Người thầy giáo khuyết tật chưa bao giờ thôi mơ ước

Thứ Năm, 14/07/2011, 10:49
"Cháu không thể tin được có ngày cháu được đứng trên bục giảng tại chính ngôi trường cháu đã từng học tập, từng nhẫn nại, vượt lên chính mình để vào được đại học", tâm sự của một thầy giáo ngồi trên xe lăn đã khiến cả hội trường lặng đi...

Chu Quang Đức nhỏ thó, đôi chân teo đi do ảnh hưởng của chất độc da cam, chỉ có gương mặt góc cạnh và ánh mắt kiên nghị. Kiên nghị như chính những việc Đức đã làm, đã chống lại số phận nghiệt ngã để hiện thực hóa ước mơ của cuộc đời mình-trở thành thầy giáo.

Chống lại số phận

Đến khi gặp Đức bằng xương bằng thịt tại hội nghị điển hình tiên tiến của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa qua, tôi vẫn cứ lởn vởn suy nghĩ, làm sao trong cơ thể còm cõi luôn bị hành hạ bởi những cơn đau nhức thấu xương ấy lại có một sức sống mãnh liệt đến thế. Cách nói chuyện của Đức khiến người đối diện có cảm giác mọi việc em làm được đều rất đỗi bình thường nhưng chỉ có điều để đi được tới đích thì em cần nhiều nỗ lực hơn mà thôi.

Lớn lên trong mái nhà bình dị ở xã Đại Thịnh (Mê Linh - Hà Nội), Đức là người con thiệt thòi nhất trong số 5 anh em. Từ bé cậu đã cảm nhận được sự khác biệt của mình đối với những đứa trẻ cùng xóm. Các bạn lớn lên, biết chạy nhảy, nô đùa, còn Đức, chân tay cứ teo dần đi, bố mẹ nuôi mãi chẳng thấy lớn. Thương con, bố Đức, một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam cùng người mẹ tảo tần một sương hai nắng, đã bỏ ruộng đồng mang Đức đi khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội thăm khám.

Nhưng các bác sĩ đã không tìm ra bệnh của cậu bé, không thể đặt tên bệnh của cậu là bệnh gì. Gia đình đành bất lực đưa con về, khi những cơn đau nhức xương lên đến đỉnh điểm thì lại cho cậu uống thuốc giảm đau. Và sau này thì mọi người mới vỡ lẽ, cậu bé đã bị di chứng chất độc da cam từ người cha của mình.

Nước mắt vòng quanh gương mặt gầy guộc của người cựu chiến binh khi nhắc tới cậu con trai thiệt thòi của mình. Suốt từ ngày đầu tiên, Đức cất lời xin gia đình "cho con đi học cùng các bạn", ông đã làm đôi chân cho con, hàng ngày nhẫn nại đưa đón con đi học.

Bác Chu Quang Chiến, bố Đức nhớ lại: "Ngày đó chỉ nghĩ cố gắng đưa cháu đến lớp cho thỏa khát khao của nó, chứ có ai nghĩ cháu nó lại học được tới đại học". Đôi bàn tay yếu ớt, nhỏ xíu bắt đầu tập viết những nét chữ đầu tiên khó nhọc. Mồ hôi chảy có lúc làm nhòe cả chữ, nhưng Đức không bỏ cuộc. Kết quả học tập của Đức đã làm thay đổi tất cả. 5 năm học tiểu học, rồi vào cấp THCS, Đức đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Bố là người luôn đi cùng Đức trên chặng đường thực hiện ước mơ.

Ai cũng nghĩ rằng với thể trạng yếu ớt, Đức ngày càng xanh xao, em không thể tiếp tục học lên cấp học phổ thông cuối cùng được. Bố mẹ cũng xót xa, nếu học tiếp liệu Đức có theo được chương trình học không khi bàn tay em không thể ghi chép được nhiều. Nhưng quyết tâm và ý chí của Đức đã thuyết phục được bố mẹ. Nhiều lúc Đức đã tỏ ra bất lực trước đôi tay của mình, căn bệnh đau đầu và nhức buốt xương khớp như muốn đánh gục mọi quyết tâm của em. "Mình phải cố lên, mình không thể là người tàn phế được", Đức đã tự nhủ với lòng mình để vững tin bước tiếp. 3 năm cấp III lại trôi qua trong khó nhọc.

Không từ bỏ ước mơ

Dòng ký ức như cuốn phim quay chậm. Tin Đức thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm II, Khoa Công nghệ tin học lan đi như một sự kiện xôn xao cả làng trên xóm dưới và là chuyện hy hữu ở Trường THPT Mê Linh. Lần đầu tiên có một học sinh khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam nặng nề lại thi đỗ vào đại học đã thổi bùng lên nhiệt huyết vào các bạn trẻ học cùng Trường THPT Mê Linh. Nhiều gia đình đã lấy Đức làm gương cho con em mình. Con thi đỗ đại học mà lòng lại quặn đau, bố Đức đã tâm sự thật như thế. Ông giao việc đồng áng và lo ăn học của 4 đứa con cho vợ ở nhà, còn mình tiếp tục cùng Đức lên Vĩnh Phúc trọ học.

Hàng ngày, người dân ở gần Trường Sư phạm II lại thấy một người đàn ông gầy còm bế cậu sinh viên nhỏ thó lên giảng đường mãi tận tầng 4, rồi lại vội vã quệt mồ hôi, đứng cổng trường làm nghề xe ôm phục vụ sinh viên và người dân quanh trường có nhu cầu. Cảm phục nghị lực của hai cha con, nhiều bạn cùng lớp đã giúp ông nhiệm vụ bế Đức lên lớp.

Một số tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, Hội Chữ thập đỏ huyện Mê Linh, Ngân hàng Chính sách và Tổng Công ty Viettel đã giúp đỡ để Đức có được chiếc xe lăn và một phần kinh phí học đại học. 4 năm học đại học của Đức cũng lại qua đi như một câu chuyện khó tin nhưng có thật. Sau ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học, Đức đã về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chiến tranh thành phố Hà Nội. Nhưng giấc mơ làm thầy giáo thì vẫn đau đáu. Vừa làm việc, Đức vừa tự mở một lớp học nhỏ ngay tại nhà mình, nhận dạy cho các em học sinh trong xóm.

Bây giờ thì Đức đã là thầy giáo phụ trách môn tin học khối 12 của Trường THPT Mê Linh. Đấy là kết cục có hậu dành cho cậu bé da cam dám chống lại số phận khắc nghiệt. Từ ngày có thầy Đức, các em học sinh ở đây càng như được tiếp thêm nghị lực, cố gắng học tập noi theo gương thầy. Thầy ngồi trên xe lăn, giảng bài trên máy chiếu, Đức đang dồn cả tấm lòng mình cho mỗi bài giảng.

Và sau mỗi giờ lên lớp, Đức vẫn kỳ cạch với lớp học nhỏ với gần 20 học sinh tại nhà. Lớp học của thầy giáo da cam bé nhỏ đang nhen lên ngọn lửa đam mê mãnh liệt cho lứa học sinh ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội

Thu Uyên
.
.
.