Người thầy ngồi xe lăn viết chữ bằng miệng

Thứ Năm, 26/11/2015, 08:43
Bị dị tật từ nhỏ, đôi chân bị khoèo, đôi tay không cầm nắm được vì liệt gân nhưng anh Phùng Văn Trường (35 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ngày ngày vẫn ngồi trên xe lăn dạy học miễn phí cho các em học sinh ở địa phương.

Anh Trường khi sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến khi được 2 tuổi thì anh không đi được, gia đình lo lắng và đưa đi chữa trị tại các thầy lang. 

Đi hết thầy lang này đến thầy lang kia mà anh vẫn không thể đi được. Đến năm 1985, gia đình quyết định đưa anh lên Bệnh viện 103 để khám và điều trị, quá bất ngờ khi biết anh bị teo cơ tay và chân. Vì gia đình lúc bấy giờ khó khăn nên đưa anh về chăm sóc cũng như điều trị tại nhà. Nhờ có sự động viên của cha mẹ, anh em và hàng xóm nên anh vẫn gắng gượng. Học hết lớp 8 vì sức khỏe và cũng vì trường cách xa nhà, anh phải dang dở việc học. 

Do sức khỏe dần yếu đi, bị liệt 2 tay và 2 chân không đi lại được nên bố mẹ đã mua cho anh một chiếc xe lăn để tiện đi lại trong nhà. Hơn 10 năm, anh Trường chỉ biết ngồi trên chiếc xe lăn và quanh quẩn tại nhà, ít tiếp xúc với mọi người.

Thầy Phùng Văn Trường ngày ngày vẫn ngồi trên chiếc xe lăn, viết chữ bằng miệng dạy các em nhỏ tại nhà.

Một lần, qua chương trình phát thanh trên đài, anh nghe được câu chuyện thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký về tài viết chữ bằng chân của thầy và xem một bộ phim có một nhân vật dùng miệng viết chữ. Lúc đó, anh tự nhủ, người khác làm được thì mình cũng làm được. Tự đặt quyết tâm, anh Trường nhờ người thân mua giúp sách về học và tập viết chữ từ đây. Phải mất vài tháng trời tập luyện, đầu năm 2009, khi những nét chữ từ miệng anh viết ra đã sáng sủa, nắn nót, anh mới nảy ra ý định dạy viết chữ cho những đứa trẻ gần nhà. Ủng hộ ý tưởng của anh, gia đình đã tạo điều kiện dành một gian nhà cấp 4 để dùng làm nơi dạy chữ.

Rồi anh mở lớp dạy viết chữ miễn phí cho các em nhỏ trong địa phương. Nhiều gia đình từ các làng xa hơn cũng đưa con em về nhờ uốn nắn. Thấy người thầy khuyết tật miệt mài dạy chữ, không thu bất cứ khoản phí gì, nhiều gia đình đã bảo nhau đóng góp thêm nhưng anh đều từ chối. Mãi sau này, bà con mới thuyết phục được thầy nhận phí học cho các em để phụ thêm cuộc sống gia đình của đôi vợ chồng trẻ. 

Anh Trường kể: Cái duyên đã đưa anh đến với chị Hương. Với tình yêu thương thật lòng và dám chấp nhận số phận, hai người đã đến với nhau, trở thành đôi vợ chồng hạnh phúc. Anh Trường và chị Hương cưới nhau năm 2012, đến nay anh, chị đã có một cháu trai được 5 tháng tuổi. 

Nhìn vợ cho con ăn, anh nghẹn ngào nói: “Con tôi được sinh ra như một món quà vô giá và tôi nghĩ rằng ông trời đã ban cho tôi điều này. Và điều đó khiến tôi ích kỷ hơn một chút, tôi muốn có thêm sức khỏe, muốn được sống lâu để dạy con viết chữ, dạy con làm toán. Tôi muốn ghi lại những gì đã trải qua với cuộc đời cũng như cuộc sống của tôi vào cuốn sổ để sau này con tôi lớn lên có thể đọc và cảm nhận được những gì mà bố nó đã trải qua. Và từ đó, tôi hy vọng con mình sẽ thương yêu bố, thương yêu gia đình để vươn lên hoàn cảnh và trở thành con người tử tế, có ích cho xã hội sau này”, người thầy tật nguyền nghẹn ngào trong nước mắt.

Xuân Bùi
.
.
.