Người mã hóa những bức điện lịch sử

Chủ Nhật, 06/02/2011, 09:08
Năm tháng đã qua đi, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận vẫn nhớ như in ngày bà được giao trọng trách mã hóa bức điện của Bác Hồ gửi cán bộ chiến sĩ Mặt trận Liên khu I trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến "… Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" và chính bà đã dành bao công sức để khôi phục lại nguyên bản lời Bác và lời thề của các chiến sĩ Mặt trận Liên khu I...

Cuối năm 2010, NXB Văn học đã xuất bản cuốn sách "Nguyễn Thị Bích Thuận: Ký ức thời gian". Với cuốn sách này, Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) coi đó là những trang nhật ký cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, góp phần khơi dậy và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có con cháu của bà, cũng như tri ân với những người đã khuất - những người đồng chí, đồng nghiệp, người chồng mà bà hết lòng yêu thương. Đọc cuốn sách đó, người đọc biết được bà từng là thành viên của tổ chức Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, là người cắt mảnh vải trên ngai thờ tổ của gia đình để khâu lá cờ đỏ sao vàng treo trên tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm trong những ngày trước Cách mạng Tháng 8.

Và đặc biệt, bà đã vinh dự là nữ Cận vệ đầu tiên của Bác Hồ. Năm tháng đã qua đi, bà vẫn nhớ như in ngày mà bà được giao trọng trách mã hóa bức điện của Bác Hồ gửi cán bộ chiến sĩ Mặt trận Liên khu I trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến "… Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" và chính bà đã dành bao công sức để khôi phục lại nguyên bản lời Bác và lời thề của các chiến sĩ Mặt trận Liên khu I (tiền thân của Trung đoàn Thủ đô).

Sinh ra và lớn lên ở Lãng Yên, nay là phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng - Hà Nội), trong một gia đình công nhân viên chức nghèo, mẹ mất sớm, cô bé Thuận được nuôi dạy trong sự thương yêu của bà nội và bố. Dù gia đình nghèo, nhưng sau khi học xong 6 năm tại Trường Armand Rousseau (Trường Lò Đúc), nay là Trường Lê Ngọc Hân, bà thi đỗ vào Trường nữ sinh Đồng Khánh. Sống trong khu lao động nghèo, bà hiểu được sự cơ cực mà những người lao động xung quanh mình hằng ngày phải hứng chịu bởi sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân.

Bà đã sớm giác ngộ cách mạng và quyết định chọn cho mình một con đường đi đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang. Sau ngày tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, bà được phân công về Liên khu bộ Việt Minh, Liên khu II Hà Nội, làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc Liên khu II và tham gia cấp ủy Liên khu ủy II, rồi về công tác tại Văn phòng Xứ ủy Bắc Kỳ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quốc Hoàn…

Mùa xuân này, ở vào độ tuổi gần 90, bà vẫn không thể quên những chuyện xảy ra cách đây hơn 1/2 thế kỷ. Tháng 11/946, bà được đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Thành ủy Hà Nội điều động về cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ nhận nhiệm vụ mới. Lúc này, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Thường vụ Xứ ủy phân công bà làm nhiệm vụ "mã" và "dịch" các bức điện mật của Trung ương. Cơ quan đặt tại một ngôi nhà dân gần pháo đài Láng, sau chuyển vào Tây Mỗ - Từ Liêm.

Bà kể: "Đầu tháng 1/947, trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi, đồng chí Trần Quốc Hoàn giao tận tay tôi bức điện để mã hóa, đánh qua điện đài mật của Trung ương vào Mặt trận Liên khu I Hà Nội cho đồng chí Lê Trung Toản. Tôi liên hệ tới lời kêu gọi thiêng liêng của Bác: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Tôi hiểu nỗi đau lòng của vị Cha già khi ra quyết định liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc, tới tính mạng của những chiến sĩ mà Bác vô cùng thương yêu. Tôi trấn tĩnh, cố giữ nước mắt khỏi trào ra làm hoen giấy và đề phòng khi xúc động có thể mã nhầm, nên tôi đã cẩn thận kiểm tra lại. Tôi không thể quên được lời Bác trong bức điện: "... Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Điện mã xong tôi đưa tận tay anh Trần Quốc Hoàn cả bản điện gốc và bản điện dịch. Theo nguyên tắc bí mật, tôi không được lưu giữ bức điện cũng như bất cứ công văn giấy tờ khác". Vài ngày sau, đồng chí Trần Quốc Hoàn lại giao cho bà dịch mã bức điện của đồng chí Lê Trung Toản thay mặt cán bộ, chiến sĩ Liên khu I hứa với Bác với lòng quyết tâm vô hạn: "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"…

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận (người đứng giữa) tại lễ khánh thành tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Được nghỉ hưu theo chế độ quy định của Đảng và ngành, mặc dù sức khỏe đã giảm sút, bà vẫn nhiệt tình tham gia các công việc ở khu phố. Thời gian và sức khỏe cho phép, bà cùng các con đã ra Côn Đảo, nơi chồng bà là đồng chí Lê Văn Lương, một cán bộ tiền bối của Đảng ta và là người đã trải qua 15 năm bị giam cầm trong địa ngục trần gian ở nhà tù Côn Đảo; đã đi hết chiều dài đường Lê Văn Lương vừa hoàn thành. Trở lại câu chuyện về bức điện lịch sử, bà cho biết: "Bức điện lịch sử này, ngoài người viết và người ký điện thì chỉ có anh Trần Quốc Hoàn và tôi biết rõ". Không hiểu vì lí do gì, trong nhiều năm sau đó, lời thề "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" lại có một dị bản "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Không ít tờ báo khi viết về toàn quốc kháng chiến đều lặp lại dị bản này. Ngay trên tượng đài kỉ niệm toàn quốc kháng chiến đặt bên cạnh đền Bà Kiệu ở khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đắp nổi dòng chữ: Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh"… Với tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử, bà Thuận đã dành nhiều thời gian, công sức gặp các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, trả lại nguyên bản lời Bác - cũng là lời thề của các chiến sĩ Mặt trận Liên khu I.

Bà Thuận kể tiếp: "Tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại nhưng trách nhiệm của một nhân chứng được tham gia trực tiếp vào thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc, không cho phép tôi im lặng. Nếu không, tôi sẽ có tội với Bác, với anh Hoàn, với các chiến sĩ đã "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"... Với ý thức ấy, bắt đầu từ ngày 28/8/1995 bà đã làm báo cáo gửi tới đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư lúc đó, đồng thời gửi đồng chí Đào Duy Tùng - Thường trực Ban Bí thư. Bà nhận được thư trả lời số 1924/TT-TD ngày 31/8/1995 cho biết các đồng chí lãnh đạo hoan nghênh và cảm ơn nhiệt tình đóng góp ý kiến của bà và đã giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu.

Sau đó, đến ngày 28/3/1997, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm nhằm làm rõ cụm từ "cảm tử" hay "quyết tử" trong điện mật của Hồ Chủ tịch gửi Mặt trận Liên khu I. Đến giữa năm 2003, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm về ý tưởng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của tượng đài xây dựng chuẩn bị kỉ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/2004). Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, xác minh, Thành ủy Hà Nội và Bộ Văn hóa - Thông tin đã xác định: Lời Hồ Chủ tịch viết trong bức điện mật gửi cán bộ, chiến sĩ Liên khu I chiến đấu bảo vệ Hà Nội đầu năm 1947 là "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"…

Đúng ngày 22/12/2004, tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã được khánh thành tại vườn hoa Vạn Xuân. Lời kêu gọi của Bác thật sự đã đi vào lịch sử bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm, mãi mãi vang vọng ngàn thu. Câu chuyện sau hơn 10 năm bà Nguyễn Thị Bích Thuận dành bao công sức để trả lại đúng sự thực lịch sử lời Bác - lời thề của các chiến sĩ Mặt trận Liên khu I, đã thu được kết quả có hậu. Bà Thuận cảm thấy mình đã hoàn thành một nhiệm vụ, giúp bà thanh thản và tự hào. Những năm tháng đã qua, bà đều ghi chép lại rất cẩn thận và tỉ mỉ. Điều đó đã giúp bà lưu giữ được nhiều tư liệu quý giá, có ý nghĩa lịch sử cho đời sau với tư cách bà là một nhân chứng

Hồng Hạnh - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.