“Người thủ trưởng, người anh mà tôi suốt đời yêu quí”

Thứ Năm, 31/10/2013, 08:31
Dẫu thời gian công tác cùng Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đông chỉ có 6 năm, nhưng với tôi, đó là khoảng thời gian không thể nào quên, bởi ông đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, cả về tư duy lẫn phong cách làm việc.

Đầu năm 1981, tại Đại hội Đảng bộ lần đầu tiên của Tổng cục An ninh, Thứ trưởng Trần Đông (lúc đó kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh), đã đến dự. Giờ nghỉ giải lao, ông bất ngờ gọi tôi, khi đó là Cục phó Cục Tham mưu an ninh: “Cậu Minh đấy à, ra đây nói chuyện nào”.

Tôi ngạc nhiên vì đây là lần đầu được diện kiến Thứ trưởng Trần Đông, do tôi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ 1965 đến 1976 mới ra Bắc, rồi lại đi giải quyết vấn đề Fulro ở Tây Nguyên liên miên nhiều năm liền. Tôi càng ngạc nhiên hơn và rất xúc động, khi Thứ trưởng thân mật khoác vai tôi, ân cần hỏi han về những năm tháng tôi còn ở chiến trường, như một người thân lâu ngày gặp lại.

Kết thúc câu chuyện, Thứ trưởng Trần Đông bảo tôi: Bộ muốn đưa một số anh em có chuyên môn nghiệp vụ và đã trải qua chiến trường miền Nam như cậu về Vụ Tổ chức cán bộ, nguyện vọng của cậu thế nào? Tôi thưa với Thứ trưởng, tôi chỉ muốn suốt đời được làm trinh sát, nhưng nếu quyết định của tổ chức, tôi xin chấp hành. Thế rồi chỉ một tuần sau, tôi nhận quyết định điều động sang làm Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ. Bắt đầu một quãng thời gian được làm việc trực tiếp với Thứ trưởng Trần Đông và đã cho tôi những bài học kinh nghiệm vô cùng đáng nhớ.

Ở đây, lần đầu tiên tôi được Thứ trưởng Trần Đông giảng về Nghị định 250/CP ra 6/1981, trong đó, xác định “lực lượng CAND là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước”, với nguyên tắc tổ chức tập trung, thống nhất và chuyên sâu, tôi thật thấm thía và phấn khởi. Nhưng không chỉ thế, từ đây, với tư duy mới mẻ của mình, Thứ trưởng Trần Đông góp phần không nhỏ để mở ra nhiều vấn đề lớn trong chính sách cán bộ.

Trước đây, sau khi học, rồi công tác 5 năm trong lực lượng, CBCS Công an mới được tính thâm niên, nhưng đến thời Thứ trưởng Trần Đông đã thay đổi: CBCS Công an được tính thâm niên ngay từ khi đi học. Ông cũng giúp tôi cả từ những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ, như phân biệt rõ hơn giữa cán bộ nghiệp vụ, cán bộ trinh sát và lái xe ở từng vị trí, để có chế độ phù hợp với từng đối tượng, tránh thiệt thòi cho anh em: cùng là lái xe, nhưng lái xe nghiệp vụ, ngoại tuyến để theo dõi đối tượng thì là được xếp loại như trinh sát ngoại tuyến; hay lái xe PCCC cũng được hưởng chế độ của CBCS PCCC…

Từ 1981, Thứ trưởng Trần Đông đã có tư duy mới và chủ trì thay đổi trong chính sách cán bộ, tạo nên không khí mới trong toàn lực lượng: người tốt nghiệp Đại học An ninh, có 4/5 năm là sinh viên khá giỏi và thi tốt nghiệp đạt loại khá giỏi, sẽ được phong Trung úy; CBCS công tác ở các đơn vị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tỉnh, hay Bộ Công an, được Bộ Công an tặng Bằng khen, sẽ được lên lương trước 1 năm trong niên hạn đó.

Chính tư duy mới trong chính sách cán bộ của Bộ khi thực hiện Nghị định 250/CP, cùng với nhiều yếu tố khác tổng hợp lại, đã tạo nên không khí phấn chấn trong toàn lực lượng, để thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một trong những việc quan trọng mà Thứ trưởng Trần Đông đã làm, khiến tôi rất khâm phục là, khi đó, một đồng chí lãnh đạo Bộ có nghi vấn đang bị đình chỉ công tác mấy năm. Điều này tạo nên đám mây nghi ngờ trong nội bộ, khiến bản thân đồng chí đó lẫn gia đình rất đau khổ, nhất là khi vị cán bộ lãnh đạo đó từng chịu nhiều năm trong nhà tù CIA, mãi đến khi đất nước thống nhất mới được ta giải cứu.

Được Bộ trưởng Phạm Hùng giao trực tiếp xác minh, làm rõ để kết luận vụ việc, Thứ trưởng Trần Đông đã thực hiện rất tận tình. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, khi các tài liệu liên quan đều là tuyệt mật và gần như khép kín. Nhưng bằng kinh nghiệm nghiệp vụ bao năm tích tụ, bằng cả nghĩa tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, ông đã lắng nghe và tập trung làm rõ từng chi tiết nhỏ nhất. Sau nhiều ngày tháng tận tâm chỉ đạo điều tra, xác minh, cuối cùng, đã phát hiện nguyên nhân gây nên sự oan khuất cho vị cán bộ chỉ là do một tài liệu bị cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ làm sai nguyên tắc.

Nhờ kết quả điều tra này, Bộ Chính trị đã ra quyết định giải oan cho đồng chí cán bộ lãnh đạo, trả lại thanh danh không chỉ cho một Anh hùng, mà còn cho cả gia đình của ông. Sau đấy, Thứ trưởng Trần Đông còn trực tiếp chỉ đạo, xác minh một vụ án nội gián ở miền Trung và nhanh chóng có kết luận, để giải quyết vấn đề sáng tỏ, giúp xây dựng mối đoàn kết nội bộ ở địa phương.

Trong ấn tượng của tôi, Thứ trưởng Trần Đông còn là một người lãnh đạo luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới, thậm chí hiểu được cả những điều có khi chúng tôi chưa dám nói ra, để giải quyết vừa thấu lý, lại đạt tình và động viên anh em phấn khởi thực hiện cho tốt nhiệm vụ. Có thể nói, những phẩm chất này, không phải người lãnh đạo nào cũng có.

Thứ trưởng Trần Đông (ngoài cùng bên phải) trong một lần gặp đồng đội cũ.

Gần 54 năm công tác và chiến đấu trong lực lượng Công an, thời gian làm việc cùng Thứ trưởng Trần Đông chỉ chừng 1/10 thời gian đó, nhưng ấn tượng về ông để lại trong tôi thật đậm nét: Đó là tư duy đổi mới trong công tác cán bộ, chính sách cán bộ, tác phong làm việc giản dị và nhất là, phong cách gần gũi, gắn bó giữa người lãnh đạo với anh em, luôn chú ý nâng tầm cho cán bộ cấp dưới.

Đặc biệt, điều tôi học được nhiều ở Thứ trưởng Trần Đông là tính nhân văn trong công tác cán bộ. Trước mọi quyết định, ông đều làm việc với sự thấu hiểu, tình thương yêu đồng đội, với cơ sở đặt việc chung lên trên. 

Bài viết này với những ký ức thân thương của tôi xin  gửi đến người thủ trưởng, người anh đã để lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc trong tôi, cũng là người mà tôi suốt đời quí mến…!

Thanh Hằng ghi
.
.
.