Người kỹ sư dám nghĩ dám làm

Chủ Nhật, 04/12/2005, 09:37

Từ nỗi trăn trở làm sao để có những chiếc xe ô tô phù hợp với  hoàn cảnh của người nông dân Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Sáng Mãi, giám đốc Công ty TNHH ô tô Chiến Thắng đã mạnh dạn tổ chức dây chuyền chế tạo xe ô tô tải hạng nhẹ từ 0,5 đến 3 tấn. Giá thành hợp lý, chất lượng tốt, ô tô Chiến Thắng đã dần chiếm lĩnh thị trường nội địa, được bà con nông dân lựa chọn thay thế các loại xe công nông, xe Trung Quốc.

Tốt nghiệp Đại học Giao thông năm 1975, Nguyễn Sáng Mãi về nhận công tác tại Nhà máy X4 Bộ Quốc phòng (ở Cầu Diễn, Hà Nội). Từ năm 1986, ông chuyển sang làm giáo viên kỹ thuật dạy về máy nổ ở Sở Thủy lợi Hải Phòng. Nghị định 36/CP ra đời cấm xe công nông đi vào thành phố và cho phép xe đầu ngang sử dụng đến hết năm 2007 sẽ cấm hẳn. Ông trăn trở: Vậy cái gì sẽ thay cho xe công nông chuyên chở ở nông thôn? Ông phác ra dự định chế tạo xe ôtô tải hạng nhẹ từ 0,5 đến 3 tấn bán cho bà con nông dân. Nhiều người nghe ông nói đã cười nhạo. Bà con muốn mua xe máy còn khó, nói chi việc mua ôtô. Vả lại xe ôtô Trung Quốc, giá rẻ bán đầy ra đó, làm sao một doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh. Mặc kệ, ông vẫn quyết tâm đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp ôtô.

Trong hơn 300 công nhân của Công ty TNHH ôtô Chiến Thắng có trên 100 người là bộ đội xuất ngũ. Những người lính phục viên đã động viên ông. Và rốt cuộc xe ôtô mang nhãn hiệu Chiến Thắng ra đời đã chiếm lĩnh thị trường, tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong nước. Hàng tháng, Công ty TNHH  Ôtô Chiến Thắng cho xuất xưởng 300 xe ôtô các loại, bán ở 42 đại lý trên khắp đất nước.

Xe ô tô Chiến Thắng trên dây chuyền.

Ôtô Chiến Thắng có satxi tự thiết kế chế tạo, cabin dập thủ công, động cơ 2 xilanh (loại 2,5 tấn) đến 4 xilanh (loại 3 tấn) nhập từ Trung Quốc, phụ tùng nhập từ Nga. Từ năm 2002 đến 2004, công ty đã sản xuất 9 loại ôtô. Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi kiểm tra dây chuyền sản xuất, điều kiện thiết bị kỹ thuật đã ra quyết định cho phép công ty tự nghiệm thu sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Năm 2005, công ty đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng, lắp đặt 6 dây chuyền sản xuất, lắp ráp 11 loại xe ôtô từ 0,5 đến 4 tấn, đủ sức cạnh tranh với công ty nước ngoài

Trò chuyện với Giám đốc Nguyễn Sáng Mãi, chúng tôi mới dần hiểu được vì sao doanh nghiệp của ông đứng vững trong cuộc cạnh tranh này.

Ông Mãi nói: “Nước ngoài thua ta vì xe họ chưa thích ứng với các điều kiện Việt Nam. Xe nước ngoài chỉ có một loại, trong khi điều kiện địa lý các vùng miền nước ta lại rất khác nhau. Xe ôtô Chiến Thắng đáp ứng tốt yêu cầu của từng vùng, giá lại rẻ hơn từ 15 đến 20% nên được người tiêu dùng tín nhiệm cao". Bên cạnh đó, Công ty TNHH Ôtô Chiến Thắng còn có chế độ hậu đãi tốt với khách hàng.

Ngoài việc lo cho đời sống anh em công nhân, công ty có những hoạt động từ thiện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Công ty rất chú ý giúp anh em bộ đội phục viên, công an về hưu và chính những người này lại quảng bá sản phẩm cho công ty. Ông Mãi kể: “Trên xe có 370 chi tiết dập, công ty làm đủ 370 bộ khuôn dập. Mỗi bộ từ vài triệu đến vài chục triệu. Vì vậy bất cứ chi tiết nào hỏng, công ty liền có đồ thay thế ngay. Cho đến nay, công ty có tỉ lệ nội địa hóa 42,6%, cao nhất trong các doanh nghiệp sản xuất ôtô"

Phi Khanh
.
.
.