binh hạng nặng đã vượt lên chính mình, điều này khiến mọi người phải cảm phục, ai cũng nể ông. Những "đối thủ" đầu tiên cũng chính là những "người thầy" dạy cho ông Năng chơi thành thạo môn bóng bàn.

Song, để chơi và chiến thắng đối với người lành lặn còn khó nói gì đến một người bị cụt cả hai tay như ông Năng. Phải mất một quãng thời gian gần hai năm ông Năng mới "đánh hay", nhưng theo ông thì cái "đánh hay" của ngày ấy so với bây giờ khác nhiều lắm. Cái đánh hay bây giờ đã mang đến cho ông biết bao nhiêu là thành công. Ông đã mang về cho những người thân của mình biết bao nhiêu là niềm vui, sự hạnh phúc và mang về cho Tổ quốc những vinh quang trên đấu trường thể thao dành cho người khuyết tật khối các nước ASEAN.--PageBreak--

Ông Năng tập chơi bóng bàn là để thỏa niềm ước mơ và để rèn luyện sức khỏe, ông nào dám nghĩ tới một ngày mình sẽ được đi "so tài" để tranh giành thứ hạng. Nhưng rồi cái gì đến đã đến. Năm 1997, lần đầu tiên Nhà nước tổ chức đại hội thể thao dành cho những người khuyết tật như ông. Tại hội thi cấp tỉnh, lần đầu tiên ông Năng giành được phần thưởng, đó là tấm Huy chương đồng cá nhân môn bóng bàn. Cũng năm đó, ông tiếp tục giành giải khuyến khích ở hội thi cấp toàn quốc.

Với các thành tích trên, ông Năng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng bằng khen. Ở 2 kỳ đại hội toàn quốc tiếp theo, vận động viên bóng bàn Nguyễn Xuân Năng đều xuất sắc giành hai tấm Huy chương vàng cá nhân. Chưa dừng lại ở đó, với các thành tích trên, ông Năng đã vinh dự được tuyển đi thi đấu môn bóng bàn ở Paragames 2 và giành Huy chương bạc. Mới đây nhất, ở Paragames 3 tổ chức tại Philippines, ông Năng lại được cử đi thi đấu và mang về cho Tổ quốc một tấm Huy chương vàng đồng đội, một tấm Huy chương bạc cá nhân, một Huy chương bạc đôi đồng đội.

Trong các kỳ đại hội, tất cả các vận động viên Việt Nam cũng như các vận động viên nước ngoài đều nói rằng ông Năng là người duy nhất trên thế giới bị cụt cả hai tay nhưng vẫn chơi giỏi môn bóng bàn. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều làm ông cảm thấy tự hào. Ông Năng cho biết, hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày biết cầm vợt, ông vẫn không thể nào quên được lần đầu tiên ông có một trận thắng trước một đối thủ còn lành cả hai tay. Đêm đó về ông cũng không ngủ được. Không ngủ được vì vui sướng và cảm thấy hạnh phúc. "Đó là một niềm vui vô bờ. Bản lĩnh của người lính đã giúp tôi chinh phục được ước mơ. Từ trận thắng đó đã mở ra cho tôi một chân trời mới thật tuyệt vời" - ông Năng tự tin nói như vậy.

Đời thường

Gia đình ông Năng có 6 người thì duy nhất chỉ vợ ông là không biết chơi bóng bàn. Cô con gái út của ông Năng, tên Nguyễn Thị Thu Hiền hiện đang học lớp 10 khoe với tôi rằng, vừa rồi em mới đi thi đấu giải bóng bàn do huyện tổ chức và giành Huy chương bạc. Hiền thích nhất pha ve, tấn công bóng của bố. "Mỗi lần bố ve bóng là ăn điểm. Đối phương đưa bóng qua trái thì bố tìm cách cắt quả bóng đi một đường chéo sang phải buộc đối phương phải đánh rúc hoặc đánh bung và sa bẫy. Còn quả đập bóng của bố thì thể hiện rõ sức mạnh, sự quyết đoán mặc dù bố em chỉ kẹp vợt bằng khuỷu tay" - Hiền kể.

"Vợ và các con của tôi đã dành tất cả thời gian, sự động viên, chia sẻ giúp tôi vượt qua đau đớn, vượt qua tất cả mọi khó khăn mỗi khi vết thương cũ tái phát. Mỗi khi tôi đi tập bóng về bị trầy xước mình mẩy là bà nhà tôi lại ân cần chăm sóc, xoa dịu đi những nhọc nhằn của số phận" - ông Năng nói vội khi vợ ông đi ra sau nhà. Ngoài là một vận động viên bóng bàn "quốc tế", thương binh nặng Nguyễn Xuân Năng hiện nay đang giữ chức Tổ trưởng Tổ an ninh khu phố 5, thị trấn Còng. Cứ về thị trấn Còng, hỏi ông Năng "bóng bàn" ai cũng sẵn sàng dẫn đến tận nhà

Nguyễn Huệ Linh
.
.
.