Người mẹ giàu lòng nhân ái

Thứ Sáu, 22/04/2011, 09:50
Con đường vào làng Brọch, xã An Trung, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai bây giờ đã trải nhựa phẳng lì. Theo chân cán bộ Công an huyện Kon Chro đưa tôi về thăm nhà mẹ Gơi vào một ngày cuối tháng 4 lịch sử. Sau 36 năm đất nước được hoàn toàn thống nhất, đời sống của bà con làng Brọch đã đổi thay nhiều lắm. Mẹ Gơi nắm thật chắc tay chúng tôi vui mừng như đón những đứa con xa ngày trở về thăm mẹ…

Một đời lặng thầm tham gia cách mạng

Đến bây giờ, mẹ Gơi không biết tuổi mình chính xác là bao nhiêu vì cha mẹ mất sớm, nhưng chỉ nghe người thân kể lại mẹ sinh vào khoảng năm 1940, ở làng Brọch, xã An Trung, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai. Năm lên 14 tuổi, giặc tràn đến làng quê Kon Chro đốt phá nhà cửa, ức hiếp bà con Bah Nar trong vùng một cách dã man nên lúc bấy giờ cô bé Đinh Thị Gơi đã xin đi theo cách mạng.

Từ cô bé làm liên lạc, Đinh Thị Gơi nhanh chóng trưởng thành và tham gia du kích tại địa phương. Ngày 15/3/1962, cô du kích nhỏ Đinh Thị Gơi chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mẹ Đinh Thị Gơi.

Chiến tranh liên miên, cha mẹ sớm qua đời, một mình Đinh Thị Gơi phải vừa làm cách mạng, vừa gánh gồng lo cho ba người em bé nhỏ. Nhiều đồng đội của mẹ Gơi đã hy sinh anh dũng trong những trận chống càn của địch mà đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác. “Cuộc đời mẹ Gơi may mắn còn sống sót đến bây giờ là mừng rồi các con ạ!” - mẹ Gơi tâm sự.

Chiến tranh đã cướp đi bao ước mơ, niềm hạnh phúc chính đáng của đời người. Mẹ Gơi kể rằng, hồi còn trẻ, tình yêu lứa đôi của mẹ cũng được thắp lên trong đôi mắt của bao chàng trai trong chiến trận nhưng rồi thời gian cứ lặng lẽ ra đi mà không ai dám nhớ đến, nghĩ đến hạnh phúc riêng tư.

Bây giờ đã ngoài tuổi thất thập cổ lai hy, mẹ vẫn sống một đời đơn bóng không chồng. Nhìn quanh nhà mẹ, những tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba và hàng chục bằng khen, giấy khen các loại được treo trang trọng trong ngôi nhà sàn chứa đựng nhiều kỷ niệm một thời chiến tranh, lửa đạn...

Và mới đây, mẹ Gơi vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2010 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng.

Chan chứa tình yêu thương con người

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mẹ Gơi về tham gia chính quyền ở địa phương bằng cả trái tim tâm huyết giúp cho bà con dân làng thoát khỏi đói nghèo. Mẹ Gơi luôn tâm niệm rằng, phải giúp cho dân làng mình xóa được giặc đói, giặc dốt mới thật sự yên bình được. Mẹ Gơi được Đảng phân công giữ nhiều cương vị công tác khác nhau như Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Chro, Bí thư xã An Trung…

Dù làm việc gì ở đâu, mẹ Gơi cũng giữ trọn một lòng tâm huyết là làm sao giúp cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo, lớp trẻ được đi học đầy đủ… Có thể nói, đối với dân làng huyện Kon Chro nói chung và xã An Trung nói riêng, mẹ Gơi là một trong những người Bah Nar đầu tiên biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp, giúp cho rất nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số ở địa phương thoát nghèo.

Cụ thể, mẹ Gơi vận động dân làng trồng lúa nước, trồng mía để thoát nghèo. Lúc đầu, dân làng không dám làm nên mẹ Gơi tình nguyện làm trước. Thấy cây mía nhà mẹ Gơi trồng được mùa, bán cho công ty khấm khá tiền nên phong trào trồng mía ở làng lan rộng ra xã, huyện Kon Chro.

Năm 1994, mẹ Gơi về nghỉ hưu nhưng việc làng, việc xã, bà con dân làng đều tin tưởng mời mẹ Gơi đến tham gia. Đặc biệt là mẹ Gơi sẵn sàng đứng ra nhận nuôi nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh neo đơn, mồ côi, cơ nhỡ. Mẹ Gơi kể về câu chuyện của hai đứa trẻ người Bah Nar mồ côi tên Hiệp và Hà khi đến đây năm 1996 khoảng chừng 3 và 6 tuổi.

Hôm ấy trời mưa ướt sũng, hai đứa trẻ cõng nhau đến đây đứng dưới gầm nhà sàn khóc. Mẹ Gơi hỏi gì chúng cũng lắc đầu. Bảo vào nhà cho ăn cơm, uống nước, chúng cũng không chịu. Im lặng một lúc rồi người anh mới thổ lộ: “Chúng con muốn được mẹ Gơi nuôi”.

Hoàn cảnh của 2 đứa trẻ thật tội nghiệp, cha mẹ đều đã chết, chúng được một người bác ruột nhận về nuôi nhưng kinh tế gia đình không đủ lo hàng ngày nên chúng đã cõng nhau đi lang thang. Khi đến nhà mẹ Gơi trời mưa to nên vào trú và ở đây với mẹ đến giờ. Hiện cháu Hiệp được mẹ Gơi cho đi học may, còn Hà đã có vợ con làm ăn ổn định. Mẹ Gơi đếm tên từng đứa con nuôi thật tội nghiệp như Gươr, Gơr, Dong, Dre… và cả 15 cháu từ cuộc sống cơ nhỡ không nơi nương tựa được mẹ Gơi nuôi dưỡng đến giờ đã khôn lớn, có cuộc sống gia đình ổn định.

Một đời mẹ tham gia cách mạng, lo cho dân làng, mẹ không giàu có tiền của nhưng tình mẹ với dân làng, với những đứa trẻ nghèo khó thì bất tận đến ngàn đời

Ngọc Như
.
.
.