Người thợ săn voi rừng Ea Súp

Thứ Năm, 23/08/2007, 12:14

Ông là con trai của Ama Kông, người thợ săn voi cừ khôi nhất Tây Nguyên. Nối nghiệp cha, Ama Vé cũng trở thành một thợ săn voi chuyên nghiệp với hàng chục năm gắn bó với nghề. Khi giải nghệ, dù cha ông không phải là già làng để truyền ngôi theo phong tục, ông vẫn được bà con kính trọng bầu là già làng.

>> Bỏ hay giữ nghề săn voi ở Buôn Đôn?

Nhắc đến nghề săn voi rừng ở Tây Nguyên, hẳn ai cũng nghĩ đến Ama Kông, với kỷ lục săn được gần 300 con voi đưa về thuần dưỡng, đổi chác, làm quà… Nhưng, vẫn còn một thợ săn voi thứ nhì chưa được biết đến, đó là Ama Vé.

Trong ngôi nhà sàn nằm giữa thị trấn Ea Súp, Ama Vé kể cho tôi nghe chuyện ông phải trải qua bao gian truân, khổ ải, mới trở thành người thợ săn voi thực thụ. Song, ấn tượng nhất vẫn là chuyện Ama Vé lên… "ngôi" già làng, cùng các chiến sĩ Công an lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để kêu gọi những người lầm lạc, bị bọn người xấu của Ksor Kơk dụ dỗ, giúp họ nhận ra lẽ phải, trở về với gia đình, với buôn làng…

Săn voi từ tuổi 12…

Ama Vé có tên trong khai sinh là Y Kông Knul, ông là con trai đầu của già Ama Kông, người thợ săn voi bậc thầy ở đất rừng Tây Nguyên. Năm nay, Ama Vé đã bước sang tuổi 68, nghề săn voi rừng trên Tây Nguyên cũng không còn "đất dụng võ" nữa vì đã bị cấm từ lâu. Nhưng khi ngồi uống rượu cần với tôi, những câu chuyện săn voi đầy kỳ thú như vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của Ama Vé. Hớp một ngụm rượu cần, Ama Vé cất giọng ồm ồm kể lại…

Ngày đó, rừng ở Ea Súp rậm rạp lắm, còn rất nhiều cây to, thân cây năm, bảy người ôm không xuể. Trong rừng, voi cũng rất nhiều. Thỉnh thoảng, chúng lại kéo đàn, kéo lũ ra phá nương rẫy, nhà cửa, đe dọa tính mạng của bà con buôn làng.

Đội săn voi của người Êđê do Ama Kông dẫn đầu săn và bắt đưa về buôn thuần hóa được rất nhiều voi rừng hung dữ. Điều đó càng kích thích chú bé Ama Vé.

Dù mới 12 tuổi nhưng chú vẫn cố sức xin bố cho gia nhập đội săn. Thấy Ama Vé nằn nì mãi, ông Ama Kông đồng ý cho chú đi theo. Chân ướt, chân ráo vào nghề, Ama Vé phải chịu làm thợ phụ ngồi sau người thợ chính trên lưng con voi nhà, đến bữa thì lo phụ nấu cơm nước cho đội săn.

Cũng do là thợ phụ nên theo qui định cách ăn mặc của đội săn thì Ama Vé đóng khố, ở trần, không được ăn ếch, ăn cá màu trắng, màu đen; ngủ phải nằm thẳng, không được co chân...

Trước khi đi săn voi, thợ săn kiêng ngủ với vợ, không uống rượu. Lúc xuất phát, họ cúng dâng gà sống cho Giàng Ngach Ngoa cầu xin Giàng giúp để bắt được voi rừng.

Mỗi con voi nhà đi hai thợ săn, một chính, một phụ; chính ngồi trước điều khiển voi, phụ ngồi sau để đánh voi chạy cho nhanh. Vào rừng gặp voi, họ điều khiển voi nhà bao vây, rồi tung những cây sào dài đầu có thít cái thòng lọng được bện bằng da của 6 con trâu to nhất để thít chặt cổ và chân sau của con voi rừng dẫn nó về buôn thuần hóa…

Cứ thế, lăn lộn cực khổ với đội săn của Ama Kông cho đến năm lên 14 tuổi, chú bé Ama Vé được lên thợ chính và tự tay mình bắt được con voi rừng to, cao đến 1,6m ở rừng Ea R'vê.

Những năm sau đó, Ama Vé được mặc áo quần, đội mũ, được ăn thịt ếch, cá trắng, cá đen… vì số voi rừng ông săn được tăng lên 5, 10 rồi 15 con. Đến khi tuổi của Ama Vé đi qua 59 mùa rẫy, ông săn được con voi rừng thứ 37 thì "giải nghệ", bởi vì lúc này Nhà nước đã có chỉ thị cấm săn bắt voi rừng…          

Cán bộ Công an huyện Ea Súp đang trao đổi công việc với già làng Ama Vé.

Già làng không được truyền ngôi

Nhưng ấn tượng với tôi hơn cả vẫn là chuyện Ama Vé trở thành một già làng có uy tín của người Êđê ở buôn Súp B.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Công an huyện Ea Súp, nói: "Theo luật tục thì già làng của người Êđê phải là cha truyền con nối, Trong khi cha của Ama Vé là già Ama Kông chỉ là thợ săn voi rừng".

Ngừng một lát, anh nói tiếp: "Thế nhưng, bà con Êđê luôn kính trọng Ama Vé như già làng thực sự, làm điều gì họ cũng hỏi ý kiến của ông. Có vướng mắc mâu thuẫn gì trong cộng đồng người Êđê, Công an huyện đều phải nhờ đến Ama Vé. Ông am hiểu rất kỹ những luật tục của đồng bào, lại có tài ăn nói lưu loát nên chỉ có ông thuyết phục, giải thích thì "chuyện hung mới hóa cát".

Nói đoạn, Trung tá Hùng kể cho tôi nghe chuyện của Y Lek Siêu đi lấy gỗ trong rừng Cầu Hai bị chết xảy ra cách đây chừng ba tháng. Người nhà Y Lek Siêu khăng khăng không cho Công an tỉnh tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết do đâu.

Tuy nhiên, khi Ama Vé tới vận động, giải thích thì người nhà Y Lek Siêu đã xiêu lòng. Rốt cuộc, cái chết của Y Lek Siêu được làm rõ là do bị cây ngã đè, tránh được những kiện tụng không đáng có…

Trong những năm 2001-2004, bọn người xấu của Ksor Kơk về các buôn làng dụ dỗ, lừa phỉnh đồng bào tham gia tổ chức của chúng, biểu tình, bạo loạn, gây rối…, già làng Ama Vé đã cùng lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Ea Súp bất kể ngày đêm, mưa nắng đi đến từng nhà để giải thích, vạch trần bản chất xấu xa của tay chân Ksor Kơk.

Nhờ đó, có rất nhiều đối tượng tham gia Fulro trốn chui, trốn nhủi trong rừng nhận ra điều hay, lẽ phải quay về với buôn làng, người thân. Không chỉ có người Êđê, đồng bào Jarai, Bana, M'nông… trong các buôn, nhất là thanh thiếu niên đều nghe theo lời Ama Vé, từ bỏ hẳn ý định theo bọn người xấu Ksor Kơk…

Đại úy Trọng Tính, cán bộ trong đội tuyên truyền của Phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Đắk Lắk, còn kể với tôi rằng: Nhờ có kinh nghiệm của một già làng uy tín, đã trải qua những chuyến đi vào rừng vận động những người lầm lạc, nghe lời xúi bẩy, lừa phỉnh của Ksor Kơk để quay về, Ama Vé nhận lời đóng vai già làng trong phim truyện "Trở về" do họ sản xuất.

Dù không phải là diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, nhưng già làng Ama Vé nhập vai rất đạt, góp phần làm cho bộ phim thêm sống động và khi nó hoàn thành đã được mọi người đánh giá khá cao. Năm ngoái, Bộ phim đã được Bộ Công an và Đài Truyền hình Việt Nam tặng Huy chương bạc trong đợt Liên hoan Truyền hình CAND lần thứ VII…      

Từ một người thợ săn voi "giải nghệ" và trở thành già làng có uy tín, góp phần rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, ổn định cuộc sống bình yên của đồng bào tại các buôn làng Ea Súp, Ama Vé đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen

Long Vân
.
.
.