Người kĩ sư ở Pháp theo Bác Hồ về nước kháng chiến

Chủ Nhật, 19/12/2010, 16:26
Sáu mươi lăm năm đã qua, còn nhiều bí mật phía sau số phận của một trong 4 trí thức người Việt từ Pháp cùng Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến, đó là kỹ sư Võ Quí Huân.

Mùa hè năm 1946, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp nhằm hậu thuẫn cho Hội nghị Fontainebleau mưu cầu nền độc lập, thống nhất bền vững cho Việt Nam. Tuy nhiên, do tư tưởng thực dân của giới cầm quyền Pháp, Hội nghị đã thất bại; Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam chuẩn bị cuộc trường kỳ kháng chiến. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, 4 trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp gồm: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh, đã cùng Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến…

Chân dung người kĩ sư Việt kiều yêu nước

Ông Võ Quí Huân sinh năm 1912 trong một gia đình giáo học huyện Thanh Chương (Nghệ An). Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, năm 1935-1937, Võ Quí Huân tham gia phong trào Bình dân, làm Chủ nhiệm Báo Đông Dương hoạt động (L'activité Indochinoise) xuất bản song ngữ Việt - Pháp. Đây là một tờ báo tiến bộ đương thời, nên bị thực dân Pháp đóng cửa; Võ Quí Huân phải trốn sang Pháp và đi học. Ông đã giành được 3 bằng kĩ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp. Sau đó, ông làm việc cho hãng tàu thủy Compagnie Translatique (Pháp) và một số nhà máy lớn. Ông cũng là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potef… Ông tham gia Tổng Công đoàn Pháp (CGT), trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1939.

Giữa năm 1946, ông Võ Quí Huân đã tham gia tổ chức các hoạt động nghênh đón, phục vụ Hồ Chủ tịch và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc hoà đàm với nước Pháp... Trung tuần tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký kết bản Tạm ước 14-9 với đại diện Chính phủ Pháp, nhằm kéo dài thời gian hoà bình cho Việt Nam, rồi trở về Tổ quốc. Trước lúc rời nước Pháp, Hồ Chủ tịch đã mời một số trí thức tiêu biểu đến gặp. Người ôn tồn nói: "Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú đã sẵn sàng chưa?".

Trong số 4 trí thức cùng Hồ Chủ tịch về nước, ông Võ Quí Huân có vợ và con gái mới tròn 2 tuổi. Vợ ông Huân là bà Vo Qui Irenè, gốc Nga. Bà là Tiến sĩ Ngôn ngữ học, nói và viết thành thạo 7 ngoại ngữ. Cô con gái có tên là Vo Qui Viet Nga (Võ Quí Việt Nga), mới tròn 2 tuổi; nhưng trước nghĩa vụ với Tổ quốc, ông đã nén tình cảm riêng, quyết tâm trở về Việt Nam phục vụ đất nước. Lúc chia tay lên đường vội vã, ông Huân ôm cô con gái cưng vào lòng và trân trọng hứa: "Moumou yêu quý của ba, ba đi công việc vài ba tháng sẽ trở lại!". Bé Việt Nga mếu máo rồi oà khóc níu áo ba, hai cha con nghẹn ngào giây phút biệt ly…

Bác Hồ bế con gái kĩ sư Võ Quí Huân (Paris, tháng 7/1946), người theo Bác về nước.

Dấn thân vào cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc, 4 trí thức Việt kiều được giao những trọng trách để phục vụ đất nước. Ông Võ Quí Huân đảm trách Giám đốc Sở Khoáng chất kĩ nghệ Trung Bộ. Với sự chủ trì của ông, chiều 15/11/1948, mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt đã được luyện, chảy vào khuôn trong sự reo hò của cán bộ, công nhân nhà máy… Từ thành công này, những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí "Made in Vietnam" đã được xuất xưởng đại trà bởi nhà thiết kế Trần Đại Nghĩa và gang của kĩ sư Võ Quí Huân, góp phần vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kì 9 năm.

Cuộc trùng phùng sau 6 thập kỷ

Như đã đề cập ở phần trước, sau khi về nước, ông Võ Quí Huân đã dồn hết tâm sức phụng sự Tổ quốc. Cuộc kháng chiến ngày càng khốc liệt và cơ hội của ông Huân trở lại nước Pháp đón vợ con về Việt Nam là điều không thể… Một thời gian sau, ông Võ Quí Huân lập gia đình với bà Tạ Kim Khanh và sinh được 4 người con. Sau khi về tiếp quản Thủ đô, kĩ sư Võ Quí Huân tiếp tục được giao nhiều trọng trách… Năm 1967, ông Võ Quí Huân lâm trọng bệnh...

Trong một buổi chiều Hà Nội dầm dề mưa lạnh, tôi đã rất xúc động khi chị Võ Quí Hoà Bình, con gái của ông Võ Quí Huân với người vợ sau, cho tôi xem đoạn clip và những bức ảnh gặp lại người chị gái cùng cha khác mẹ Võ Quí Việt Nga tại một ngôi làng nhỏ ở Pháp. Chị Võ Quí Hoà Bình nhớ lại: "Khoảng tháng 8/1967, sức khoẻ ba tôi giảm sút nghiêm trọng. Nằm trên giường bệnh, ông thường lấy ra một số bức ảnh, tần ngần ngắm kĩ rồi thở dài; trong đó có bức ảnh anh trai tôi đang du học ở CHDC Đức và bức ảnh cỡ 9x12cm, là một đứa trẻ con Tây. Tôi hỏi thì ba tôi nói: "Đây là cháu ngoại của ba!"… Thì ra, sau khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954, ông Huân đã âm thầm viết thư nối lại quan hệ với bà Irenè và con gái Việt Nga. Việt Nga lúc này đã lập gia đình và sinh được một cậu con trai đầu lòng. Bà Irenè đã hồi âm và gửi kèm tấm ảnh đứa cháu ngoại của ông bà.

Những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, ông Huân nắm tay con gái Hoà Bình, nói: "Khi ba theo Bác Hồ về nước kháng chiến, ba có hứa với bà Irenè và chị Việt Nga là chỉ vài tháng sau sẽ quay lại. Con biết đấy, với một đứa trẻ hai tuổi, lời hứa đó rất quan trọng. Vậy mà ba đã không thực hiện được, ba rất ân hận. Cũng vì chờ đợi một cách vô vọng mà bà Irenè không lập gia đình; chị gái con cũng rất vất vả vì thiếu cha, chỉ học hết tú tài, cuộc sống sau đó rất khó khăn". Ông Huân căn dặn: "Ba chết không nhắm mắt vì nỗi ân hận với bà Irenè và không chăm sóc được chị gái con. Các con nhất định phải tìm lại bà ấy và Việt Nga, thì ba mới an lòng nơi chín suối". Sau khi trải hết lòng mình với vợ và con gái, cuối tháng 9/1967, người kĩ sư trí thức Việt kiều Võ Quí Huân đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 56, khi mà trí tuệ và lòng yêu nước của ông vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu được gặp Bác Hồ.

Từ đó, Võ Quí Hoà Bình luôn tâm niệm phải tìm được bà Irenè và chị Việt Nga, nối lại sợi dây tình cảm đã bị gián đoạn. Trở lại những manh mối đầu tiên để đi tìm người chị gái nơi trời Tây, chị Hoà Bình kể: Năm 1975, khi lục tìm những tư liệu cũ, tôi phát hiện một lá thư của ba tôi ghi địa chỉ bà Vo Qui Irenè. Tôi bèn nhờ thầy giáo dạy tiếng Pháp viết hộ bức thư gửi kèm những bức ảnh về Việt Nga (để làm tin) mà cha tôi còn giữ được, cùng các bức ảnh anh em tôi ở Việt Nam. Chị Việt Nga có hồi âm, nhưng giữ một thái độ khá xa cách: "Với chị, hai từ Việt Nam gợi lên nỗi đau mất cha. Chị không dễ vượt qua nỗi đau của quá khứ để có thể gặp mặt các em"…

Con tạo xoay vần, sau khi con gái, rồi con trai của chị Hoà Bình lần lượt sang Pháp du học, họ tiếp tục viết thư thăm hỏi bác Việt Nga. Song, một cuộc gặp gỡ như ước nguyện của người cha Võ Quí Huân vẫn chưa thể thực hiện; mọi bức thư chỉ dừng lại ở mức xã giao.

Trong một lá thư hồi âm cho cháu gái Thuỳ Dương, chị Việt Nga tái khẳng định: "… Sẽ rất đau đớn cho bác nếu phải kết giao lại với gia đình ở Việt Nam. Bác không thể làm được điều này vì nó làm bác quá đau lòng. Bác rất muốn trao đổi thư từ thỉnh thoảng với cháu. Thế thôi!".

Trước thực tế này, những người thân trong gia đình và ngay cả hai người con của chị Hoà Bình đều khuyên: Bác Việt Nga tuy mang dòng máu của ông, nhưng là người Pháp hoàn toàn. Nếu người Pháp đã không muốn, thì rất khó lay chuyển; họ rất cần được tôn trọng sự riêng tư… Tuy nhiên, càng khó khăn thì chị Hoà Bình càng quyết tâm phải gặp bằng được người chị gái của mình.

Chị Võ Quí Hoà Bình (thứ tư từ trái qua) và gia đình chị Võ Quí Việt Nga (thứ hai từ trái qua).

Tháng 10/2007, chị Hoà Bình sang Pháp lần thứ tư. Cả 3 lần trước, dù đã liên hệ qua điện thoại nhưng chị Việt Nga đều khước từ việc gặp gỡ. Chị Hoà Bình kể lại: Con trai tôi đã ở Pháp nhiều năm, nên mày mò tìm kiếm được địa chỉ của bác Việt Nga. Đó là một ngôi làng gần thành phố nhỏ có tên là Autun, cách Paris khoảng 500km. Chúng tôi được một người lái taxi nhiệt tình chở đi và hỏi thăm đường tới làng Moux en Morvan… Nghe chúng tôi kể về người chị gái bị thất lạc đã nhiều lần khước từ không gặp người thân, ông lái xe tỏ ra xúc động và nói: "Kì lạ thật. Lát nữa gặp nhau có cần tôi vào nói giúp không?"… Xe dừng lại trước một ngôi nhà ở cuối làng, cháu Quân xuống xe bấm chuông, tôi vẫn ngồi lại và nói với người lái taxi: "Nếu lần này chị ấy vẫn từ chối, thì chúng tôi sẽ về luôn".

Chị Việt Nga, khi ra mở cổng, đã sững sờ đứng lặng hồi lâu mới mời khách vào nhà. Quân hỏi: "Cháu có thể mời mẹ cháu vào được không?". Bác Việt Nga lúc này đã không thể từ chối tình cảm ruột thịt, chị Hoà Bình bước vào khu vườn và ôm lấy người chị gái của mình… Chị Việt Nga chỉ im lặng lắng nghe những lời tâm sự của người em gái… Mãi sau, chị mới thốt lên: "Cha đã làm việc vất vả lắm phải không?". Trong nước mắt, chị Hoà Bình đã nói: "Ba rất nhớ bà Irenè và yêu chị. Ba rất ân hận vì đã không trở lại với hai mẹ con chị. Trước lúc mất, ba dặn chúng em phải tìm được bà Irenè và chị… Hai mẹ con chị Hoà Bình được anh Michel (chồng chị Việt Nga) dẫn lên căn gác nhỏ đầy ắp những hình ảnh, kỉ niệm về người cha Võ Quí Huân và mẹ Vo Qui Irenè, còn có một thùng gỗ đầy ắp những bức thư và ảnh từ Việt Nam gửi sang. Chị Việt Nga khi ấy mới thổ lộ: "Có điềm gì đó, khoảng 2 tuần nay, ông ấy (anh Michel) cứ tẩn mẩn tìm lại những kỉ niệm, những bức ảnh, và sắp xếp theo trình tự thời gian, như là chờ ai tới thăm!".

Sau cuộc gặp gỡ này, chị Hoà Bình đã thêm 2 lần sang nước Pháp thăm chị gái Việt Nga và anh rể. Chị cho tôi xem một bức thư mà chị Việt Nga vừa gửi ngày 6/8/2010, có đoạn: "Em gái thân yêu của chị! Chị gửi cho em ba tấm hình để chúng ta có thể biết được nhau nhiều hơn. Chiều nay chị đã đến Autun và chị đã nghĩ về em rất nhiều, vì đó là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau và cũng là nơi chị đã chở em và Quân về khách sạn. Chị cảm ơn em từ tận sâu đáy lòng đã đến để tìm chị và để chúng ta có thể biết được nhau và lấy lại khoảng thời gian đã mất… Ký tên: Moumou".

Khi tôi đang viết những dòng này, thì nhận được điện thoại của chị Hoà Bình. Chị khoe: "Sáng nay (13/12/2010), bác Việt Nga đã gọi điện chúc mừng sinh nhật chị. Chị mừng quá. Giờ chị cũng đang chuẩn bị thiếp và quà để gửi mừng bác Việt Nga và gia đình nhân dịp Noel"

Trần Duy Hiển
.
.
.