Người nông dân mê sáng tạo máy móc

Thứ Sáu, 17/08/2007, 16:11

Tám "béc" là biệt hiệu mà bà con nông dân Đắk Lắk dành cho ông Đặng Tám ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắk. “Béc” là một dụng cụ quan trọng dùng để phun nước trải đều khi tưới cà phê. Nhờ sáng chế của ông Tám, bà con đã được sử dụng sản phẩm vừa tiện lợi vừa rẻ gấp nhiều lần sản phẩm ngoại nhập.

Chúng tôi tìm đến nhà ông nhân dịp ông vừa được Trung ương Hội nông dân trao giải thưởng “Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” lần thứ 2. Ông nói với chúng tôi một cách say sưa về thành quả sáng tạo của mình.

Từ những năm 1990, khi bà con nông dân ở Tây Nguyên ồ ạt phát triển cây cà phê thì cũng là lúc họ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc chăm bón, nhất là trong việc tưới nước cho cây.

Một dụng cụ quan trọng dùng để phun nước trải đều cho cây cà phê khi tưới (thường gọi là béc tưới) lúc đó phải mua hàng của Liên Xô, Tiệp Khắc với giá thành cao, lại cồng kềnh bất tiện, khi tưới hiệu quả lại không cao như mong muốn.

Là một nông dân nhiều năm gắn bó với nương rẫy, ông Tám đã mày mò tìm hiểu  từng chi tiết trong 10 năm ròng để rồi sau đó sản xuất ra một loại béc mới với các đặc tính ưu việt vượt trội và giá thành chỉ bằng 1/3.

Hầu hết khách hàng sau khi sử dụng béc tưới của ông Tám đều có chung nhận xét: Lượng nước tưới đều, có khả năng vừa làm ướt đều rễ cây vừa rửa được rệp sáp trên lá, lại nhẹ nhàng tiện lợi khi di chuyển

Ông Tám vui mừng thông báo: Cái vòi phun mưa của ông đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, nhưng điều làm ông vui nhất là sản phẩm của mình đã giúp cho hàng vạn người nông dân đỡ vất vả trên mảnh rẫy vào mỗi vụ tưới! Ông nói: Mình sáng tạo không chỉ để cho riêng mình mà cho tất cả bà con bớt đi khó nhọc.

Mười năm mày mò vật lộn với đống phế liệu để có được thành công. Bây giờ, ông Tám không làm rẫy nữa, chuyển hẳn qua nghề cơ khí. Trước nhà ông, ngay cạnh quốc lộ 26, ông đắp một mô hình béc tưới bằng xi măng để bà con cần mua hay cần sửa chữa béc có thể dễ dàng tìm thấy nhà. Tiếng lành đồn xa, người dân trồng cà phê trong vùng, thậm chí tận bên Gia Lai, Lâm Đồng cũng tìm qua mua hàng.

Những mong ước còn lại

Căn nhà của ông Tám bây giờ vừa là nơi ở vừa là xưởng sản xuất với 5 công nhân làm việc thường xuyên. Trên tường, treo kín các loại giấy khen, bằng khen của các cấp chuyên môn: Bằng khen của Bộ Khoa học & Công nghệ tặng "Đã đóng góp tích cực cho phong trào sáng kiến, cải tiến hợp lý hoá sản xuất và tích cực tham gia Hội chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam -2003", "Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp  năm 2004", TW Hội Nông dân Việt Nam trao giải thưởng "Cuộc thi  sáng tạo kỹ thuật của nhà nông" lần thứ 2, năm 2006…

Ông Tám tâm sự rằng lâu nay ông và những người thợ vẫn cần mẫn lắp ráp máy theo phương pháp thủ công, trong khi ở nước ngoài việc sáng chế máy được làm trên cả một dây chuyền công nghệ hiện đại.

Bây giờ, mong ước của ông là làm sao có được lưng vốn kha khá để mở mang sản xuất, song với hoàn cảnh kinh tế gia đình hiện nay ông chưa thể thực hiện được điều đó, mặc dù ông biết nếu được sản xuất theo dây chuyền máy móc hiện đại thì giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn nhiều và sẽ có nhiều người nông dân được sử dụng đến nó. 15 tỷ  đến 20 tỷ đồng để có một nhà máy sản xuất béc tưới hiện đại là một con số khá lớn và đây là điều ngoài tầm tay đối với một nông dân như bác Đặng Tám!

Tuấn Thiện
.
.
.