Chào mừng kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam 30/4:

Người phi công số 5 trong phi đội trút bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất

Chủ Nhật, 27/04/2014, 09:09
Ba mươi chín năm trước, vào chiều 28/4/1975, cả Sài Gòn rung chuyển và kinh hoàng bởi trận ném bom như trút lửa xuống phi trường Tân Sơn Nhất làm tê liệt cảng hàng không quân sự, dân sự Sài Gòn. Những chiếc máy bay loại A37 của không lực Hoa Kỳ trang bị cho Không quân Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa) do phi công “Việt cộng” Nguyễn Thành Trung và phi công hàng binh Trần Văn On hướng dẫn đã bất ngờ ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mở màn cho cú đấm tổng lực quyết định giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi vĩ đại chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Chiến tranh đã lùi xa trong quá khứ, tôi tìm về ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) để thăm người phi công hàng binh ở vị trí số 5 của phi đội Quyết Thắng năm nào. Băng qua một cánh đồng lúa, men theo con đường bờ ruộng, lẩn khuất trong vườn cây xanh, sau hai, ba lần hỏi thăm nhà ông On phi công, cuối cùng đã có một nông dân cao tuổi nhà cùng xóm chỉ đường. Tôi dừng đúng căn nhà tường sơn màu xanh nhạt, xung quanh là cây trái mát rượi. Ông từ sau nhà đang xịt nước tắm bầy heo rửa tay đi lên, cười mừng đón khách lạ và cho biết thêm, trừ đồng đội trong CLB cựu phi công đến thăm, ông không có khách bao giờ… Đôi mắt của ông hiện đầy vết chân chim, dấu vết của thời gian cuộc đời đã hằn in trên đấy. Trần Văn On sinh năm 1948, trong một gia đình nông dân nghèo của tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang), hiền lành, ít nói. Học hết lớp 10 (tú tài) năm 1968, On bị bắt đi lính. Sau đó được tuyển chọn sang Mỹ học lái máy bay A37. Năm 1973, trở về nước tham gia Phi đoàn 550 tại sân bay Đà Nẵng. Trên những chuyến bay ném bom đối phương, Trung úy phi công On nhận ra rằng, hầu hết bom đạn trút xuống nhắm vào mục tiêu dân sự. Kẻ thù ở đâu không ai thấy, chỉ có xóm làng, người dân chết chóc, đau thương. Anh khắc khoải giấc mơ hòa bình, để được quay về với làng quê Vĩnh Hựu, Gò Công nơi có người vợ hiền đang là giáo viên với con nhỏ. Nhưng chiến tranh không biết ước mơ con người…

Phi công Trần Văn On (bìa phải) với đội bay Quyết Thắng.

Rót thêm ly trà, Ông On bồi hồi nhớ lại: “Đà Nẵng giải phóng ngày 29/3. Nhiều đồng đội của tôi đã di tản, tôi từng học ở Mỹ về chưa đầy 2 năm, nên quyết định ra trình diện chính quyền quân quản và mạnh dạn đề đạt nguyện vọng lái máy bay của Mỹ bỏ lại tại sân bay Đà Nẵng để chiến đấu, lập công chuộc lại lỗi lầm”… Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam với 5 cánh quân tổng tấn công bất ngờ, thần tốc, táo bạo giải phóng hàng loạt các tỉnh, thành. Tại sân bay Đà Nẵng, quân giải phóng thu hồi gần 10 chiếc máy bay A37. Lúc này, ta chủ trương sử dụng số máy bay địch, mở thêm mặt trận trên không, nhưng nan giải nhất là phi công điều khiển. Những phi công của không quân Việt Nam từ Hà Nội vào tiếp quản chỉ quen lái Mig, kể cả phi công Nguyễn Thành Trung cũng không thông thạo loại A37. Lúc đó, Nguyễn Thành Trung phát hiện ra phi công hàng binh tên là Trần Văn On, từng chung “chiến tuyến” với nhau, nên đề nghị Binh chủng Không quân thu nhận “phi công Sài Gòn” cùng Nguyễn Thành Trung huấn luyện điều khiển, lái máy bay A37. Trần Văn On kể lại, anh phải dịch từng nút hướng dẫn bằng tiếng Anh ra tiếng Việt, dán thay thế để anh em dễ nhớ vì A37 là chiến đấu cơ hiện đại của Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Ngày 27/4/1975, phi đội Quyết Thắng thành lập do Nguyễn Thành Trung làm Phi đội trưởng bay vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng đến thăm và dặn dò: “Các đồng chí phải hoàn thành nhiệm vụ, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”. Phi đội xuất kích vào lúc 4h30 ngày 28/4 với đội hình bay: Nguyễn Thành Trung số 1, lần lượt đến Từ Đễ, Mai Xuân Vượng, Hán Văn Quảng và Trần Văn On số 5 bay khóa đuôi. Từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) phi đội bay hướng ra Vũng Tàu với tầm thấp chừng 300m, rồi bất ngờ ngoặt lại Sài Gòn, không sử dụng bộ đàm buồng lái để tránh rada địch phát hiện… Trận mưa bom thư hùng đã bất ngờ trút xuống sân bay Tân Sơn Nhất gây chấn động và hoang mang toàn bộ quân lực Sài Gòn và làm nức lòng quân dân, tăng thêm khí thế tấn công mãnh liệt trên các mũi chiến lược, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngước nhìn trên vách nhà ông Trần Văn On, có treo Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, đây có lẽ là tấm Huân chương duy nhất mà ông có. Ông cười rất tự hào, Huân chương được cấp có thẩm quyền cân nhắc và như để kỷ niệm ngày trọng đại của đất nước nên đã chọn ký vào ngày 30/4/1975, nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử cuộc đời ông. Một kỷ vật lúc nào cũng gợi nhớ đến ngày độc lập, hòa bình. Sau ngày miền Nam giải phóng, phi đội Quyết Thắng giải tán, mỗi người mỗi công việc khác nhau. Phi công Trần Văn On tiếp tục về sân bay Cần Thơ thuộc đoàn 937 huấn luyện phi công, tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam, biển đảo… Sau đó, ông xin nghỉ công tác, lặng lẽ về lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình sinh sống bình dị, ẩn dật… Cho mãi đến dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, đồng đội trong phi đội bay Quyết Thắng anh hùng năm xưa đã tìm đến miền quê nghèo hẻo lánh của xứ Gò Công để gặp Trần Văn On, ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi… Chiều xuống thật nhanh, trên tay ông còn cầm mô hình máy bay diễn lại kỹ thuật bay A37 cho tôi xem, tôi thấy gương mặt ông rạng ngời, ánh mắt sáng, tinh anh và hiền lành, chất phác vô cùng. Ông đã sống lặng lẽ, vui vầy nhiều ý nghĩa sau ngần ấy năm trôi qua với mảnh vườn, đám ruộng, bờ mương và những kỷ niệm rất oanh liệt của một thời chiến tranh

Hoàng Châu
.
.
.