Người hồi sinh cho những cánh rừng keo

Chủ Nhật, 23/12/2007, 16:30
Cách thị xã Hòa Bình hơn 10 cây số, vượt qua đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu, dưới chân núi Vạc là trang trại của bà Nguyễn Thị Vân, một  "nữ tướng trồng rừng" đã vào độ tuổi 70, từng có 17 tháng thụ án ở trại cải tạo.

Nửa cuộc đời chân đất, bần cùng

Trên con đường đất ghập ghềnh, vòng vèo lên xuống những đỉnh đồi, một người phụ nữ tóc đã bạc phóng trên chiếc xe máy cũ, trên xe chở hai bao tải nặng cồng kềnh. Chiếc xe cứ nhảy chồm chồm trên những ổ gà, phi thẳng vào sân một ngôi nhà khang trang nằm trên đỉnh đồi lộng gió.

Dựng chân chống xe, người phụ nữ đon đả mời chúng tôi vào nhà. Cảm giác kỳ lạ, thú vị về người phụ nữ này ở tôi mỗi lúc lớn dần lên khi nhận thấy, người nói chuyện với mình đã là một bà lão trên 70 tuổi.

Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà mới xây, bà tự hào khoe rằng, đây là ngôi biệt thự lớn mà bà mới xây bằng tiền thu lợi của hơn 40ha rừng keo và những chiếc ao thả cá.

Trước mắt chúng tôi, những quả đồi xanh ngút tầm mắt trải dài, bao quanh khu nhà. Nghe đâu đây trong tiếng gió, có cả tiếng rì rào kể chuyện của những rừng keo xanh gắn liền với câu chuyện về một phụ nữ can đảm. Quá nửa đời người bà gắn bó với những rừng keo, những đàn cá, đàn bò, đàn dê.

Dù đã đứng chênh vênh trên đỉnh dốc cuộc đời, trong lòng bà vẫn có những ngọn lửa nhiệt huyết mà nhiều người trẻ tuổi không dễ gì có được. Cuộc đời bà Vân có những đoạn ngoắt nghéo khá đặc biệt. Bà cứ tuồn tuột kể lại những cơn bĩ cực của cuộc đời không chút bối rối, xấu hổ hay oán trách.

Bà nói thẳng tưng rằng bà đã từng bị đi tù vì buôn nhầm trâu của bọn ăn trộm. Bà cũng nói rằng, chuyện bà đi tù là đáng lắm, làm sai thì phải chịu thôi. Bằng chất giọng sang sảng không hề run rẩy vì tuổi tác, bà lần lượt lật lại những quãng đời của mình cho chúng tôi.

Bà Vân sinh ra trong gia đình đông con ở một làng quê ở Hà Tây, bố mẹ bà làm quần quật quanh năm cũng chẳng có đủ thức ăn cho lũ con lúc nào cũng bủng beo vì đói.

Không được học hành, chỉ biết cúi gằm mặt đi cấy thuê, cuốc mướn, cô bé Vân cứ thế lớn lên như ngọn cỏ không cần chăm sóc. Mười lăm tuổi, bà được bố mẹ gả chồng. "Gả chồng để bớt đi miệng ăn trong nhà", lý do ấy vào thời điểm gia cảnh nhà bà đang "rách như xơ mướp" cũng chẳng có gì bất nhẫn.

Nhà chồng cũng nghèo khó, làm mãi không thoát khỏi cảnh túng quẫn. 27 tuổi, vợ chồng bà từ Hà Tây dắt díu nhau lên Hòa Bình khai hoang. Dựng một căn lều ở tạm tại xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, bà cùng chồng ngày ngày cuốc đất trồng ngô, trồng sắn.

Sẵn có sức khỏe, vợ chồng bà dùng sức mình khai hoang thêm quả đồi bên cạnh lấy đất trồng hoa màu, trồng mía. Sau hai năm, vợ chồng bà đã có 2ha đất để canh tác. Đến vụ thu hoạch mía, bà thức đêm quay mật bán cho người trong vùng.

Từ một người nghèo nhất xóm của những người nghèo, bà đã trở thành người giàu nhất xã. Có chút vốn liếng, bà tìm mối mua trâu bán cho những thương lái ở đồng bằng. Gom góp được ít tiền, bà định thu gom trâu, buôn một chuyến lớn để xây nhà.

Chuyến xe ôtô của bà chở 21 con trâu từ Vĩnh Phú (cũ) về Hà Nội. Chưa kịp chuyển bánh, chiếc xe đã bị Công an tỉnh Vĩnh Phú yêu cầu kiểm tra. Hóa ra, trong số 21 con trâu ấy có tới 7 con bà mua nhầm của bọn trộm trâu. Bị kết án 3 năm tù giam, bà Vân bàng hoàng bước vào trại cải tạo trong khi chồng đang ốm nặng, hai con còn trứng nước.

Do cải tạo tốt, bà chỉ phải ở tù hơn 1 năm và được tha trước thời hạn. Khấp khởi mừng chưa được bao lâu. Về đến nhà chồng đã qua đời, mẹ mất. Đau xót hơn, hai đứa con không ai nuôi nấng đã phải đi ở cho nhà khác. Còn ngôi nhà, trong thời gian bà đi cải tạo, chồng bà đã phải bán đi để chữa bệnh và bị người ta quỵt tiền không trả.

Đón hai con về trong cảnh không xu dính túi, không mảnh đất cắm dùi, bà Vân lại dắt hai con tiếp tục cuộc đời khai hoang, cày sâu cuốc bẫm. Bà kể, ba mẹ con buổi tối ngồi trong lều run lập cập vì tiếng cọp gầm rú phía xa. Quanh chỗ bà sống không có một bóng người. "Đấy là bóng tối của một thời gian dài cả chục năm", bà Vân tâm sự.

"Sang đâu đến kẻ ngủ trưa"

Khi mọi cơn bĩ cực đã dần qua đi, cũng là lúc bà Vân ý thức được rằng của nả đều nằm ở đôi bàn tay. Gửi con cho hàng xóm, bà lên tận Sơn La buôn ngô. Một tháng trời rong ruổi từ Sơn La về Hà Nội, bà cũng đã có ít lưng vốn.

Trở về, bà lại cùng hai con cuốc từng gốc cây, bờ bụi. Ba mẹ con còn đắp đập, be bờ, thả cá. Chân tay bà và các con chưa lúc nào sạch bùn đất. Bà cười, kể với chúng tôi: "Mẹ con tôi đến ngày Tết cũng làm từ sáng sớm đến tối mịt. Mùng một Tết, người ta đi chúc tụng, thăm hỏi nhau, mẹ con tôi vẫn ở ngoài đồng ruộng".

Từ chỗ tay trắng, bà lại có của ăn của để. Nhìn những quả đồi trọc được mình biến thành ruộng, thành nương, bà chợt nghĩ, sao không tận dụng để trồng rừng, vừa phủ trống được đồi trọc, sau này ắt sẽ có tiền từ rừng.

Vốn bản tính nói là làm, hôm sau bà bắt tay vào việc. Suy nghĩ của bà thật đơn giản, nhưng cũng rất logic: "Ngày đó, tôi chỉ biết trồng thôi, vì mình ở rừng. Mà rừng thì phải có cây xanh, có muông thú".

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, bà đã trồng được rừng keo đầu tiên. Lúc đầu, bà trồng xen ngô, sắn ngắn vụ. Thu hoạch xong, bà lại có tiền thuê người trồng rừng. Hai chục năm ròng rã như vậy, giờ bà đã có trong tay 45ha rừng keo bát ngát.

Khi bắt tay vào trồng rừng, bà Vân không ngờ những cánh rừng keo sẽ mang lại cho bà một cuộc sống sung túc. Cây keo bám rễ vào đất đồi, đất núi, cứ 6 năm lại cho một lứa thu hoạch. Nhìn thành quả của mình, người phụ nữ vốn xốc vác như đàn ông không cầm được nước mắt.

Chúng tôi rất ấn tượng với cách làm việc của bà. Làm công cho bà Vân là hơn 40 người, bà trả lương, nuôi ăn đàng hoàng. Nhưng bà Vân cũng nổi tiếng khắc nghiệt trong cách quản lý lao động. Cứ trời vừa sáng là bà đi khua tất cả người làm dậy.

Có lần, bà còn tạt cả gáo nước lạnh vào người một cậu thanh niên uể oải không chịu dậy sớm. Bà xưng bà, gọi cháu với người làm như bà cháu trong nhà. Ai lười làm là bị bà quát mắng xơi xơi.

Đôi lúc, bà còn dùng ca dao, tục ngữ để răn dạy: "Sang đâu những kẻ ngủ trưa. Giàu đâu những kẻ say sưa tối ngày". Thế nhưng, khi có nhân viên bị đau ốm, bà Vân lại là người chăm sóc, thuốc thang.

Mỗi lần lễ, Tết bà còn chu đáo chuẩn bị quà để nhân viên mang về nhà… Chính vì thế, dù rất ngại tính cách nóng như Trương Phi của bà, nhưng mấy chục người làm công ai cũng quý mến và nghe lời bà hết mực.

Có một câu hỏi khiến chúng tôi băn khoăn, với hàng chục hécta rừng rộng lớn được chính quyền địa phương cấp phát, ắt hẳn có cả trăm lâm tặc dòm ngó, bà Vân làm thế nào để giữ được rừng.

Bà lớn tiếng: "Đố ai mang ra khỏi rừng của tôi được một thanh củi". Bà cấp đất ở bốn cửa rừng cho bốn gia đình nhân viên ở và trồng trọt, kiêm thêm nhiệm vụ gác rừng. Bà cũng tậu hẳn một đàn ngựa để nhân viên cưỡi đi tuần tra rừng.

Cách làm việc nghe qua có vẻ hơi quân phiệt nhưng lại rất chuyên nghiệp và có kỹ thuật của bà Vân, nhiều lâm trường lớn cũng chưa theo kịp. Chính vì thế, Lâm trường Kỳ Sơn (thuộc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình) đã vận động bà trồng và bảo vệ 6ha rừng. "Giờ thì chả phải lo đến cái ăn cái mặc nữa rồi", bà Vân hãnh diện.

Nhưng tôi ngầm hiểu trong câu nói ấy của bà, là bà đã khá giả rồi, đã có thể ngẩng đầu lên được rồi. Mỗi năm, bà cũng có cả tỷ bạc từ thu hoạch của rừng. Nhưng cái nếp hăng làm việc của bà sẽ đeo bám bà cho đến chết.

Hơn 70 tuổi mà bà vẫn đều đặn quản lý, cất đặt công việc đâu ra đấy. Đêm đêm, bà vẫn mơ những cánh rừng keo của bà tiếp tục mở rộng ra mãi. Cánh rừng ấy sẽ cho bà thu hoạch mật ong, cỏ trồng dê, nuôi bò…

Lưu Vinh - Ngọc Yến
.
.
.