Người nông dân làm khoa học

Thứ Năm, 25/09/2008, 12:28
Công trình khoa học "Nghiên cứu phân hữu cơ tổng hợp", biến rác thành phân hữu cơ vi sinh của anh Nguyễn Phi Sinh, 49 tuổi, xã Dương Liễu, huyện Hòa Đức, Hà Nội được các chuyên gia môi trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Họ đã về nhà anh lấy mẫu thử nghiệm và công nhận đây là giải pháp hay cho bà con trong tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Với công trình khoa học này, nếu được nhân rộng ra, bà con nông dân nào cũng làm được và thực trạng ô nhiễm sẽ được giải quyết…

Nguồn gốc của đề tài khoa học xử lý rác

Trong khi tình trạng làng nghề miến dong Dương Liễu đang bị ô nhiễm trầm trọng, chưa có giải pháp giải quyết thì ngày 26/6/2005, tại vòng thi chung kết "Sáng tạo Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường và Biển tổ chức lần thứ 3, anh Sinh đã thuyết trình về công trình khoa học, đề án "Nghiên cứu phân hữu cơ tổng hợp" từ rác làm cho các chuyên gia thế giới và trong nước trầm trồ khen ngợi về tính thực tế.

Và đề tài của anh đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo và vượt qua 600 đề án khác để giành giải nhất. Sau đó, các nhà khoa học áp dụng ngay tại nhà anh Sinh, cho kết quả tốt. Kết quả ứng dụng đề tài này tốt tại Dương Liễu làm cho ai cũng nghĩ có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm phế phẩm từ việc sản xuất miến dong.

Sau khi được nhận giải nhất, bà con xã Dương Liễu quý mến đặt tên cho anh Sinh biệt danh là "nhà khoa học chân đất", năm 1979, anh xuất ngũ, về làng với 2 bàn tay trắng, hơn nữa trình độ của anh chỉ học hết lớp 7. Thế nhưng công trình phân đạm, hữu cơ vi sinh cho cây lúa, bí đỏ, rau cải… của anh được nông dân trong nước và cả thế giới biết đến.

Sản phẩm "Hữu cơ trường sinh S.C 999" mác "con trâu + con dơi" được bà con tin dùng. Lúc đó, anh Sinh rơi nước mắt sung sướng vì việc làm có ý nghĩa ngay trên quê hương của mình. Đó là tận thu rác thải gây ô nhiễm lại để sản xuất ra phân bón hoa mầu.

Khóc… với bùn

Bây giờ, ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, anh Sinh kể: Ngày xưa, khi đã trải qua nhiều nghề, anh hiền như đất không phù hợp với công việc buôn thúng bán mẹt. Bà con thì phất lên trông thấy nhờ làm đậu phụ và miến dong, thì cũng là lúc mùi hôi thối bốc lên, mọi thứ rác rưởi chồng ngợp mặt người, xã Dương Liễu ô nhiễm nặng.

Câu chuyện về vệ sinh, ô nhiễm môi trường được anh Sinh nhắc nhiều đến nỗi bà con đâm ghét anh... Một lần anh xem tivi thấy người ta nhắc tới công nghệ chế biến rác thải thành phân hữu cơ bón đồng ruộng và lại làm sạch môi trường. Xem xong, anh rất vui, chạy về báo với vợ:

- Đây rồi, cơm áo là đây, việc làm, làm sạch môi trường cũng là đây!

Anh Sinh đem viên gạch đập chậu bùn khô mà anh đã vớt lên từ lòng hồ bị ô nhiễm, bọ lúc nhúc, hôi tanh. Anh nói như quả quyết:

- Ngày mai cả nhà đi bốc bùn lên về cho tôi bón ruộng.

- Thôi, xin ông…

Tối đến, bên mâm cơm đạm bạc, chẳng hiểu thủ thỉ thế nào mà sáng ra cả 6 người lớn nhỏ đã có mặt ở ao tù hôi thối móc bùn lên. Thấy thế, cả làng đổ xô ra xem sự thể. Đến vụ mùa, người ta thấy anh chở những thứ từ phế thải ấy ra bón cho ruộng, hoa màu… Vụ đó, nhà anh thắng lợi, bà con đã thay đổi cách nhìn, đến xin mua chịu thứ phân chế biến từ bùn về bón cho ruộng của mình và họ tung hô anh là "nhà khoa học bùn".

Năm 1996, anh mở xưởng sản xuất phân từ bùn. Anh lăn lội khắp nơi tìm hiểu kinh nghiệm, đọc và nghiên cứu các tài liệu có liên quan, vay vốn và đặt máy xay xát bùn tự chế.

Rồi một tối, anh mở tủ cầm bản sơ đồ đất của nhà mình ra mân mê. Chị Châm thấy vậy, liền hỏi: "Anh lấy nó ra làm gì?". Anh nhìn vợ cầu cứu: "Mình à! Ta đem đặt sổ đỏ lấy vốn mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, chỉ cần có chất lượng, có người mua phân là mình sống, lấy lại được thôi". Thế là thuận vợ, thuận chồng, họ đem sổ đỏ cầm cho ngân hàng vay được 60 triệu phục vụ cho sản xuất.

Năm 2001, đến hạn trả nợ ngân hàng tiền vốn tiền lãi, quanh quẩn chưa thu được đồng nào... Cũng may anh được bà con, họ hàng giúp đỡ mỗi người một tý, rồi ngân hàng tạo điều kiện cho mượn ngôi nhà đã thanh lý làm nơi sản xuất, cũng là lúc khách hàng từ Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… lên đặt hàng ngày một đông, số vốn anh thu về ngày càng nhiều.

Cuối năm 2003, anh đã thu đủ vốn trả cho ngân hàng, lấy lại nhà cửa cơ ngơi sản xuất và thành công cho đến ngày dự án phân đạm, hữu cơ - vi sinh đem lại cho gia đình cả trăm triệu đồng và ổn định.

Cái khó "bó"… cái khôn

Sau khi đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Việt Nam, cái làng quê ô nhiễm tới mức chì, sắt, chất mêtan, nồng độ chì, CO… đốt cháy xòe xòe đang được xử lý tốt thì anh Sinh thiếu vốn, thiếu mặt bằng không thể mở rộng sản xuất. Anh đã làm hàng chục tờ đơn trình lên UBND xã Dương Liễu mượn đất giữa đồng để phục vụ cho sản xuất nhưng chưa được.

Nhưng với điều kiện hạn chế bây giờ, công việc sản xuất của anh cứ phập phồng. Có lúc thuê đến 15 nhân công mà hàng sản xuất không kịp để bán ra, có lúc thì hàng tồn kho số lượng lớn không có đất mà sản xuất. Thế là dừng sản xuất trong sự tiếc rẻ. Có đoàn nghiên cứu ở Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc về nghiên cứu, tìm hiểu, chứng kiến các công đoạn bốc bùn, nghiền, đóng bao. Họ mừng quá bảo đùa cần bao nhiêu đất lên đó họ cũng cung cấp cho.

- Anh thử kêu gọi bà con, các công ty… họ làm "cổ đông" góp vốn lại xem có hơn không - Tôi hỏi lại anh.

- Điều đó thì được. Nhưng vấn đề là xã, huyện còn nghi ngờ tính khả thi nên không cho mượn mặt bằng, cũng đành chịu?.

Thiết nghĩ, con người đầu tư cho công trình khoa học rất sát sườn với xã Dương Liễu và cũng có thể áp dụng cho bất cứ làng nghề nào trên nước ta. Điều này cũng được các nhà khoa học công nhận, cấp bằng sáng chế, cũng đã đi vào thực tế chứ không phải là còn đang nằm trên giấy như các công trình nghiên cứu khác?

Thành Văn
.
.
.