Người làm hồi sinh “vùng đất chết”

Thứ Bảy, 01/10/2005, 09:42

Từ sau giải phóng, sân bay Pleiku được xem là “vùng đất của tử thần” bởi nơi đây tập trung rất nhiều bom mìn do chế độ cũ để lại. Trước thực trạng ấy, Anh Phạm Minh Thư, Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn căn cứ sân bay Pleiku (Quân chủng Phòng không - Không quân) hơn 10 năm ròng đã lặng lẽ dò tìm và thu gom gần 18.000 quả bom mìn, trả lại sự bình yên cho 50 ha đất.

Sân bay Pleiku từ thời Mỹ - ngụy có một kho bom rất lớn nhằm cung cấp vũ khí sát thương cho cả chiến trường Tây Nguyên. Năm 1975, khi quân ta tiến công, kho bom đã bị pháo kích trúng gây nổ một lần. Đến năm 1977, do vùng cỏ khô gần kho cháy lan vào đã gây nổ lần hai trầm trọng hơn. Hậu quả của hai vụ cháy nổ ngay sau giải phóng đã phá hủy gần như toàn bộ kho bom đạn này.

Nguy hiểm hơn, do sự kích nổ dây chuyền nên số bom không nổ hết văng ra tứ tung trên diện tích 50 ha ở phía đông - đông bắc sân bay và một số khu vực lân cận. Toàn bộ một khu vực rộng lớn bao quanh sân bay hàng trăm ha đã bị “ô nhiễm” bởi số lượng khổng lồ bom đạn nhiều chủng loại.

Từ một sân bay đang hoạt động bình thường, Pleiku trở thành một điểm đen của các vụ tai nạn bởi những trái bom cam, bom bi, đầu đạn các loại nằm rải rác đây đó, chỉ chờ có người đụng đến là phát nổ.

Năm 1979, đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, Phạm Minh Thư về nhận công tác ở sân bay Pleiku làm Trung đội trưởng phụ trách kho bom – nơi nguy hiểm nhất trong khu vực. Quá trình công tác tại sân bay, anh đã phải chứng kiến nhiều cái chết thương tâm của đồng đội và những người dân. Điều đó đã ám ảnh Thư ghê gớm.

Năm 1988, anh được bổ nhiệm giữ chức Tiểu đoàn trưởng phụ trách sân bay Pleiku. Lần giở tập hồ sơ lưu của đơn vị về các vụ việc liên quan đến bom mìn anh không khỏi trăn trở, con số người chết và bị thương sẽ còn tăng lên đến bao nhiêu nếu như vẫn còn một “vùng đất chết” như thế này?

Số bom mìn thu gom được vẫn nhiều lên hàng ngày.

Trăn trở hơn là "thần chết" cứ ngày ngày rình rập chính đồng chí đồng đội mình. Đã có lần anh phải chứng kiến cái chết thật thương tâm: Một chiến sĩ người Quảng Bình nhanh nhẹn, thông minh là thế, Thư đang có ý lấy lên làm liên lạc cho tiểu đoàn thì đùng một cái chiều hôm đó cậu ta cùng hai đồng đội khác đi làm nhiệm vụ giẫm phải bom... Đau lòng hơn chiến sĩ ấy lại là con trai duy nhất của bà mẹ đã chia tay chồng. Tiếng khóc của người mẹ mất con đã ám ảnh, giày vò anh ghê gớm. Từ đó, mỗi khi có chiến sĩ mới về đơn vị, Thư lại phải giới thiệu cho anh em về các loại bom và yêu cầu mỗi đồng chí làm một bản cam đoan “không tò mò nhặt bom, nghịch bom” để đảm bảo an toàn cho chính họ.

Thực ra thì cấp trên cũng đã hai lần cùng đơn vị tổ chức thu gom, một lần vào năm 1989, một lần vào năm 1991, nhưng đang làm thì xảy ra vụ nổ 800 quả bom cam làm bị thương 7 chiến sĩ, bởi mạng lưới bom đạn ở đây quá dày và phân bố phức tạp nên việc tiến hành quy mô không phải chuyện dễ. Sự cố trên khiến kế hoạch thu gom phải dừng lại. Vậy là hàng trăm hécta đất rộng lớn quanh khu vực sân bay vẫn còn phải mang tên “vùng đất chết”.

Hành trình tìm lại sự sống

Là người đứng đầu đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tại sân bay, sau nhiều đêm trăn trở, lúc đầu Phạm Minh Thư bàn bạc với anh em lên kế hoạch thật tỉ mỉ để tổ chức thu gom số bom mìn rải rác dọc con đường bộ đội thường tuần tra canh gác và khu vực xung quanh đơn vị đóng quân. Ý tưởng này được anh em nhiệt liệt ủng hộ trong đó có Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Đạt, là người tham gia công việc cùng anh nhiều nhất sau này.

Với vốn kiến thức ít ỏi về bom mìn và vật liệu nổ được học trong trường và kinh nghiệm bản thân sau những năm phục vụ bay truy quét FULRO ở chiến trường Tây Nam, Phạm Minh Thư không hề yên tâm. “Chơi” với bom mà không hiểu về bom thì quả là tai hại. Anh hiểu rằng, bắt buộc phải có kiến thức về rà phá bom mìn mới có thể bắt tay vào việc. Vậy thì việc đầu tiên là phải học. Cùng thời gian đó, có đoàn cán bộ của Trung tâm Ứng dụng và Xử lý vật liệu nổ của Bộ Tư lệnh Công binh vào đơn vị để hủy số bom đã quá hạn sử dụng còn lại trong kho. Phạm Minh Thư đã được Trung tá Nguyễn Anh Tiễu -  Giám đốc Trung tâm hướng dẫn cách tháo gỡ các loại bom mìn, đầu đạn và cho mượn một số tài liệu để nghiên cứu.

Khi đã nắm được những kiến thức cơ bản, anh cùng Trung úy Nguyễn Tiến Đạt bắt tay vào việc thu gom bom mìn nằm rải rác trên địa bàn sân bay. Đó là những ngày đầu năm 1993. Kể từ đó là những tháng ngày “ăn cùng bom, ngủ cùng bom” của anh như những người đồng đội thường gọi.

Ngày ngày, sau giờ làm việc anh lại lặng lẽ mang đồ nghề vào “vùng đất chết”. Hành trang của anh cực kỳ đơn giản, một chiếc xe đạp cọc cạnh, một thùng gỗ đựng mùn cưa, bó cờ hiệu và một chiếc thuốn tự tạo. Chiếc thuốn để tìm vị trí quả bom, thùng mùn cưa để khi đào được bom rồi thì để vào, mùn cưa giúp định vị bom như vị trí nó nằm dưới đất khi đào thấy để tránh bị nổ. Mỗi thùng đựng được tối đa 9 quả, nếu hôm nào nhiều phải mang về bãi tập kết rồi lại quay ra chuyến khác. “Đối tác” của anh là vùng đất dày đặc bom mìn nằm lẫn trong đám cỏ lác rậm rì. Có những chỗ mật độ dày đặc nhất, một mét vuông anh tìm được đến 20 quả. Nắng, nóng, mồ hôi quyện với bụi đất...

Anh đã bắt đầu như thế từ những mét vuông đầu tiên được khẳng định đã hết bom mìn. Một mét, rồi lại một mét; một ngày, rồi lại một ngày, như con kiến cần mẫn tha mồi, anh nhích dần khu vực an toàn theo phương pháp “tích tiểu thành đại”. Chiếc cờ đỏ đánh dấu nguy hiểm được hạ xuống, thay vào đó là chiếc cờ xanh được cắm lên báo hiệu sự an toàn. Niềm vui và sự lo lắng của anh ngày ngày cũng được “cắm lên hạ xuống” theo những chiếc cờ hiệu nhỏ xíu như vậy. Thời gian rảnh rỗi được anh “đầu tư” cho việc bới đất tìm bom như thế. Bàn tay chai sạn, phồng rộp, bụng đói, miệng khát; lúc thì một mình, khi thì cùng đồng đội, lăn lộn trên bãi bom. Hình ảnh anh ngày ngày cẩn trọng vạch từng mô đất, lùm cây để tìm và vô hiệu hóa "thần chết" đã trở nên quen thuộc.

Trước khi bắt tay vào việc thu gom bom mìn, Phạm Minh Thư cũng đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Không phải anh sợ nguy hiểm, thiệt hơn mà là việc làm sao tháo gỡ được hết bom mìn trên dải đất bạt ngàn kia, làm sao để tránh được những thương vong đáng tiếc xảy ra cho đồng chí đồng đội và chính bản thân mình? Đó quả thực là những câu hỏi lớn. Nhiều đêm Thư đã thức trắng bởi những trăn trở như vậy. Lương tâm trách nhiệm và cả lòng nhiệt tình của anh không phải không có lúc chao đảo. Cái chết luôn luôn rình rập mỗi bước chân. Rồi ánh mắt lo lắng của người vợ và hình ảnh hai đứa con trong ngôi nhà ấm áp không phải không có “sức nặng” nhất định như biết bao người lính có gia đình khác. Nhưng nếu không bắt tay làm thì con số thương vong bao giờ mới dừng lại? Cuối cùng thì trách nhiệm của một người lính - một người chỉ huy trưởng đơn vị, của một con người sống có trách nhiệm đã chiến thắng.--PageBreak--

Tâm sự người trong cuộc

Trong cuốn nhật ký của mình, Phạm Minh Thư ghi: “Ngày 1/3/1993... Hôm nay mình bắt đầu đi nhặt bom. Chỉ mình với Đạt. 240 quả”. “Ngày...1993. Hai anh em vừa nhặt vừa đào bới. Bom đạn sao nhiều thế? Gần 400 quả”. “Ngày... Đạt sốt nhẹ. Mình cũng rất mệt, nhưng phải cố thôi. Hôm nay nhặt khu sát nhà ở của Trung đội 4. Sát nhà ở mà sao nhiều bom thế? 470 quả”. “Ngày... Trời nóng quá, Đạt lại bị sốt, mình không dám ép. Mình có thể làm được. Cố gắng”. “Ngày... Hai anh em cùng chảy máu cam, trời nóng và khô quá. Nhặt ở khu Phụ chết 400 quả (nhiều hơn đi đào khoai). “Ngày 28... Chủ nhật. Phải cố gắng thôi, trời sắp mưa rồi. Quyết tâm tháng 4 phải xong khu bom cũ. Có mưa, cỏ lấp, phí công. Nhặt khu hố nổ, toàn bom bi. 510 quả”.

Toàn bộ cuốn nhật ký đã ghi chép ngắn gọn nhưng đầy đủ, rất nhiều số liệu chứng tỏ “tiến độ” thu gom bom mìn của anh. Thi thoảng cũng có những hàng chữ ghi đậm nét, đầy những giằng co quyết liệt: “Cán bộ tốt là người không sợ khó khăn, không lẩn tránh trách nhiệm. Kề đó là ba dấu chấm hỏi. Anh ghi tiếp: Nếu tiếp tục nữa thì sao nhỉ? Chấp nhận”. Chữ “chấp nhận” được tô đậm nét nhất và có gạch chân.

Cứ như vậy, ngày ngày anh lặng lẽ với công việc. Có ngày số bom gom được lên đến trên 500 quả, nhưng có ngày gỡ toát mồ hôi chỉ được 20 quả. Đi đến đâu, anh dịch cờ an toàn đến đấy. Cần mẫn kiên trì 12 năm ròng rã để có được gần 50 ha đất thật được trả lại sự yên bình. “Mỗi lần ra đi là tôi lại gấp gọn giấy tờ sổ sách và viết những nội dung kế hoạch để trên bàn, bởi... nhỡ tôi ra đi mà không thể trở về, mọi người còn biết và tiếp tục công việc của tôi chứ" – Phạm Minh Thư bộc bạch.

Công việc anh làm được nhiều người khuyến khích ủng hộ nhưng cũng có người cho là anh dại dột, tự dưng đi tìm cái sự hiểm nguy lại không phải nhiệm vụ của mình. Nhưng anh vẫn không nao lòng, lặng lẽ tiếp tục công việc, bởi đơn giản vì nhiệm vụ của một người lính, vì bản thân anh cảm thấy phải làm như thế.

Trong suốt 12 năm “sống cùng bom”, đã nhiều lần Phạm Minh Thư chạm trán với tử thần và đã thoát chết trong gang tấc, có lần hủy bom, đốt mãi cho bom nổ mà nó chẳng chịu nổ, khi lại gần thì nó mới phát nổ, may mà không sao. Mỗi lần như thế, đêm về, khi vợ con đã an giấc anh lại lặng lẽ bên những mẫu bom mìn, tự rút kinh nghiệm tìm cách tháo gỡ sao cho hiệu quả và an toàn nhất.

Lúc đầu anh không cho vợ biết công việc mình làm bởi anh sợ chị lo lắng. Nhưng rồi thì chị cũng biết chuyện. Rất lo và thương anh nhưng chị vẫn chiều theo ý anh. Chị bảo rằng, nếu ngăn anh sẽ làm anh phân tán tư tưởng, rồi không tỉnh táo khi làm việc thì hậu quả còn khó lường hơn. Dù vậy, tâm trạng của người phụ nữ có chồng “đánh bạn với bom” luôn luôn ở trong trạng thái thấp thỏm. Những lúc anh ra bãi bom mìn, ở nhà nhiều khi chị giật mình cả những lúc có tiếng chuông điện thoại. Anh đã làm tất cả để thuyết phục chị tin và ủng hộ anh. “Làm người ai chẳng mong có được cuộc sống bình yên? Nhưng không lẽ cứ ngồi yên để chứng kiến nhiều cái chết bi thương ngay trước mắt mình ư?” - Với tâm nguyện như thế, anh tự hứa sẽ làm cho đến khi sức anh không thể kham được nữa, và anh tin mình sẽ làm được.

Niềm tin của Phạm Minh Thư hoàn toàn có cơ sở. Sau 12 năm đối mặt với tử thần, 18.000 quả bom mìn, vật liệu nổ đã được anh và đồng đội tháo gỡ. Đó quả là một khối lượng bom đạn khổng lồ được thu gom chỉ bằng phương pháp thủ công. Vì số bom mìn quá lớn anh đã phải lập tờ trình đề nghị cấp trên giúp đỡ việc tiêu hủy. Năm 2004, Quân chủng Phòng không – Không quân đã đề nghị BTL Công binh cử đoàn công tác về sân bay Pleiku hủy toàn bộ số bom mìn nói trên, sau đó là đưa các thiết bị rà phá về kiểm tra lần cuối khu đất rộng lớn gần 50 ha.

Tại Đại hội Thi đua toàn quân lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội, câu chuyện thu gom bom mìn của Trung tá Phạm Minh Thư trong buổi giao lưu với khán giả truyền hình đã khiến nhiều người xúc động và khâm phục trước hình ảnh người lính từng ấy năm dám đối mặt với hiểm nguy vì sự an toàn và cuộc sống bình yên của cộng đồng. Phạm Minh Thư đã được Bộ Tư lệnh Công binh đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Tình cờ khi đọc một bài báo viết về anh, Trung tướng Phạm Hồng Thanh - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng đã có công văn đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân xem xét, xác minh và có hình thức khen thưởng xứng đáng cho anh. Hiện nay, Phạm Minh Thư đã được Quân chủng Phòng không - Không quân làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trước khi ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua toàn quốc và giao lưu trong chương trình “Người đương thời” của Đài Truyền hình Việt Nam, anh vẫn tiếp tục công việc của mình, bởi khu vực sân bay Pleiku rộng lớn vẫn chưa thực sự hết bom mìn rơi vãi. Những phần thưởng mà anh được nhận thực sự cao quý, nhưng với Phạm Minh Thư, niềm vui lớn nhất của anh là mảnh đất một thời dày đặc bom mìn cùng những cái chết bủa vây rình rập giờ đây đã được phủ xanh bởi bạt ngàn những vườn cà phê đang độ đơm hoa. Niềm mong ước của anh đã thành hiện thực - trên “vùng đất chết”, sự sống đã thật sự hồi sinh

Xuân Thủy - Quỳnh Vân
.
.
.