Người thầy giáo hơn 20 năm nuôi chữ nơi miền ngược

Thứ Năm, 02/06/2016, 08:25
Tôi hỏi thầy Trọng bao giờ về lại miền xuôi? Thầy khẽ bảo, đã “lỡ” gắn bó với nơi này rồi! Trên suốt chặng đường về, tôi tự hỏi, sao hơn 20 năm qua có rất nhiều cơ hội, nhưng thầy Trọng vẫn không về xuôi? Có lẽ với người thầy giáo ấy, tình yêu có lối đi riêng…

Nắng giữa trưa ở miền Tây Quảng Trị như xối lửa, thế mà ngôi trường cấp 1 Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa vẫn rất dịu mát. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng dẫn tôi dạo một vòng quanh sân, khoe những “công trình xanh” được thầy cô và học trò tự mày mò làm nên. Đó là những bức tường xanh mướt hoa lá, bể hoa súng, vườn treo hoa phong lan…

Giữa không gian xanh ấy được đặt những chiếc bàn cờ vua, vẽ trò chơi ô ăn quan lên nền gạch để học sinh giải trí giờ ra chơi; cảm giác thật gần gũi, thân thiện như đang sống trong ngôi nhà của mình.

Độc đáo tấm bản đồ Việt Nam được ghép bằng đá cuội ở Trường cấp 2 Hướng Phùng.

Sân trường còn có bản đồ Việt Nam với đầy đủ các quần đảo của Tổ quốc, bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ… Tất cả được ghép bằng đá cuội lượm từ các con suối, rất tỉ mỉ, công phu. Cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được xây dựng bằng nhựa mica ngay trước lối chính của dãy trường học.

Thầy Trọng bộc bạch: “Việc dạy học cho các em bằng kiến thức từ sách vở, nguồn tài liệu khác là chưa đủ. Đặc biệt, đối với học sinh bậc tiểu học chưa có điều kiện học nhiều từ thực tế, người thầy giáo vì thế cần phải xây dựng nên những mô hình dạy học trực quan sinh động để có thể nâng cao hiệu quả giáo dục một cách cao nhất. Từ ý nghĩ đó, tôi cùng giáo viên nhà trường phác thảo ý tưởng, thực hiện các mô hình này”.

Để hoàn thành các mô hình, từ giữa năm 2014, vào những ngày nghỉ, các thầy, cô giáo và học sinh cùng nhau ra con suối cách trường 5 cây số để nhặt đá cuội mang về. Mô hình được cô Lê Thị Niềm, giáo viên nhà trường phác thảo bằng máy tính rồi phóng kích cỡ ra thực tế. Có được mô hình chuẩn, thầy, trò dường như quên ăn, quên ngủ gắn đá cuội, trồng cây xanh hai bên bản đồ…

“Nếu mình cứ dạy học trò trên sách vở mà không tạo điều kiện cho các em hình dung về thực tế thì những bài học dù căn bản đến đâu cũng khó đọng lại trong trí nhớ các em. Cách làm của tôi cùng đồng nghiệp cốt để cho các em có cái nhìn thấu đáo, sâu rõ về cội nguồn của mình. Tình yêu Tổ quốc phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử của mình”, thầy Trọng chia sẻ.

Thầy Trọng và học sinh tại nhà sàn truyền thống của nhà trường.

Trong khuôn viên sân trường, ngoài những điểm nhấn đầy thu hút ấy còn có một ngôi nhà sàn đậm chất nhà sàn truyền thống của đồng bào vùng cao.

Thầy Trọng kể: “Hơn 20 năm gắn bó với đồng bào, chứng kiến bao sự đổi thay, tôi quyết định phục dựng ngôi nhà sàn này với gần 40 hiện vật mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, nhằm lưu giữ cho chúng khỏi sự mai một; nữa là tôi muốn làm điều gì đó tri ân bà con đồng bào nơi đây đã giúp tôi và các đồng nghiệp “cắm bản” hàng chục năm qua, miệt mài nuôi con chữ ở những vùng cao này”.

Hôm thầy Trọng cùng đồng nghiệp làm lễ khánh thành nhà sàn, rất đông bà con Bru - Vân Kiều có mặt từ sớm. Nhiều người mang theo hiện vật đến tặng. Già làng Hồ A Rỉa, thôn Xa Ry, tặng chiếc tẩu thuốc nặn bằng đất sét đã lưu giữ hơn 40 năm; già Côn Lơn cùng bản thì tặng chiếc khèn A Man từ đời cố mình để lại…

Hôm tôi đến trường, thầy Trọng đang trăn trở mô hình dẫn nước suối về sân trường, tạo cảnh quan với các dòng chảy đổ xuống khu vực một hồ nước. Chính giữa hồ là mô hình đảo Gạc Ma với các chiến sĩ đang tạo thành vòng tròn bất tử để bảo vệ Tổ quốc.

Thầy bảo, với mô hình này mình sẽ đưa vào giờ học ngoại khóa về giá trị tài nguyên nước và bài học lịch sử về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 cho các thế hệ học trò. Cùng với đó, thầy đang tiến hành làm nhà chờ cho phụ huynh.

Thầy bảo: “Cứ mỗi ngày tan trường, phụ huynh đến đón con phải đội nắng, mưa ngoài cổng trường nên tôi quyết tâm dựng một cái nhà chờ, đồng thời đặt ở đó kệ để sách báo và các văn bản liên quan cho phụ huynh đọc trong khi đợi con”. Hỏi kinh phí ở đâu?

Thầy Trọng cười hiền: “Ở tấm lòng các mạnh thường quân. Đến như phòng máy tính, vận động chưa đủ, tôi còn nợ cửa hàng 10 triệu đồng, mình làm được cái gì cho học sinh thì cứ làm, làm một cách minh bạch và hiệu quả thì các nhà hảo tâm họ sẽ ủng hộ!”, thầy nói. Tôi hỏi, thầy cạn ý tưởng chưa? Thầy khẽ bảo, còn nhiều lắm, ngôi trường như chính mảnh vườn nhà mình, có siêng năng, tận tình chăm chút mới có vườn cây trái tươi ngon”.

Nhắc tới hơn 20 năm “bám bản” dạy học, rồi cũng chỉ làm Hiệu trưởng một ngôi trường vùng cao như bây giờ, thầy Trọng thoáng chút suy tư: “Hồi đầu tiên tôi nhận công tác dạy học ở xã Thanh, được một tuần là bị sốt rét, phải chống gậy đi với sự hỗ trợ của đồng nghiệp...

Ngày đó đường sá không thuận tiện như bây giờ, mỗi lần ra Khe Sanh họp, xa tới mấy chục cây số; mùa mưa lụt phải bơi qua khe Bản Giai, xã Thuận; mình không sợ lũ cuốn mà chỉ sợ... mất con dấu nhà trường! Mưa hè thì đi bộ rồi đến đi xe đạp, mãi tới năm 1998 mới có xe thồ”. Điều gì đọng lại sau những tháng năm ấy?

Thầy Trọng bộc bạch từ tận đáy lòng: “Đó là các em học sinh, là con chữ Bác Hồ sáng lạn giữa đại ngàn Trường Sơn này!”.

Phan Thanh Bình
.
.
.