Người phụ nữ "một mình" chở “thuyền chữ”

Thứ Bảy, 27/09/2008, 09:47
Về hưu ở tuổi 56, với danh hiệu là nhà giáo ưu tú và thành tích dìu dắt hàng trăm học sinh khôn lớn, cô Nguyễn Thị Thông (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn nghĩ mình còn quá trẻ, quá khỏe để nghỉ ngơi... Chỉ sau vài tháng nghỉ dạy, cô mở lớp học tại căn nhà 2 gian tồi tàn của mình, mưa thì dột, nắng rọi tới đầu...

Hơn 35 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục được nghỉ hưu, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông lại tiếp tục mở lớp học tình thương miễn phí cho những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, gia đình khó khăn... với ước mơ xóa mù chữ cho những mảnh đời bất hạnh của quê hương. Hơn 100 đứa trẻ biết đọc, biết viết và hàng trăm gia đình biết ơn người giáo viên giàu tình người ấy.

Để làm tròn chữ hiếu

Cô ngồi đối diện với chúng tôi, gương mặt đầy tàn nhang, sạm đen vì gió biển, đôi mắt chực trào ra những nỗi niềm của người phụ nữ khi tôi vô tình hỏi về "khoảng trời riêng". Cô bảo rằng hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là có một tổ ấm, có một người chồng để nương tựa nhưng điều đó chẳng đến với cô, 63 năm nay cô "một mình".

Cũng không phải cô không có người dạm hỏi, thậm chí có nhà xin được đón cô về làm dâu nhưng cô từ chối: "Gia đình cô khó khăn lắm, 2 chị cả lần lượt lấy chồng, chị thứ 3 mù lòa, bố mẹ ngày càng già không có người chăm sóc, cô chẳng đành lòng... "sang sông"". Thế là tình duyên bỏ ngỏ, cô ở vậy chăm sóc bố mẹ và chị gái.

Bây giờ bố mẹ cô đã qua đời, cô vẫn chăm lo cho người chị gái mù, không lời than thở. Số tiền lương hưu 2,2 triệu/tháng đủ cho cô và chị gái sống sung túc, nhàn hạ nhưng những đứa trẻ không được đến lớp vì mồ côi, tàn tật, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nghỉ học đi làm... đã ám ảnh cô ngay từ những ngày còn đang dạy học.

Năm đó, năm 1996, tai họa ập xuống Ngư Lộc sau một cơn giận dữ của mẹ biển. Biết bao gia đình tan nát, vợ mất chồng, con mất cha... những đứa trẻ nghỉ học hàng loạt, nhiều đứa phải lao động kiếm tiền để phụ giúp gia đình khi chưa từng được biết đến cái chữ. Và kể từ đó cô ấp ủ một ước mơ xóa mù chữ cho những mảnh đời tội nghiệp ấy.

Hôm qua, cô gạt hạnh phúc riêng vì chữ hiếu, hôm nay cô lại gạt đi cuộc sống an nhàn bởi chữ tình.

Mẹ đã có ngàn đứa con

Tốt nghiệp lớp 7 (tốt nghiệp THPT), cô năn nỉ bố mẹ xin cho dạy lớp vỡ lòng của thôn. Một năm trôi qua, cô tiếp tục đi học sư phạm và bắt đầu dạy tiểu học năm 1966. Năm nào cũng đạt giáo viên dạy giỏi, được kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 23 tuổi.

Mấy năm nỗ lực cô giáo Thông được lên làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc, rồi Hiệu phó Trường Đông Minh (Đông Sơn) và đến năm 1987 cô về Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 nhận chức Hiệu trưởng. Trăn trở với những hoàn cảnh khó khăn và cái nghiệp "làm thầy" khiến cô yêu thêm những đứa trẻ nghèo.

Thế nên về hưu ở tuổi 56, với danh hiệu là nhà giáo ưu tú và thành tích dìu dắt hàng trăm học sinh khôn lớn, cô vẫn nghĩ mình còn quá trẻ, quá khỏe để nghỉ ngơi... Chỉ sau vài tháng nghỉ dạy, cô mở lớp học tại căn nhà 2 gian tồi tàn, mưa thì dột, nắng rọi tới đầu...

Cái tên "lớp học tình thương" là nhân dân Ngư Lộc ưu ái đặt cho lớp, bọn trẻ thì vẫn gọi cô Thông là mẹ. Lớp học của cô bắt đầu từ tháng 2 năm 2002 với 16 em, đứa 8 tuổi, đứa 13, cũng có đứa 22 tuổi, trong đó có 8 em mồ côi.

Ngày ấy còn khó khăn, cô mở lớp ngay tại nhà, dỡ những tấm cửa gỗ làm bàn học, nhặt những tấm ván mỏng làm bảng... Các em đến học đều nghèo khó, bất hạnh nên chẳng có tiền, cô lại trích ra khoản lương hưu đầu tiên mua sắm những quyển sách, quyển vở, cái bút...

Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của cô trở thành "địa chỉ đỏ" cho những người nghèo mù chữ. Biết đến lòng tốt của cô, thôn Thành Lập cho cô mượn văn phòng thôn làm nơi dạy học, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bàn ghế để đỡ đần gánh nặng cho cô. Không khang trang, không đầy đủ nhưng ngày ngày vào những buổi trưa, buổi chiều, hay buổi tối rỗi rãi lớp học của cô vẫn vang lên những tiếng "i tờ".

Cô đứng dậy mở chiếc tủ ở góc phòng và đem một chồng vở "tập viết" ra khoe với tôi: "Em xem đi, đây là sản phẩm của các con cô đấy". Những trang viết chưa thật đẹp vì đôi tay quen mò cua, mò ốc, kéo lưới, đánh cá... nay phải cầm bút cầm phấn, nhưng nét chữ nắn nót và cẩn thận đủ thấy những đứa trẻ đã cố gắng thế nào dưới sự dìu dắt của người mẹ hiền.

Hết lứa này qua lứa khác, lại dạy toàn những đứa trẻ đặc biệt nên công việc "ươm chữ" của cô thật nhọc nhằn. Em Ngô Thị Tâm bị liệt bẩm sinh, trí tuệ phát triển chậm nên theo học 5 năm nay mà vẫn chưa biết viết. Dạy mãi mà cứ như "nước đổ lá khoai" cô chẳng ngại nhưng trò thì nản và thế là bỏ học. Cô lại lặn lội đến nhà khuyên bảo, Tâm chơi trò "trốn tìm" làm cô mệt đứt hơi, mấy ngày liền kiên trì em mới dũng cảm theo học tiếp.

Đâu chỉ dạy chữ, cô còn chăm lo tới từng hoàn cảnh như những đứa con "dứt ruột đẻ ra". Có những đứa trẻ sức khỏe yếu, thỉnh thoảng ngất trong giờ học, cô "thủ" sẵn những lọ đường chữa "căn bệnh đói", có lần tất tưởi đưa con đến trạm xá toát cả mồ hôi.

Hai anh em Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn  Đại nhà nghèo chỉ có mỗi một cái quần nên phải thay phiên nhau đến lớp. Biết được hoàn cảnh cô bỏ tiền mua quần áo cho hai em, rồi đi xin đồ lành thay cho những em mặc quần rách...

Đại thủ thỉ với tôi: "Em yêu mẹ Thông lắm. Em sẽ chăm chỉ học để không làm mẹ buồn. Sau này lớn em sẽ mua cho mẹ một cái tivi to chị ạ". Gương mặt ngây thơ và ước mơ của cậu bé 10 tuổi khiến tôi rơm rớm nước mắt…

Hà Vân
.
.
.