Người mẹ liệt sĩ 36 năm không nhận được tiền hỗ trợ

Thứ Ba, 23/08/2011, 09:42

Bà Nguyễn Thị Ngọc (94 tuổi, trú tại thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam), mẹ ruột của 2 liệt sĩ Hồ Minh Tạo (hy sinh năm 1966) và Hồ Minh Châu (hy sinh năm 1969), đến nay đã 36 năm nhưng bà Ngọc chưa hề nhận được tiền trợ cấp theo Nghị định 59 của Chính phủ vì do chính con gái ruột của bà đi kiện lại bà.

Nỗi niềm người mẹ

Theo đơn phản ánh, ngày 20/8, chúng tôi có mặt tại nhà con ruột đời sau của bà Ngọc là Nguyễn Thị Ánh (56 tuổi, thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, hiện bà Ngọc đã ở với chị Ánh gần 20 năm nay).

Cầm tấm bằng liệt sĩ hai con trên tay, nước mắt bà Ngọc rưng rưng khi tâm sự với chúng tôi: "Tôi sinh được 4 người con, 2 nam, 2 nữ, cuối năm 1951 thì chồng tôi là ông Hồ Ngọc chết. Sau khi chồng mất, tôi một mình nuôi con đến năm 1959 con gái đầu là Hồ Thị Ngọc có chồng, sau đó Hồ Thị Ngọc cùng chồng với hai đứa em nó là Châu và Tạo dẫn nhau vào tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) để lập nghiệp và đi chiến đấu, tôi ở lại quê nhà".

Giấy chuyển của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam giao cho huyện Núi Thành xem xét làm trợ cấp cho và Nguyễn Thị Ngọc- mẹ của 2 liệt sĩ Châu và Tạo.

Sau khi con đi lập nghiệp, bà Ngọc ở nhà đi tiếp bước nữa với ông Nguyễn Tơ (người xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) và sinh được 2 người con gái. Đến năm 1969, bà Ngọc nhận thông tin hai con trai bà đã hy sinh tại chiến trường Phước Long, tỉnh Bình Phước, còn con gái út là Hồ Xí (cũng hy sinh khi đi du kích), hiện giờ bà còn đứa con gái đầu là Hồ Thị Ngọc (đang sinh sống tại Bình Phước).

Sau ngày giải phóng 1975, ông Hồ Vinh (là chú ruột của hai con bà, trú thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến) có báo với chính quyền địa phương là cha mẹ ruột của hai liệt sĩ Hồ Minh Châu và Hồ Minh Tạo đã chết, không còn thân nhân, sau đó ông Vinh nhận làm cha nuôi của hai liệt sĩ, từ đó ông Vinh làm thủ tục và hưởng chế độ cho đến ngày mất.

Sau khi ông Vinh qua đời thì đến con ông Vinh là Hồ Văn Lưu tiếp tục thờ phụng hai liệt sĩ và hưởng chế độ theo quy định cho đến bây giờ và ông Lưu không giao hai bằng liệt sĩ cho mẹ của hai liệt sĩ thờ phụng.

Quá bức xúc, từ năm 2006 đến nay, bà Ngọc đã nhiều lần có đơn gửi chính quyền xã Tam Tiến, huyện Núi Thành yêu cầu giải quyết chế độ cho bà. Sau khi xem xét đơn của bà Ngọc, UBND xã Tam Tiến đã xác minh thông tin chính xác là bà Nguyễn Thị Ngọc là mẹ ruột của hai liệt sĩ Châu và Tạo.

Sau đó, UBND xã Tam Tiến gửi xác nhận về huyện Núi Thành và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc đang trao đổi với phóng viên về việc 36 năm nay bà chưa hề nhận chế độ trợ cấp.

Tiếp đến ngày 4/8/2006, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam có Giấy giới thiệu di chuyển số 13/LĐTBXH-TBLS giới thiệu bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1915) là thân nhân của hai liệt sĩ Tạo và Châu là đúng với thực tế, giấy giới thiệu di chuyển còn yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Núi Thành kiểm tra và làm thủ tục giải quyết trợ cấp 1 lần theo Nghị định 59/CP của Chính phủ ở 2 liệt sĩ trên.

Con ruột đi kiện mẹ ruột

Qua trao đổi vấn đề trên với ông Nguyễn Ngọc Bổn, Bí thư xã Tam Tiến, chúng tôi được biết: Chuyện bà Ngọc - mẹ của hai liệt sĩ chưa nhận được chế độ là có thật.

Vì gần đến ngày bà Ngọc nhận trợ cấp theo quy định, thì bà Hồ Thị Ngọc - chị ruột của hai liệt sĩ, cũng là con của bà Nguyễn Thị Ngọc đang sống ở Bình Phước, không biết nhận thông tin từ đâu đã có đơn gửi UBND xã Tam Tiến yêu cầu không cho bà Nguyễn Thị Ngọc hưởng trợ cấp đối với hai liệt sĩ là em của bà.

Nguyên nhân bà Hồ Thị Ngọc "đi kiện" lại mẹ ruột của mình là: Bà Ngọc (mẹ) không có quyền làm mẹ, vì cho rằng sinh các con ra không nuôi nấng. Sau khi cha mất, bà Ngọc đã bỏ các con bơ vơ, không chăm sóc. Không những thế mà còn đi thêm bước nữa.

Sự việc kéo dài đến bây giờ làm cho bà Nguyễn Thị Ngọc - mẹ của 2 liệt sĩ chưa nhận được trợ cấp theo quy định, đều là do người con gái kiện lại mẹ ruột của mình. Hiện chúng tôi sẽ có đơn gửi cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Núi Thành trong thời gian tới có hướng giải quyết - ông Bổn nói

An Khang
.
.
.