Người “lên dây chiêng” ở buôn Kô Siêr

Thứ Sáu, 12/01/2007, 14:24

Đánh chiêng thì nhiều người biết, nhưng khi những chiếc chiêng bị vênh “giọng”, lạc điệu thì cần phải có một bàn tay thiện nghệ để chỉnh lại âm cho nó. Ở buôn Kô Siêr, nơi có đội chiêng Ê Đê lừng danh thiên hạ, có một nghệ nhân hơn 30 năm nay nhận lấy công việc "lên dây chiêng" cho buôn làng mình, đó là Y Lon Niê.

Chúng tôi về lại buôn Kô Siêr (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột) khi phố núi đã bắt đầu vào xuân. Đội chiêng buôn Kô Siêr cũng vừa kết thúc chuyến lưu diễn trọn một tuần bên Italia, trở về chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân tại buôn làng. Đã qua tròn sáu mươi mùa rẫy nhưng trông nghệ nhân Y Lon vẫn hết sức rắn rỏi. Trong căn nhà sàn đơn sơ, ông vừa nhanh nhẹn pha trà mời khách vừa kể chuyện về các loại cồng chiêng.

Người Tây Nguyên coi cồng chiêng là phương tiện để con người có thể trò chuyện với các đấng thần linh. Song chiêng của mỗi dân tộc lại có một âm điệu riêng: tiếng chiêng Ba Na, Gia Rai thánh thót, tiếng chiêng M'Nông trầm ấm, tiếng chiêng Ê Đê khỏe, trầm hùng… Người Tây Nguyên bản địa có thể nghe tiếng chiêng mà đoán biết là chiêng của tộc người nào, đánh trong loại hình lễ hội nào, người đánh vui hay buồn…

Để có được những âm thanh đặc trưng và cái hồn phách riêng biệt ấy, nghệ nhân chỉnh chiêng thực sự có vai trò quan trọng. Mỗi khi trong dàn chiêng có một chiếc lạc điệu, ngay lập tức nghệ nhân phải "nắn" lại vành chiêng, kiểm tra độ dày mỏng từng vị trí trên thân chiêng để điều chỉnh.

Nghệ nhân Y Lon cầm một chiếc chiêng treo trên vách ra đánh thử cho khách nghe. Ông cho biết: Mỗi chiếc có một chỗ đứng nhất định trong dàn chiêng, không được sai vị trí. Khi một giọng chiêng bị phô thì âm hưởng của cả dàn sẽ bị vênh. Để chỉnh được chiêng, trước hết phải có đôi tai biết nghe để phát hiện ra lỗi nằm ở vị trí nào.

Điều khó khăn là không hề có sẵn một chuẩn mực hay thước đo nào cho những âm thanh mà nghệ nhân đang chỉnh. Hoàn toàn theo cảm tính, song kết quả lại phải phù hợp với nhận thức thẩm âm của cộng đồng thưởng thức. Vì vậy, người "lên dây chiêng" có tay nghề như Y Lon này, cả Tây Nguyên cũng đếm chưa hết trên đầu ngón tay.

Nghệ nhân Y Lon tiết lộ: Ở Buôn Ma Thuột, ngoài đội chiêng buôn Kô Siêr thì còn nhiều đội chiêng của các buôn làng khác. Và dù là tay chỉnh chiêng có nghề nhưng ông cũng chỉ dám tác nghiệp trong buôn làng mình thôi. Theo ông, khó chỉnh nhất là những chiếc chiêng cổ, vì chúng giòn, dễ vỡ, không khéo là hỏng liền. Ông bảo: Nếu đi làm cho buôn làng khác mà không may làm hỏng chiêng thì mang tiếng lắm! Nói thế để thấy rằng công việc này đòi hỏi công phu tới mức nào.

Ông Y Sa Alêô, Trưởng đoàn Ca múa Đắk Lắk, cũng là một người con của buôn Kô Siêr, cho biết thêm: Người chơi chiêng hay chưa chắc đã chỉnh chiêng được, nhưng một người chỉnh chiêng giỏi chắc chắn phải đánh chiêng hay! Bởi, để chỉnh chiêng, ngoài đôi tai tinh tường, còn cần phải có một tâm hồn thính nhạy, tinh tế.

Giá trị văn hóa của cồng chiêng Tây Nguyên đã được cả thế giới công nhận. Và những nghệ nhân của buôn làng vẫn lặng thầm gìn giữ tiếng nói của ông cha cho hôm nay, cho cả mai sau

Tuấn Thiện
.
.
.