Người nông dân nghèo và hành trình tìm người thân cho các liệt sỹ

Thứ Bảy, 05/04/2008, 09:24
Tính đến nay, đã 23 năm ông nông dân Lê Văn Cam tình nguyện là người đưa thư cho các liệt sỹ với thân nhân của họ. Ngần ấy năm, ông không biết mình đã đi qua bao nhiêu nghĩa trang, chỉ biết rằng hiện ông có trong tay 22.000 thông tin phần mộ liệt sỹ. Chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ đã làm bạn với ông qua khắp các chặng đường đã trở nên ọp ẹp giống như chủ nhân của nó, một ông lão 72 tuổi.

Chắc hẳn nhiều người mới gặp rất ngạc nhiên khi thấy ông nông dân già, gầy gò, ăn mặc xuềnh xoàng lại luôn luôn kè kè chiếc điện thoại Nokia 5300 khá thời trang bên mình. Ông bảo, trừ phi hết pin, còn lại luôn mở máy. Những hôm đi vắng, ông còn viết số điện thoại vào tờ giấy rồi dán ở cổng nhà. Cái ông nông dân này là ai? Làm việc đại sự gì mà sở hữu… đường dây nóng?

Nghèo nhưng không hèn

Theo con đường làng đã bê tông hoá, anh xe ôm chở chúng tôi đến thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, huyện Vũ Thư cũ (nay là TP Thái Bình), tỉnh Thái Bình. Dừng xe trước ngôi nhà nhỏ, chúng tôi được chủ nhân là ông nông dân Lê Văn Cam đón tiếp khá nhiệt thành.

Người dân trong vùng đều biết về ông, biết việc ông đang làm. Người khen cũng lắm, người bảo ông rỗi hơi cũng nhiều. Ông không bình luận việc khen, chê của thiên hạ. Ông tiếp khách lạ nhiều rồi nên thấy chúng tôi xuất hiện cũng chả ngạc nhiên. Với ai, ông cũng vồn vã, nhiệt tình. Bao nhiêu tâm huyết, ông rút ruột kể ra hết với khách, cứ như lần đầu tìm được bạn tâm giao.

Hỏi ra, chúng tôi mới biết cũng câu chuyện ấy ông nói đi, nói lại rất nhiều lần. Không phải ông thích kể về bản thân mình đâu, chỉ vì ai gặp cũng hỏi những câu "tại sao bác lại làm thế?", "bác đã đi những đâu?", "bác đã viết bao nhiêu lá thư?", "bác lấy đâu ra tiền để đi, để mua tem?"… Trong cuộc gặp hôm nay, chúng tôi không thể không hỏi ông những câu hỏi như trên.

Năm 1995, khi đã ngoài ngũ tuần ông mới có dịp đi tìm mộ đồng đội là liệt sỹ Trịnh Bá Châu, quê ở Bá Thước, Thanh Hoá, hy sinh tại chiến trường Thượng Lào. 30 năm trôi qua, khi cả 3 người con yên bề gia thất, ông mới có điều kiện thực hiện ý nguyện. Điểm đến đầu tiên là nghĩa trang quốc tế Việt - Lào.

Sau khi xuống xe ôtô ở TP Vinh, ông đạp xe trên quãng đường 70km. Đến nơi, tìm mãi không thấy tên liệt sỹ Châu, ông thất vọng. Trong lúc đang bần thần đứng giữa những hàng bia lặng im trong nắng, ông loé ra ý tưởng. Đó là viết thư báo tin phần mộ các liệt sỹ cho thân nhân của họ. Rất có thể các liệt sỹ nằm đây nhưng thân nhân của các anh chưa biết. Cánh thư báo tin của ông sẽ là tin vui, là cầu nối giữa liệt sỹ và thân nhân họ. 

Tính đến nay, đã 23 năm ông tình nguyện là người đưa thư cho các liệt sỹ với thân nhân của họ. Ngần ấy năm, ông không biết mình đã đi qua bao nhiêu nghĩa trang, đã đứng lặng im trước bao nhiêu ngôi mộ. Chỉ biết rằng hiện ông có trong tay 22.000 thông tin phần mộ liệt sỹ. Chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ đã làm bạn với ông qua khắp các chặng đường. Nó đã trở nên ọp ẹp giống như chủ nhân của nó, một ông lão 72 tuổi.

Ông kể rằng, rất nhiều lần trên chặng đường đến với những chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ông phải xin cơm ăn, nước uống. Thu nhập của vợ chồng ông chỉ vì trông vào mấy sào ruộng nên số tiền mang theo ăn đường của ông chả đáng là bao. Không ai từ chối cho ông cơm ăn, nước uống khi họ biết việc làm thiện nguyện ông đang dấn thân. Thế mà đã có lúc ông kiệt sức, tưởng như phải bỏ dở giữa chừng.

Lúc ấy, những câu thơ nói về hành trình tìm mộ chồng của một người vợ liệt sỹ: "Em đi tìm dọc thời gian. Như bông lửa lựu sắp tàn lại khêu. Ngày không quán, đêm không lều. Bàn chân vạn dặm lần theo bước chồng" lại hiện lên, nó thôi thúc ông bước tiếp.

Lặng lẽ những cánh thư đi

Chúng tôi khá bất ngờ khi nghe ông Lê Văn Cam đọc những câu thơ trên. Ai đó từng nói, không nên đánh giá con người ta qua hình thức bên ngoài thật đúng. Con người bên ngoài của ông Cam lam lũ, bần hàn là thế mà bên trong chứa đựng tâm hồn, một chữ tâm cùng với kiến thức và trí nhớ hơn người.

Nếu không khoa học, làm sao ông có thể không lẫn lộn trong 22.000 thông tin về phần mộ liệt sỹ mà mình đã thu thập được. Những chồng sổ, cái bìa cứng, cái bìa bằng bao xi măng xếp đầy trong nhà. Ông sắp xếp danh sách liệt sỹ theo tỉnh, rồi theo vần A, B, C. Những trường hợp gửi thư đi, nhận được thư phản hồi ông đều đánh dấu bằng ký hiệu đi.

Không phải lá thư nào gửi đi cũng nhận được trả lời. Có thể thư không đến tay người nhận do một số địa danh thay đổi hoặc người ông gửi thư đã chuyển đi nơi khác. Mỗi thông tin về phần mộ liệt sỹ trong cuốn sổ lưu trữ của ông ở một trạng thái riêng, không có cái nào giống cái nào. Để có thể tra cứu, trả lời thân nhân liệt sỹ khi họ đường đột xuất hiện ở nhà ông, nếu không có cách sắp xếp khoa học, chắc chắn sẽ không có câu trả lời ngay được.

Trung bình mỗi ngày, ông gửi đi 10 lá thư. Thư gửi đi, thư gửi về, khiến công việc trong ngày của ông luôn bộn bề. Một thân nhân liệt sỹ gửi tặng ông chiếc máy tính cũ để tiện cập nhật dữ liệu, ông rất vui. Tuy cả đời chỉ quen với cái cuốc, cái cày song ông vẫn quyết học cho bằng được cách sử dụng.

Rồi ông cập nhật dữ liệu vào máy tính, tra cứu rất tiện. Tuy nhiên, do kiến thức công nghệ thông tin có hạn, khi máy tính bị virus, dữ liệu mất hết ông đành quay trở lại cách làm cũ. Cứ sổ sách mà ghi chép. Còn chiếc điện thoại di động cũng của một người ở Hà Nội gửi tặng để thân nhân liệt sỹ tiện liên lạc với ông.

Ông Cam còn có cách làm rất hay khác là nhờ những người bạn không quen ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc cung cấp thông tin về phần mộ liệt sỹ đang có ở nghĩa trang quê họ. Để làm được việc này, ông giả vờ là thanh niên chưa vợ gửi thư đến chuyên mục "Kết bạn" ở các báo.

Qua đây, nhiều cánh thư của các bạn gái trẻ từ khắp mọi miền gửi về làm quen với ông. Thư qua, thư lại, ông cho họ biết mình là ai, việc mình đang làm để thuyết phục họ ra nghĩa trang ghi thông tin về phần mộ liệt sỹ. Chính vì thế, không đi đến tận nơi nhưng ông Cam có thông tin về phần mộ ở các nghĩa trang tận vùng sâu, vùng xa.

Ông Cam cho chúng tôi lá thư mới nhận của một bạn trẻ giấu tên gửi đến từ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ngoài bì thư ghi "cháu phương xa", trong thư bạn cho biết rất cảm động trước việc làm của ông nên gửi tặng 100 con tem. Bạn tin những con tem này sẽ giúp ông báo tin cho thân nhân liệt sỹ biết phần mộ của con, em mình. "Hiện nay, tôi đang có 2kg tem dự trữ", ông khoe.

Thì ra, ông đang nói về số tài sản của mình. Mỗi con tem giá 800đ nhưng đã có lúc ông không đủ tiền mua tem. Ông làm liều bằng cách gửi thư không tem và không ít lần bị trả lại. Khi biết việc làm của ông, nhiều người gửi tem về tặng. Bạn trẻ giấu tên nêu trên chỉ là một người ủng hộ việc ông đang làm.

Biết việc làm lặng lẽ của ông Cam, chúng tôi đề nghị ông cung cấp danh sách thông tin liệt sỹ ông đang có để đăng tải trên website do Quỹ "Vì đồng đội" của Báo CAND cùng doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi thực hiện.

Một ngày gần đây, thông tin trên được cập nhật sẽ góp phần báo tin đến cho gia đình liệt sỹ. Đây cũng là ước nguyện của ông Lê Văn Cam trong hành trình tìm người thân cho đồng đội mình

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.