Người mẹ của những mảnh đời bất hạnh

Thứ Sáu, 15/10/2010, 14:28
Đất nước ta có biết bao mảnh đời bất hạnh và cũng có nhiều tấm lòng nhân ái. Nhưng giàu lòng nhân ái như bà Nguyễn Thị Vui - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sơn khảm Ngọ Hạ - xã Chuyên Mỹ - Phú Xuyên - Hà Nội thì không nhiều. Qua nhiều năm tháng công tác, bà cảm thương cho những em bé khuyết tật, nhiễm chất độc da cam, thế là nghĩ luôn cách giúp chúng, cưu mang và dạy nghề cho các em.

Quyết tâm

Bà Nguyễn Thị Vui là người con của thôn Ngọ Hạ, nơi có nghề khảm trai truyền thống nên bà cũng hiểu nghề. Nhiều năm bà làm công tác ở địa phương với nhiều cương vị khác nhau, năm 1980 bà về HTX Ngọ Hạ.

Bà cũng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và hiểu được rằng, ở các vùng quê nhiều em nhỏ tàn tật, ảnh hưởng của chất độc da cam chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhiều em thì phải đi ra phố lang thang với nghề đánh giày, nhiều em là gánh nặng cho gia đình và phải sống một cuộc sống vô nghĩa, trong khi có em vẫn còn làm được việc.

Nếu được học nghề thì nhiều em có khả năng nuôi sống được bản thân, sống tự lập, bớt cho gia đình gánh nặng. Với ý nghĩ đó, bà Vui đã xin phép UBND huyện Phú Xuyên, đề xuất các cấp, các ngành giúp đỡ để được mở lớp dạy nghề cho các em.

Được phép rồi, đến giai đoạn đi "gom" các em lại để tổ chức lớp học. Bà Vui đi khắp nơi tìm kiếm, nghe tin ở đâu có người bị khuyết tật, trẻ lang thang, gia đình không có điều kiện nuôi, bà lập tức tìm đến xin cho các em về. Ban đầu, không ít người đã nghĩ đến chuyện bi quan, rằng việc sẽ không thành. Nhưng người mẹ nhân hậu Nguyễn Thị Vui đã tỏ rõ quyết tâm và khẳng định mình sẽ làm được việc.

Với không ít khó khăn, năm 1996, mong muốn của bà đã thành hiện thực. Lớp học của trẻ em tàn tật, nhiễm chất độc da cam đã ra đời, có thời điểm lên đến 200 em. Dưới sự lãnh đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Hà Tây cũ), với sự hỗ trợ của một số tổ chức, trong đó có Tổ chức Tầm nhìn thế giới, nhiều trẻ khuyết tật đã được đưa về nuôi ăn, dạy nghề.

Bà Vui kể: "Thời gian đầu mới thành lập, động viên các em đến học đã khó, tìm nguồn kinh phí tài trợ để các em học nghề mà không phải đóng góp chi phí lại càng khó khăn hơn. Ngày đó, có những gia đình thậm chí đến cái chăn cái chiếu còn không có mà nằm, nhìn gia cảnh đó mà rơi nước mắt. Nhiều phụ huynh cũng không biết là giao con vào tay chúng tôi có đảm bảo an toàn không. Thế rồi thấy chúng tôi nhiệt tình, họ đã đồng ý trao con cho chúng tôi dạy nghề".

"Các con làm tốt là mẹ vui rồi"

Đến nay, HTX đã và đang truyền nghề cho gần 2.000 lao động là các em có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật. Thầy giáo thương binh Nguyễn Đình Tươi, người đã gắn bó với lớp học của trẻ em khuyết tật nhiều năm tâm sự rằng, việc nuôi nấng, dạy nghề cho người khuyết tật, câm điếc, nhiễm chất độc da cam và thiểu năng trí tuệ không hề đơn giản. Bởi đầu óc các em không bình thường, nhiều em nghịch ngợm, cãi cọ nhau, bảo ban mãi mới được. Có em thần kinh không ổn định, đêm trèo tường ra ngoài đi lang thang. Chỉ giám sát chúng thôi cũng đã quá mệt rồi.

Bà Vui lúc này đóng vai trò như người mẹ hiền, bảo ban chỉ dạy để các em thay đổi tâm tính. 3 tháng đầu nhập lớp là 3 tháng vất vả nhất đối với bà và những thầy cô cộng sự. Bà phải như một cô giáo mầm non, nhẹ nhàng uốn nắn cho các em từng ly, từng tí từ cách xưng hô, chào hỏi đến nói chuyện lễ phép. Dần dần các em rất yêu quý và nghe lời bà. Bà bảo: "Không thể giả dối với các em được, mỗi đứa tuy vậy nhưng thật như đếm. Mình phải đóng vai trò là cha, là mẹ thì mới dạy dỗ được".

Bà Vui và các học trò.

Khi được hỏi, với nhiều khó khăn và áp lực xảy đến bà có nản? Bà Vui nói, đã xác định mở lớp là phải đối diện với khó khăn. Nếu sợ khó thì đã không làm, đỡ mệt nhọc. Vâng, để coi những đứa trẻ tàn tật, khác máu tanh lòng như con đẻ và chăm sóc, và dạy nghề cho chúng, đâu phải ai cũng làm được. Thế mà, dưới sự dẫn dắt, chăm sóc của bà, nhiều em đã học được nghề và sống tốt với nghề. Ví như em Nguyễn Văn Phánh (thôn Cổ Trai, xã Bạch Hạ, Phú Xuyên), nhà nghèo, bố mẹ mắc bệnh nặng, bản thân Phánh tàn tật, giờ Phánh đã ổn định ở miền Nam và giúp đỡ bố mẹ nhiều. Vợ chồng em Vũ Thị Hương ở Guột đã vững nghề, lấy nhau, sinh con đẻ cái và sống tốt.

Em Trần Thị Phượng, ở huyện Ba Vì, Hà Nội, đã học nghề ở HTX tâm sự: "Bố em mất cách đây hai năm vì tai nạn giao thông. Em về đây học nghề để sau này có thể tự đi làm. Ở đây, các thầy, cô đặc biệt là bà Vui dạy nghề và giúp đỡ em rất nhiều nên em có thể thực hiện được ước mơ". Và rất nhiều em đã trưởng thành, được các công ty nhận về làm mà bà không nhớ hết tên. Em nào không đi được thì được bà cho làm tại HTX với mức lương thấp nhất 500.000 đồng/tháng cộng với nuôi ăn ở.

Để đảm bảo cho các em sống khỏe, không dịch bệnh, bà Vui đã cho xây dựng các bể nước mưa lớn, xây dựng công trình phụ sạch sẽ, nhà ở khang trang để phục vụ tốt cho sinh hoạt của các em. Ngoài ra, bà thuê cả bác sỹ để thường xuyên theo dõi sức khỏe cho từng em. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng 2 tiếng, chiều 2 tiếng đồng hồ, bác sỹ lại đến khám sức khỏe.

Từ ngày đón các em về, chưa có bất kỳ trường hợp nào mắc bệnh dịch. Theo ý bà, các em khỏe thì mới học tập tốt và lao động tốt và chỉ cần các em làm được việc, có khả năng hòa nhập cộng đồng là bà vui.

Còn sức còn làm

Bà Vui năm nay đã ở tuổi 68 nhưng nhiệt huyết với công việc còn căng, còn hăng hái và tình thương cho trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam không hề giảm. Nhiều người vẫn nể bà, khoảng những năm 80, nhiều HTX bị giải thể, nhưng HTX Ngọ Hạ vẫn được giữ lại. Vốn liếng, tài sản lúc đó được Đảng ủy tín nhiệm giao cho bà là: 1 căn nhà cấp 4, 7kg sơn, 35kg vỏ trai, và khó khăn hơn là làm sao trả được món nợ lớn. Thế rồi, bà đã quyết "ôm rơm" và vực HTX đứng dậy, để có cơ sở vật chất khang trang như ngày hôm nay.

Ký ức về ngày đó mà nhiều người còn nhớ là hình ảnh một người đàn bà lặn lội đạp xe gần 50km từ nhà ra Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tây tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Có thị trường, bà lại chạy khắp xã, mời những người có kinh nghiệm giúp đỡ, tìm ra những sản phẩm độc đáo mà các bậc tiền bối để lại, đưa vào sản xuất, tạo thế mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Đến đầu năm 1990, sản phẩm của HTX đã xuất khẩu đi hơn 20 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga... Năm 1999, HTX lại rơi vào bế tắc do khủng hoảng về giá sản phẩm. Nhưng người đàn bà đầy quyết tâm lại một lần nữa chèo lái con thuyền HTX sơn khảm Ngọ Hạ vượt qua bão gió. Máy móc hiện đại lại được đầu tư, nhiều công nhân vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.

Những năm tới, bà sẽ vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho công nhân, xã viên. Phương châm: còn sức còn làm, làm không sợ hỏng, hỏng không nản được bà áp dụng và đó là động lực để bà Vui vững tay lái, đưa HTX Ngọ Hạ phát triển

Diên Khánh
.
.
.