Người thầy nặng gánh con chữ trên đôi chân tật nguyền

Thứ Năm, 28/11/2013, 23:01
Thấy những đứa trẻ con trong làng không được đến trường học chữ, vì hoàn cảnh nghèo khó, dù tật nguyền nhưng anh vẫn gắng sức mở một lớp học dạy chữ để truyền đạt kiến thức mình có được, với mong muốn xóa mù chữ cho các em mà không đòi hỏi tiền học phí...

Lớp học nhỏ của người thầy “đặc biệt” Nguyễn Trai nằm lọt thỏm sau con đường đất sỏi ở thôn Thanh Lam Trung, xã Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế); hằng ngày vẫn vang vang tiếng đọc bài đồng thanh của những cô, cậu học trò từ lớp 1 đến lớp 4. Đa phần các em tìm đến với lớp học đều có gia cảnh khó khăn không thể đến trường để học thêm kiến thức nên được bố mẹ gửi vào lớp của thầy Trai. Chưa từng được học qua bất kì một lớp nghiệp vụ sư phạm nào nhưng thầy Trai vẫn ngày ngày đứng lớp để truyền đạt cho học sinh của mình những kiến thức mà mình đã tự mày mò học được thông qua những cuốn sách, báo cũ trong suốt gần 30 năm kể từ ngày bước vào nghiệp dạy học...

Không giống như bao người bình thường khác, cuộc đời của thầy Trai là những chuỗi ngày khó khăn, vất vả chống chọi với bệnh tật. Thầy Trai kể rằng, thầy bị dị tật từ năm mới học lớp 9. Hôm đó, sau buổi học khi đang trên đường về nhà, không hiểu sao 2 đầu gối cậu bé Trai cứ khít lại, va vào nhau khiến những bước chân trở nên nặng nhọc. Những cơn đau ở chân làm cho Trai không thể đến lớp với chúng bạn. Nửa tháng sau, gia đình hối hả đưa Trai vào Bệnh viện Trung ương Huế chữa trị.

“Vào bệnh viện được 3 ngày thì tôi bị liệt, teo cơ rút gân vì bệnh viêm đa khớp. Các bác sĩ khuyên nên đưa tôi ra Bệnh viện Bạch Mai chữa trị. Lúc đó nhà tôi nghèo lắm, khoai sắn không có mà ăn thì lấy đâu ra tiền mà đi chữa bệnh”, thầy Trai buồn rầu nhớ lại.

Ngày ngày thầy Trai vẫn chống nạng đi dạy chữ cho học sinh nghèo.

Kể từ ngày bị liệt, nhìn thấy bạn bè đến trường, chạy nhảy, Trai cứ khóc suốt vì ước mơ được đi học đành phải gác lại. Nằm một chỗ, cậu bé Trai như một gánh nặng trong gia đình, mọi chuyện từ sinh hoạt, ăn uống Trai không thể tự mình làm được mà phải nhờ người thân giúp đỡ... Nhưng, không chịu đầu hàng số phận, Trai hằng ngày vẫn dùng tay bấu víu vào thành giường và sợi dây buộc ở đầu giường tập ngồi, tập đứng. “Những lúc muốn tập, tôi phải chờ bố mẹ ra đồng mới dám tập bởi sợ bố mẹ nhìn thấy rồi lại buồn, lại khóc vì thương con”, thầy Trai tâm sự.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, 6 tháng sau, cậu bé Trai đã ngồi và gượng đứng được nhưng phải nhờ chiếc nạng bằng tre của anh trai làm tặng cho. Từ một người nằm liệt giường cho đến khi tự mình chập chững từng bước chân trên đôi nạng bằng tre, cuộc đời của thầy Trai như bước sang một trang mới. Trai đã tự mình làm được mọi việc. Và rồi một ngày, thấy mấy em nhỏ trong thôn xóm vì quá nghèo, không có tiền để đến trường phải ở nhà, trằn trọc nhiều đêm, Trai nghĩ tuy bị liệt nhưng với kiến thức 9 năm cắp sách đến trường, đủ để dạy mấy đứa nhỏ thoát nạn mù chữ.

Những đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo khó tại lớp học của thầy Trai.

Được sự giúp đỡ động viên của bố mẹ, anh chị em, thầy vận động mấy em nhỏ thất học trong thôn lại dạy chúng cách đọc, cách viết. Từ 5-6 em ban đầu, sau học sinh tăng dần, thời điểm cao nhất (năm 1992-1998) lên đến gần 40 em. Ngôi nhà của thầy trở nên quá nhỏ bé so với số lượng học sinh miệt mài tìm con chữ. Cạnh nhà thầy có cái chòi của một hộ dân canh giữ trâu, bò khỏi phá vườn. Thầy bày tỏ mượn cái chòi ấy làm lớp học, tiện thể canh giùm luôn cho họ. Sau khi được sự đồng ý với lời dặn dò của người dân tốt bụng, thầy và trò cùng nhau chặt tranh, tre, nứa, lá về nới rộng căn chòi thành lớp học cho các em.

Thời điểm mở lớp thầy Trai chỉ mới là chàng thanh niên 22 tuổi nhưng có học trò đã gần 30 tuổi vẫn đến xin được học lớp xóa mù chữ của thầy... Thương các em mù chữ, thầy Trai mở lớp mà không hề nghĩ đến chuyện tiền công dạy học. Thấy thầy tận tụy với học trò nhưng gia cảnh thầy nghèo quá nên nhiều phụ huynh góp gạo cho thầy coi như trả học phí, có nhà trả ơn bằng con gà mới nở, con lợn mới sinh… nhà nào nghèo không có gạo thì trả bằng ngày công như cuốc đất trồng khoai, sắn giúp.

Tiếng lành đồn xa, những học trò của thầy Trai không còn ở trong xóm làng nữa mà đôi khi có cả học trò của những làng kế cận. Năm 2005, nhận được sự giúp đỡ của cô Kim, một nhà hảo tâm ở Đà Lạt gửi gần 30 triệu về cho thầy xây lớp học, một lớp học rộng gần 16m2 được xây xong cũng là lúc mà cả thầy và trò cảm thấy hạnh phúc khi không còn phải học trong lớp học tạm bợ trước đây nữa...

Hạnh phúc cũng đến với người thầy tật nguyền này khi cảm thông với hoàn cảnh của thầy Trai, một người cùng xóm đã chấp nhận đưa cô con gái của mình về cùng sống chung một nhà với thầy mà không đòi hỏi tổ chức lễ cưới hay đăng kí kết hôn. Gần 30 năm, người thầy có số phận không may mắn ấy đã dìu dắt không biết bao nhiêu thế hệ học trò nghèo khó. Có những người bây giờ đã trưởng thành và thành đạt vẫn quay trở về thăm lại lớp học và gọi thầy Trai một tiếng “thầy”.

Giờ đây, đã ngoài tuổi 52, sức thầy Trai cũng đã yếu, vì cái lưng còng làm thầy đi lại khó khăn hơn. Nhưng, nhiệt huyết của người thầy tật nguyền vẫn không hề tắt. “Các em khó khăn mới tìm đến với lớp học, học trò đến càng ít tôi càng mừng vì chứng tỏ cuộc sống của gia đình các em đã khá giả hơn, các em đã được đến trường. Dù sau này, lớp học chỉ còn 1 em tôi vẫn dạy đến khi nào không thể đứng lớp nữa lúc đó tôi mới ngưng”, thầy Trai trải lòng

Đan Ngọc - Thanh Ngọc
.
.
.