Người hút kim loại

Thứ Năm, 11/01/2007, 14:31

Theo ông Kim Hoàng Sơn, nhà nghiên cứu cảm xạ đầu tiên của nước ta, ngày xưa, khả năng cảm xạ được coi là một bản tính trời sinh, được phủ một lớp màu huyền bí, nhưng ngày nay, cảm xạ học được phổ biến rộng rãi và ai cũng có thể thực hiện cảm xạ nếu như như người đó yêu thích và kiên nhẫn rèn luyện đúng cách.

Theo ông Sơn, con người có giác quan thứ sáu. Thời tiền sử, lúc con người còn ăn lông ở lỗ, sống giữa hoang vu rừng rậm, trước sự đe dọa của thú dữ, luôn luôn lo sợ những tai ách thiên nhiên, thì con người, mặc dầu rất yếu đuối trước vũ trụ, nhưng đã có bản năng để đáp ứng nhu cầu sinh sống và bảo tồn nòi giống của mình.

Khi đó, dù trình độ trí tuệ chưa bằng ngày nay, ngôn ngữ còn thô sơ, song loài người đã tồn tại bởi bản năng thầm kín và mạnh mẽ, để tìm ra mạch nước lành, hay miếng mồi ngon lót dạ, hoặc tìm đến hang đá ấm áp để che mưa nắng. Chính bản năng ấy hướng dẫn mọi hoạt động và trước những đe dọa thì bản năng thức dậy.

Bản năng con người thời kỳ sơ khai được tạo hóa đặt trên một bình diện cao hơn bản năng thú vật, bởi vì ngoài bản năng, con người còn có trí thông minh và trí nhớ, là những nguyên lý căn bản của sự hiểu biết. Từ khả năng nhận xét những sự kiện xảy ra, cho đến những hiện tượng vô hình, con người đã bắt chước, so sánh và thí nghiệm để nhờ trực giác dẫn đến những kết luận.

Đến khi con người tìm ra lửa, có nghĩa là có cách bảo vệ hữu hiệu và cải thiện đời sống của mình thì sự hiểu biết và kinh nghiệm cũng gia tăng để đưa con người xa dần cuộc sống ăn lông ở lỗ. Hoạt động bản năng không còn mạnh mẽ như trước vì đã nhường chỗ cho lý trí và kinh nghiệm hiểu biết.

Bản năng con người không được thường xuyên sử dụng đã giảm bớt mức quan trọng rồi ẩn sâu bên trong con người, dưới lương tâm và ý chí. Tuy nhiên, bản năng vẫn không bao giờ mất hẳn trong con người. Bản năng vẫn bền bỉ, linh động dưới dạng tiềm lực, sẵn sàng hoạt động bất ngờ để phát sinh ra trực giác, linh cảm, ám ảnh, trong những trường hợp mà trí óc không thể phân tích được. Tác dụng vô thức của bản năng được gọi là tiềm thức và nó có ý nghĩa khác với bản năng thú tính.

Cũng theo ông Kim Hoàng Sơn, cảm xạ học chính là sự chất vấn tiềm thức cá nhân của mình để có câu trả lời. Câu trả lời trong cảm xạ học chính là những tác động vô hình làm cho quả lắc hay chiếc đũa trên tay nhà cảm xạ chuyển động. Việc lực hút xuất hiện trong cơ thể của những người luyện cảm xạ cũng là do sự tác động của tiềm thức, song cũng huyền bí như tiềm thức con người.

Ông Sơn, bác sĩ Dư Quang Châu, người nghiên cứu rất sâu về môn cảm xạ, cũng như nhiều nhà khoa học cảm xạ vẫn chưa lý giải cặn kẽ được cơ chế sinh ra lực hút. Các nhà cảm xạ học chỉ biết rằng, khi tập luyện theo phương pháp cảm xạ sẽ khơi gợi được tiềm thức, phát sinh nội lực trong cơ thể và từ đó có sức hút đồ vật mạnh mẽ.

Qua các bài tập, cơ thể sẽ nhạy cảm với các hiện tượng tự nhiên khiến con người có rất nhiều khả năng đặc biệt khác nữa như: tìm mạch nước ngầm, mỏ quặng, xác định “tia đất”, “ám khí”, “ác xạ”... phát tiết từ lòng đất gây nên bệnh tật cho con người.

Nhạc sĩ Trần Tiến còn hút được cả đĩa bằng... sứ

Nhà khoa học Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng, người đã bỏ cả chục năm nay để nghiên cứu môn cảm xạ học thì lý giải hiện tượng hút đồ vật của cơ thể con người từ việc nghiên cứu sự tác động qua lại giữa vật thể và ý thức thể.

Theo ông Khanh, giữa vật thể và ý thức thể có 4 loại tác động: vật thể tác động vật thể; vật thể tác động ý thức thể làm thay đổi ý thức thể (vật chất làm thay đổi ý thức); ý thức thể tác động làm thay đổi vật thể (làm di chuyển, biến dạng cấu trúc vật thể bằng tác động cách không) và cuối cùng là ý thức thể tác động với ý thức thể (hay còn gọi là tâm giao tâm, tức nói chuyện bằng ý nghĩ, ngoại cảm).

Cũng theo ông Khanh, khoa học hiện đại có thể chưa chú ý đầy đủ đến phần ý thức thể tác động làm thay đổi vật thể và còn coi hiện tượng tâm giao tâm là ngoài khoa học, là thần bí, thậm chí mê tín dị đoan. Việc ý thức thể có thể tác động, điều khiển được vật thể mạnh hay yếu là phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Những học viên cảm xạ điều khiển được vật, hút được vật nặng hay nhẹ là do khả năng sẵn có trong mỗi con người kết hợp với sự luyện tập kiên trì để phát huy sức mạnh của ý thức thể.

Ông Khanh và các nhà nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng đưa ra một nhận định khá đặc biệt, trái với triết học duy vật: ý thức thể cũng là một dạng vật chất!

Ông Khanh cho rằng, thế giới tự nhiên tác động vào con người bằng ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, qua các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, da. Sự tác động của tự nhiên đến các giác quan sẽ sinh ra thức (nhận thức) như: thích, không thích, hợp, không hợp...

Cũng từ đây mới sinh ra hỉ, nộ, ái, ố... và tạo ra phản ứng cho cơ thể. Sự phản ứng đồng thời sẽ sinh ra lực cộng hưởng rồi tạo ra tác động lực. Tác động lực sẽ phát ra không gian (gọi là năng lượng sinh học) mạnh hoặc yếu. Hiện nay, với máy móc hiện đại như điện tâm đồ, điện não đồ đã đo được năng lượng sinh học của con người.

Chính năng lượng sinh học tiềm ẩn sinh ra điện trường, từ trường mà thường gọi là trường sinh học. Trường sinh học sẽ tạo ra hiện tượng tâm giao tâm, gọi là “truyền âm nhập mật” hay “ngữ nghĩ truyền thanh”, tức là có thể trò chuyện, hiểu được tâm tư của nhau bằng ý nghĩ.

Cũng theo lý giải của ông Khanh, dù con người mất đi, song trường sinh học sẽ tồn tại vĩnh viễn. Các nhà cảm xạ tài ba có thể thu, phát, dịch được trường sinh học nên có khả năng đặc biệt là vì thế. Qua lý giải này thì một số nhà nghiên cứu về tiềm năng con người đã khẳng định ý thức thể, tâm thức cũng là một dạng vật chất, nhưng là vật chất đặc biệt, có sự chuyển đổi biến ảo khôn lường.

Chẳng hạn, khi một võ sĩ bị đấm gục trên sàn, song khi người yêu đến cổ vũ, hoặc khán giả cổ vũ rầm rộ thì ý thức thể sẽ chuyển năng lượng vào các cơ bắp, làm cho cơ bắp đã rệu rã có một sức mạnh phi thường, có thể vùng lên đánh bại đối phương, đảo ngược tình thế. Qua đây, có thể thấy ý thức thể là một dạng vật chất rất mạnh và trong tương lai có thể lượng hóa được bằng khoa học, máy móc hiện đại. Vì ý thức thể là một dạng vật chất nên nó có thể tác động làm biến đổi vật thể (?!).

Chính lực điện trường, từ trường sinh ra trong cơ thể khiến cơ thể hút được các vật kim loại, còn lực sinh học chỉ có sức mạnh khi luyện tập ở mức độ cao, tất nhiên không kể do bẩm sinh. Lực sinh học không những hút được kim loại mà có thể hút được các loại vật chất khác. Các bài tập cảm xạ đã khơi dậy khả năng tiềm ẩn của ý thức, tạo cho con người có điện trường, từ trường và trường sinh học mạnh mẽ, khai mở ra khả năng vô biên của con người, mà việc hút các đồ vật chỉ là một khả năng nhỏ.

Nhà khoa học Vũ Thế Khanh cho rằng, mỗi tế bào trên cơ thể chúng ta đều có nguồn năng lượng, song chúng ta không biết sử dụng nên năng lượng của các tế bào hoạt động không theo mong muốn của chúng ta. Nếu mỗi tế bào phát năng lượng theo một hướng thì không khác nào trong đội bóng mỗi cầu thủ đá một kiểu, không có chiến thuật, không có sự phối kết hợp nên không tạo ra sức mạnh tập thể.

Tập cảm xạ sẽ giúp vô thức phát huy, vô thức sẽ tích hợp năng lượng của các tế bào theo một hướng, giải phóng năng lượng theo sự điều khiển của ý thức sẽ tạo nên lực cộng hưởng vô cùng mạnh mẽ (cũng như kéo co mà dùng lực cùng lúc thì mới tạo ra sức mạnh). Hiểu một cách đơn giản, mỗi tế bào (cơ thể người có tỉ tỉ tế bào) là một cục pin, nếu ta tích điện tỉ tỉ cục pin lại thì sẽ tạo ra nguồn điện siêu lớn.

Các võ sư, các nhà yoga là những người hiểu điều này nhất, họ đã biết cách tích hợp năng lượng cơ thể để làm được những việc phi thường: nằm trên bàn chông, cho ôtô tải leo lên người... Thậm chí, các nhà yoga huyền thoại còn phát năng lượng sinh học làm cho cơ thể mình trôi bồng bềnh trên không, hoặc hạn chế sự hoạt động của tế bào ở mức thấp nhất nên có thể để người khác đem chôn xuống đất cả tháng không chết. Các cảm xạ viên hút được vật thể có nghĩa là lực hút cơ thể đã mạnh hơn lực hút trái đất, song nếu xét về sức mạnh vô biên của cơ thể thì năng lượng hút thìa, nĩa hay vài cục sắt chỉ là rất nhỏ.

Việc con người luyện tập để có được khả năng trên là rất tuyệt vời, nhưng theo ông Khanh, cái được lớn nhất là sức khỏe. Cơ thể con người có khả năng tự chữa bệnh cho mình, môn cảm xạ sẽ khơi gợi, phát huy các chức năng đó mạnh mẽ hơn. Phát huy được khả năng tiềm ẩn trong cơ thể sẽ thau rửa được những cặn bã, là những nguyên nhân gây bệnh cho con người. Học môn cảm xạ, ta sẽ hiểu rằng, thuốc men chỉ là thứ hỗ trợ cho khả năng tự chữa bệnh của cơ thể. Nếu cơ thể không có khả năng tự chữa bệnh thì thuốc tiên cũng không có tác dụng.

GS-TS Vũ Hoan (Phó chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam): Luyện tập cảm xạ có tác dụng tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường khả năng nhạy cảm để khai thác khả năng tiềm ẩn của bản thân, mang lại lợi cho mình và giúp ích cho đời, cho người, cho thân tâm trong sáng mãi mãi.

Bác sĩ Dư Quang Châu: Mặc dù là giáo viên dạy môn cảm xạ, nghiên cứu, viết nhiều sách về cảm xạ học, song tôi vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng cơ thể hút được đồ vật sau khi tập cảm xạ. Điều kỳ lạ là khi tôi sử dụng nhạc chầu văn và trống cơm của dân tộc làm nền cho các buổi tập thì thấy năng lượng trong cơ thể học viên tăng lên rất nhanh và mạnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Trên thế giới cũng có hiện tượng cơ thể hút được đồ vật. Tôi cũng đã nghiên cứu một người ở Việt Nam có khả năng ấy và giới thiệu lên chương trình Chuyện lạ Việt Nam mới đây. Trước kia, ở Việt Nam cũng có một bé gái có khả năng hút đĩa sứ. Tuy nhiên, những người tôi nghiên cứu đều do bẩm sinh. Trong các tài liệu về yoga cũng nhắc đến khả năng này, nhưng phải tập luyện rất lâu và có căn cơ mới thành công được. Việc ở nước ta có một lớp học cảm xạ đào tạo được nhiều người có khả năng hút đồ vật thì quả là kỳ lạ và lý thú, đây sẽ là vấn đề mới của khoa học, sẽ mở ra chân trời mới cho các nhà khoa học nghiên cứu.

 

Phạm Ngọc Dương
.
.
.