Người sở hữu chiếc máy nhạc cổ nhất Việt Nam

Thứ Bảy, 23/04/2005, 07:06

45 tuổi với mái tóc cắt ngắn và... bạc, Nguyễn Trọng Cơ chỉ coi mình là "cậu bé" trong giới sưu tập cổ vật nếu so với cụ Nguyễn Đình Đầu, linh mục Nguyễn Hữu Triết và nhiều bậc tiền bối khác. Vậy mà, "cậu bé" ấy lại được Vietbooks ghi nhận là người đang sở hữu chiếc máy nhạc cổ nhất Việt Nam, cũng là người có trong tay bộ sưu tập chum và chóe cổ rất có giá trị.

Trong căn nhà số 99, đường Trường Chinh, quận Tân Bình lối đi lại chật chội vì đồ cổ, những bộ bàn ghế gần trăm tuổi, một con rồng đất nung có từ thời Lý, bức hoành phi thời Bảo Đại, những tảng đá có dáng những con thú và rất nhiều chum, hũ, chóe, đồng hồ, đèn... tất tần tật những gì được coi là đồ cổ, Nguyễn Trọng Cơ đều cố mua về cho bằng được.

Năm 1993, khi vào Lâm Đồng công tác, tình cờ anh Cơ thấy nhiều bà con dân tộc vứt vất vưởng những chiếc chum, hũ, chóe dùng để uống rượu cần với những hoa văn tinh xảo, đẹp và ngộ nghĩnh. Tại sao mình không đem nó về nhà? Nghĩ là làm, anh đi mua gom từng cái một, rồi sau đó mày mò học và hỏi thêm thông tin về đồ cổ từ những bậc tiền bối, từ sách báo và những chuyến đi.

Sau 5 năm sưu tập chum và chóe cổ, anh Cơ đã có hẳn một bộ sưu tập. Niên đại của bộ sưu tập này có từ đời Lý, đời Trần thế kỷ XV-XVII, của những dân tộc S'tiêng, Châu Mạ, Lạch, Cil... mỗi một món đồ đều có thể nói lên một nét văn hóa nào đó của nền văn hóa mà nó được sinh ra. Hiện nay bộ sưu tập chum, hũ và chóe này đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM, các nhà chuyên môn nhận định đây là một bộ sưu tập rất có giá trị.

Nói về chiếc máy nhạc cổ nhất Việt Nam, anh Cơ được sở hữu nó là một sự tình cờ, được một người bạn giới thiệu rằng ở Cà Mau có một gia đình có chiếc máy nhạc từ thế kỷ XIX sẽ bán, nếu được giá. Nghe vậy, anh liền lặn lội xuống Cà Mau, sau khi xem xét kỹ chiếc máy, anh liền đưa ra một cái giá “hợp ý”, chủ nhân chiếc máy gật đầu, thế là anh Cơ trở thành người sở hữu nó. Và cái giá anh đưa ra bao nhiêu anh “không thể tiết lộ” vì đây là “nguyên tắc căn bản” của dân chơi đồ cổ.

Máy có chiều cao 40cm, rộng 30cm. Hộp của chiếc máy được đóng bằng gỗ, sử dụng một hệ thống cơ để vận hành máy, đĩa nhạc có hình ống. Công ty sản xuất được ghi là National Phonograph, hiệu Thomas Edison, năm sản xuất có thể là cuối thế kỷ XIX hoặc những năm đầu thế kỷ XX - chưa có một đánh giá chính xác về năm sản xuất. Khi muốn nghe nhạc phải lên dây thiều (dây cót) khoảng 10 vòng quay, đặt kim vào đĩa nhạc hình ống, khi hát chỉ phát ra tiếng nhạc “rẹt rè rè” nhè nhẹ được phóng âm bằng một cái loa đồng lớn, không âm, không thanh, một lần nghe kéo dài trong khoảng 4 phút. 

Đối với anh Cơ và những người đam mê đồ cổ, trong bất cứ món đồ nào mà họ sưu tập được cũng đều có giá trị như nhau. Còn với chiếc máy hát nhạc này, Nguyễn Trọng Cơ coi là món “bảo vật” giá trị nhất mà anh may mắn có được, bởi nó độc đáo và lạ

Thuận Nguyên
.
.
.