Người làm quản trang lâu nhất ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Chủ Nhật, 10/07/2005, 07:28

Chị là một trong ba người đầu tiên làm công việc quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn khi Binh đoàn Trường Sơn bàn giao cho tỉnh Bình Trị Thiên quản lý (1/10/1979). Chị là Nguyễn Thị Bé, người đã có gần 26 năm gắn bó với nghĩa trang này.

Sinh  ra và lớn lên ở Triệu Phong, năm 1976, chị Bé đi bộ đội, đơn vị đóng mãi  tận Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 1979, chị xuất ngũ, vác đơn đi khắp nơi xin việc nhưng không nơi nào chịu nhận. Trong lúc đó, các chú ở tỉnh động viên chị lên làm công việc chăm sóc, giữ gìn, hướng dẫn, đưa đón các đoàn tham quan, phục vụ nghi lễ cho các đoàn, gia đình, bảo vệ các hiện vật... ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (còn gọi là nghề quản trang).

Lúc đó nghĩa trang Trường Sơn còn đi lại khó khăn, heo hút, vắng vẻ, cuộc sống bình thường đã khó khăn lên đây càng khó khăn hơn rất nhiều. Trong lúc đó chị là con gái chưa chồng, phải đấu tranh tư tưởng mãi chị mới quyết định nhận lời.

Chị tiếp nhận công việc cũng đúng ngày Binh đoàn Trường Sơn bàn giao nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn cho địa phương quản lý. Hồi đó, ngoài chị còn có thêm hai người nữa nhưng công việc thì ngập đầu. Nghĩa trang Trường Sơn rộng đến 40ha, nơi yên nghỉ của 10.264 liệt sỹ của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Cây cối um tùm, cả ngày chỉ nghe tiếng chim muông kêu rợn cả người. Mới đầu chị bảo sợ lắm, mới lên chân ướt chân ráo đã bị “mấy chú bộ đội đùa”, con gái chưa chồng lên đây coi chừng đêm bị các "chú" về tán, thế là đêm nào cũng như đêm nào, chị chong đèn đến sáng.

Lên cùng đợt với chị cũng có một o người Huế, làm y tá nhưng chịu không nổi đã bỏ về. Còn chị thì xác định đây là công việc mình làm nên gian khổ mấy cũng chịu được. Cộng với những năm tháng đi bộ đội cho chị thêm nghị lực sống, tồn tại ở xứ heo hút và quanh năm làm bạn với các linh hồn của những người đã hy sinh xương máu vì độc lập cho Tổ quốc. Rồi ngày tháng qua đi, chị đã tìm thấy nguồn hạnh phúc ở chính nơi này, khi chị gặp được anh, một cán bộ khí tượng thủy văn (sau này anh cũng theo chị làm công việc quản trang).

Tình yêu của anh chị đã đơm hoa kết trái khi hai cậu con trai ra đời ở khu tập thể của nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nhưng ông bà ngoại đón hai cháu về nuôi, vì đường sá ở đây xa xôi quá, việc học của các cháu không thuận lợi. Cách đây bốn năm, anh chị làm được ngôi nhà nhỏ nằm cách khu nghĩa trang 10km, mới đón các cháu lên được.

Khi tôi đề cập đến kỷ niệm của những người làm công tác quản trang thì không riêng gì chị mà tất cả những người làm công việc này mà tôi gặp đều cho rằng nhiều lắm, không kể nổi. Có người kể rằng mình đã tìm thêm được hài cốt của những liệt sỹ và trả tên lại cho họ... Còn chị thì kỷ niệm cứ bám lấy hàng ngày, tưởng chừng bình thường nhưng hóa ra ăn sâu vào trong tiềm thức và mỗi lần bắt gặp hình ảnh đó, đều mang lại cho chị những cảm xúc khác nhau nhưng quy tụ lại đều là hình ảnh của những người thân đến đây tìm thấy mộ người thân của mình. "Nhìn họ khóc thảm thiết lắm, mình cũng ứa nước mắt nhưng phải động viên người thân hãy yên tâm vì ở đây đã có chúng tôi chăm sóc".

Tuy nhiên, có những thân nhân cũng làm cho công việc quản trang ở đây phải đau đầu. Mấy năm lại đây thì ít chứ ngày trước, việc các gia đình vì muốn đưa hài cốt chồng, con mình về quê đã bốc trộm mộ phần, hầu hết các gia đình tiến hành công việc vào ban đêm nên nhiều mộ phần còn bỏ sót di cốt, có gia đình khi bị chị phát hiện còn lớn tiếng đe dọa nữa. Với chị, công việc này vui, buồn hoà trộn, nhưng tất cả đều đem lại cho chị sự thanh thản trong tâm hồn và chị quyết định sẽ gắn bó với nơi này

Hồng Nhung
.
.
.