Người khuyết tật bác ái và lớp học nghề đặc biệt

Thứ Sáu, 21/09/2007, 10:08

Ông nằm trên giường, cố gắng tháo từng cái ốc vít ra khỏi chiếc ti vi đã cũ bằng hai bàn tay co quắp. Lúc khác, đôi bàn tay không bình thường ấy lại lướt trên bàn phím máy tính để giảng giải cho đám học trò nghèo. Ông là Vũ Đăng Văn, ở thôn Trung Kênh (xã Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), một người khuyết tật, nhưng từ hàng chục năm nay vẫn mở những lớp học sửa chữa điện tử miễn phí, truyền nghề cho hàng trăm học trò nghèo.

Một lớp học nghề đặc biệt

Trong gian phòng bé nhỏ, 4 cái đầu của đám học trò cứ quây quanh màn hình máy tính nghe thầy Vũ Đăng Văn giảng lý thuyết về các loại mạch điện tử. Đám học trò thì chăm chú như nuốt từng lời thầy hướng dẫn, còn thầy giáo, một người khuyết tật, chân tay đã teo tóp và phải nằm liệt giường thì vẫn say mê giảng bài và trả lời những câu hỏi của học trò.

Trong giờ thực hành, những học trò thay nhau cầm tuốc nơ vít, tháo từng con ốc vít từ chiếc ti vi đã cũ theo chỉ dẫn của thầy Văn qua gương. Buổi học cứ như thế diễn ra cho đến cuối giờ chiều, đến khi cả thầy và trò đều thấm mệt mới thôi.

Đây có lẽ là một lớp học nghề sửa chữa điện tử đặc biệt nhất ở nước ta. Nó đặc biệt không chỉ vì giảng viên là một người khuyết tật đã liệt nửa người và mất đến hơn 80% sức lao động từ hơn 30 năm nay, mà còn đặc biệt hơn vì học trò chủ yếu là trẻ lang thang, trẻ con nhà nghèo đến học nghề và không phải trả tiền. Một số học trò, vì quê xa lang thang lên Hà Nội kiếm sống còn được ông Văn cho ăn ở tại nhà và truyền nghề.

Theo ông Vũ Đăng Văn, chủ nhân ngôi nhà, một người khuyết tật giàu lòng nhân ái thì mỗi khoá học như thế chỉ có từ 3 đến 4 học sinh và kéo dài từ 6 đến 12 tháng. Cá biệt, có những lớp học trước đó phải kéo dài đến hai năm vì học sinh chủ yếu là trẻ lang thang, ít chữ, chậm tiếp thu nên phải kéo dài thời gian học mới nắm vững được nghề. ấy vậy mà mấy chục năm qua, ông đã mở được hàng chục khoá học, với hàng trăm học sinh đến từ khắp nơi như: Thanh Hóa, Hà Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang… thạo nghề và về quê mở cửa hàng kiếm sống.

Khuyết tật nhưng giàu lòng nhân ái

Luôn sẵn sàng cưu mang và giúp những đứa trẻ không may mắn, nhưng ông Vũ Đăng Văn lại là một người rất nghèo và cũng rất không may mắn. Theo lời kể của ông Văn thì năm 28 tuổi, thời gian phải đi sơ tán lên Thái Nguyên vì chiến tranh, ông đã bị ốm. Một y tá khi đó đã kê nhầm đơn thuốc, khiến bệnh của ông chữa mãi không khỏi.

Trong lúc đang điều trị thì bệnh viện phải sơ tán vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không may, chiếc xe chở bệnh nhân trong đó có ông Văn bị lật nhào khiến ông bị gẫy chân và cong vẹo cột sống. Bực quá, ông chuyển ra ngoài chữa bằng Đông y, nhưng cách chữa này đã khiến bệnh của ông ngày một trầm trọng, rồi liệt nửa người.

Trong tình trạng bệnh tật, ông đã chuyển từ nơi sơ tán về quê. Nhưng về quê, đất đai của ông đã bị một người anh nghiện ngập bán mất. Chạy vay mãi, ông cũng mua được một mảnh đất và xây được gian nhà cấp 4 tại nơi ông đã sinh ra. Trong lúc chán chường, bệnh tật và một cuộc sống độc thân, không gia đình, ông đã sưu tầm được nhiều sách nói về đồ điện tử và cách sửa chữa đồ điện tử để đọc.

Và rồi, ông trở thành một thợ sửa chữa đồ điện tử có trình độ cao lúc nào không hay. Nhiều người biết đến tay nghề của ông đã đem đồ điện tử đến nhờ sửa. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở khắp các quận, huyện cũng đem đồ điện tử đến nhà ông để sửa.

Có được ít tiền, ông Văn đã kéo những đứa trẻ đánh giày lang thang gần nhà vào cho học nghề. Nhiều gia đình nghèo khó trong vùng, không có tiền cho con đi học cũng đến nhờ thầy Văn truyền nghề.

Đến bây giờ, ông cũng không nhớ mình đã mở được bao nhiêu khoá học rồi, nhưng ông bảo ít nhất cũng đã hàng trăm học trò "tốt nghiệp" từ những khoá học nghề do ông mở. Nhiều người nhờ được ông truyền nghề đã xin được vào những nhà máy lớn liên doanh với nước ngoài làm việc. Lại có người thì về quê mở cửa hàng cửa hiệu, không phải lang thang đi kiếm sống nữa.

Thế nhưng, càng giúp được nhiều người thì ông Văn lại ngày càng nghèo đi. Thời gian gần đây, ông rất hay đau ốm. Mỗi lần đau ốm là đôi bàn tay ông lại co cứng lại khiến việc sử dụng dụng cụ càng trở nên khó khăn hơn. Tuy đau ốm, ông Văn cũng không bao giờ dám đi bệnh viện, mà chỉ mời y tá đến nhà chữa trị.

Ông bảo, mình làm vậy cũng là mong tiết kiệm thêm ít tiền để mở thêm khóa học nghề mới. "Vừa rồi có mấy đứa đánh giày cứ đến nài được học nghề, nhưng mình yếu, mỗi khoá chỉ dám nhận 3,4 đứa. Mình hẹn sẽ nhận chúng vào khoá học tiếp theo rồi…", ông Văn cười, nói

Nguyễn Trọng Tuyến
.
.
.