Người thầy công bố hoa trà mi quý hiếm ra thế giới

Chủ Nhật, 13/09/2015, 10:57
Sau những ngày trên giảng đường, thời gian còn lại, người ta dễ dàng bắt gặp ông Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt rong ruổi trong những cánh rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà... Hành trình gian nan của ông Dũng là để tìm kiếm, sưu tập loài hoa kiêu sa mang tên trà mi.

Đam mê trà mi từ người Nhật

Chúng tôi gặp ông trong một buổi chiều muộn khi giới sinh viên đã rời ghế giảng đường trở về gác trọ. Như mọi ngày, ông Lương Văn Dũng thường về nhà rất muộn sau khi đã đi kiểm tra kỹ lưỡng một vòng khu trà mi vừa được nhân giống trồng trong khuôn viên nhà trường một năm nay. 

Ông Dũng cho biết, sẽ biến nơi đây thành một trung tâm lưu giữ giống các loại hoa trà mi. Ở đây, nhiều cây trà mi đã bắt đầu cho hoa và không lâu nữa khu vực nơi chúng tôi đứng sẽ là công viên hoa trà mi quy hiếm, kiêu sa, trong đó có nhiều loại trà mi mà nhiều năm qua trên thế giới người ta vẫn tưởng nó đã tuyệt chủng.

Duyên cơ đến với hoa trà mi của ông Dũng bắt đầu từ năm 2008, khi đó, PGS. TS Trần Ninh, lúc ấy còn là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ông Hakoda (Chủ tịch Hiệp hội trà mi Nhật Bản) cùng đoàn khách Nhật đến nhờ ông Dũng hướng dẫn đi tìm hoa trà mi ở vùng rừng núi Lâm Đồng. 

Là một người có kiến thức rộng về thực vật học, nhưng khi nói đến hoa trà mi cùng mớ tài liệu ít ỏi, sơ sài mà các nhà khoa học những năm đầu thế kỷ XX từng công bố, ông Dũng vẫn vui vẻ nhận lời nhưng trong lòng không khỏi ái ngại. “Tất cả quá mơ hồ khi núi rừng rộng thênh thang như thế, còn loài hoa thì quá bé nhỏ, phân bố eo hẹp. Chẳng khác gì một trò chơi trốn tìm giữa rừng hoang khi thời gian của chuyến đi rất ngắn!...”, ông Dũng nhớ lại.

Rồi họ cũng lên đường theo hướng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Manh mối để điều tra, tìm kiếm loài hoa này được đoàn dựa vào tài liệu mà các nhà khoa học đã công bố, kiến thức của các chuyên gia trong đoàn, thông tin từ kiểm lâm, người bản địa và cả những thợ rừng. Những cánh rừng họ tìm tới rồi bỏ lại phía sau chỉ có sự hoang vu. Càng đi sâu vào khu rừng nguyên sinh, dấu tích của hoa trà mi càng bặt vô âm tín. Sau hai ngày tìm kiếm mà không đem lại thông tin gì khả quan, nét buồn bã, thất vọng và mệt mỏi đã hiện hữu trên từng gương mặt của mỗi thành viên trong đoàn.

Ông Lương Văn Dũng bên những cây trà mi đang được trồng nhân giống tại Trường ĐH Đà Lạt.

Ông Dũng kể, trước khi lên đường buông mình vào cuộc tìm kiếm, mọi thành viên đều hào hứng, kỳ vọng mặc dù những thông tin ban đầu mà các tài liệu còn lưu giữ không nhiều. Chẳng hạn, một loài trà mi có tên Krempf do ông Krempf phát hiện năm 1912 trên núi Hòn Giao, Khánh Hòa từng bị cho là đã tuyệt chủng. Trong bản mô tả lần đầu không hê ì có thông tin về hình dáng quả, màu sắc của hoa… 

Một tài liệu khác còn lưu trữ đến ngày nay là vào năm 1939, có nhà nghiên cứu người Pháp đã phát hiện ra một loài trà mi tại khu vực Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Thông tin lưu trữ lại là tọa độ, độ cao, phân bố hoa trà mi. Nhà nghiên cứu này lấy mẫu trà mi vừa phát hiện ép vào tờ báo, kèm theo tấm ảnh đen trắng giao cho bảo tàng. Tất cả thông tin chỉ có vậy, từ đó đến nay không thấy bất kỳ một tài liệu nào nhắc về loài hoa này.

“Sự khao khát của đoàn đã được đền đáp xứng đáng vào ngày thứ 3 của cuộc tìm kiếm. Đúng vào lúc mệt mỏi nhất, chúng tôi phát hiện ra một quần thể hoa trà mi mặc dù số lượng không nhiều. Sau giây phút sung sướng, vỗ tay reo hò, đoàn cẩn thận cắt một số cành về với mục đích nghiên cứu. Duyên cơ đến với loài hoa trà mi của tôi cũng bắt đầu từ đây!...”, ông Lương Văn Dũng chia sẻ. 

Công bố trà mi Lâm Đồng ra quốc tế

Sau lần công bố phát hiện ra quần thể hoa trà mi, UBND tỉnh Lâm Đồng lập tức đặt vấn đề với Trường ĐH Đà Lạt về đề tài “Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài trà mi ở Lâm Đồng”. Ông Lương Văn Dũng, TS. Nguyễn Văn Kết, Chủ nhiệm Khoa Sinh học cùng các cộng sự chính thức bắt tay vào một cuộc săn tìm các giống trà mi khác nhau trên cơ sở một số tài liệu được người Pháp công bố vào những năm đầu thế kỷ XX.

Vậy là từ đó, sau những ngày lên giảng đường truyền đạt kiến thức cho sinh viên, ông Dũng cùng cộng sự lại rong ruổi tới những cánh rừng bạt ngàn Nam Tây Nguyên. Khi người ta thấy ông lỉnh kỉnh đồ đạc trong Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Khi lại xuôi về vùng rừng núi cao nguyên Di Linh, các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

“Thời gian này, chúng tôi thực sự sống với cuộc sống “người rừng”, ăn ngủ trong rừng, ngày đêm tìm kiếm. Mỗi lần tìm thấy một cây trà mi là một động lực phi thường giúp chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đầy gian nan”, ông Dũng kể lại.

Có những chuyến băng rừng vượt suối kéo dài hằng tuần mà nàng hoa kiêu sa này vẫn không chịu lộ diện. Gian nan nhất là tìm loài trà mi hoa vàng đầu tiên của thế giới từng được người Pháp phát hiện tại Lâm Đồng vào những năm đầu của thế kỷ XX và công bố trên Thực vật chí Đông Dương. Các thông tin đều rất sơ sài, đoàn nghiên cứu phải tổ chức nhiều chuyến khảo sát với sự hướng dẫn của người dân bản địa, mỗi lần đi và về tới mấy trăm cây số, phải đến chuyến thứ ba mới gặp được tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). 

Trong hai năm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 2 loài trà mi mới cho khoa học và tìm lại 9 loài ngỡ đã tuyệt chủng. Hai loài trà mi mới này đã được đoàn nghiên cứu công bố trên Tạp chí Trà quốc tế năm 2012, 2013 với tên gọi là Camellia dalatensis (Trà mi Đà Lạt) và Trà mi Di Linh (Camellia dilinhensis). Đây là những đóng góp hết sức quý báu cho khoa học thực vật.

Năm 2014, nhóm nghiên cứu của ông Lương Văn Dũng đã công bố đề tài “Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài trà mi ở Lâm Đồng” sau 3 năm thực hiện. Qua kết quả của đề tài, ở Lâm Đồng hiện có 14 giống trà mi nhập nội chủ yếu, 21 loài trà mi tự nhiên, trong đó có 7 loài đặc hữu Lâm Đồng là: trà mi cành dẹt, trà mi Curry, trà mi Đà Lạt, trà mi Langbiang, trà mi OConor và trà mi Vidal. Hiện có 9 loài rất nguy cấp và nguy cấp. Các giống trà mi nhập nội là những giống lai tạo, chiếm khoảng 4,3% tổng số giống trà mi lai tạo trên toàn thế giới. Đến thời điểm hiện nay, nhóm nghiên cứu đã có danh lục trà mi bản địa Lâm Đồng với 21 loài, trong đó đã thu mẫu, tư liệu hóa được 11 loài.

Ông Lương Văn Dũng lo ngại, qua thực tế điều tra nghiên cứu, nhóm của ông còn đưa ra kết luận nhiều quần thể trà mi quý hiếm đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng không chỉ do rừng bị phá quá nhanh mà còn vì nạn khai thác trà mi trong tự nhiên để làm cây cảnh hoặc thu hái nụ để bán cho Trung Quốc với giá khoảng 1 triệu đồng/kg.

Kim Ngân
.
.
.