Người hàng xóm

Thứ Năm, 28/08/2014, 15:32
Gần nhà tôi có vợ chồng anh hàng xóm, anh là Văn Bá Võ (50 tuổi, Duy Xuyên - Quảng Nam); chị là Võ Thị Nhị (46 tuổi, Quế Sơn - Quảng Nam), thường trú tại số nhà 79 Lê Lai, phường Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Họ không còn trẻ nhưng cũng chưa phải đã già, đều trên 45 tuổi, chị vợ nhìn có vẻ trẻ hơn; còn anh chồng như hơn 50 tuổi, người nhỏ thó, nước da đen sạm, quần áo, chân tay lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ. Cũng phải thôi vì anh làm nghề rửa xe máy, kiêm luôn sửa chữa xe (xe đạp, xe máy). Mặc dù chả có đi học nghề sửa xe ở đâu cả, cứ vừa làm, vừa học, cái gì không biết thì đi hỏi nên tất tần tật, những gì xe hư anh cũng có thể sửa được. Tuy ở trong xóm nhỏ nhưng quán của anh ngày nào cũng đông khách. Họ quý anh ở cái nết ít nói nhưng chăm chỉ, cẩn thận, chu đáo, ở con người anh toát lên một con người hiền lành, dễ mến, thật thà, nhân hậu.

Còn chị vợ, chị cũng mở một cái quán (cạnh quán của chồng). Thôi thì trăm thứ bà rằn, những gì mà gia đình nào thiếu cứ đến quán của chị là có tất, quán của chị như một cửa hàng bách hóa nhỏ nhưng cũng chẳng thiếu cái gì. Chị còn tận dụng vỉa hè kê thêm 3 cái bàn và mấy cái ghế, nếu ai muốn uống cà phê hay nước gì cũng có. Chị cũng là người xởi lởi, vui vẻ. Khách đến quán của anh chị cũng đều là bà con chòm xóm, chỉ 1 ly cà phê họ có thể ngồi cả ngày, thôi thì đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, từ đông tây kim cổ, từ chuyện nhà, xã hội, thế giới… cứ mỗi người một chuyện.

Nhìn anh lam lũ, hình như không lúc nào ngơi tay, không làm cái này cũng làm cái kia. Tôi hỏi và anh trả lời rất thật.

- Anh làm thế, tiền để đâu cho hết?

- Nhì nhằng đủ ăn thôi chị!

- Anh làm nghề này có hơn khi còn chạy xe ôm không?

- Không bằng, nhưng bù lại, tôi không tốn tiền xăng, sửa xe. Vả lại tuổi cũng đã cao rồi, tôi không còn khỏe, làm ở nhà tuy thu nhập ít nhưng an toàn, cũng không tốn các thứ tiền lặt vặt.

- Những lúc đông khách, một mình anh chắc cũng vất vả?

- Những lúc đó vợ tôi cũng phụ thêm.

- Tôi thấy khách cũng đông, sao anh không nới rộng thêm và thuê  một người giúp việc phụ cho anh?

- Thôi chị ạ! Làm nhì nhằng thế thôi. Vả lại nếu thuê thêm người nó làm không đúng ý của khách, tôi không an tâm. Như hôm bữa tôi rửa xe cho một chị, khi mở cốp tôi thấy có 1 bọc, mở ra thấy 1 cục tiền lớn, chắc đến trăm triệu chứ không ít, một số tiền quá lớn đối với tôi, có lẽ rửa xe cả đời cũng không kiếm được số tiền như vậy. Nếu tôi lấy số tiền này, chị ấy cũng không biết, tôi sẽ có món tiền lớn mà chẳng phải vất vả gì, nhưng đổi lại tôi sẽ áy náy liệu đêm tôi ngủ có ngon giấc, ăn có ngon miệng không khi dùng số tiền không phải của mình; còn người ta mất người ta đau buồn, lo lắng, tiếc của, mất ăn, mất ngủ sinh bệnh. Như vậy có phải là mình sống trên sự đau khổ của người ta không? Nghĩ vậy nên tôi trả lại tiền cho chị ấy khi chị đến nhận xe, chị thực sự hoảng hốt “Tôi đã để số tiền này ở nhà mà sao giờ vẫn ở trong cốp xe?”. Chị ngớ người không hiểu. “Chắc chị để trong cốp xe mà quên”. Chị ấy đã cảm ơn tôi rối rít. Đấy! Nếu tôi thuê người khác liệu còn số tiền đó không? Họ bị mất, còn tôi thì mang tiếng.

Anh Văn Bá Võ đang rửa xe cho khách.

Anh kể tiếp, ngày trước khi còn chạy xe ôm, có lần tôi chở ông cụ, khi trả tiền cụ đưa tôi tờ 500.000đ mới cứng.

- Sao cụ đưa nhiều thế, con làm gì có tiền thối lại cho cụ.

- Con đưa lại cho ông 5.000đ thôi mà.

- Trời ơi! Cuốc xe có 15.000đ mà cụ đưa con tờ 500.000đ, vậy cụ tưởng là tờ 20.000đ hả? Thôi, con không có tiền thối, con không lấy tiền, con chở giúp cụ thôi. “Vậy hả? Cụ cảm ơn con”. Cụ bảo đấy là tiền con của cụ cho.

Có lần, tôi chở hai mẹ con có 1 túi đồ rất nặng. Khi đến nơi, họ trả tiền xe và vào siêu thị. Họ đi rồi tôi giật mình, họ bỏ quên túi đồ ở xe tôi, không biết trong đó có những gì, tôi đành phải chờ hai mẹ con chị ấy ra để trả lại. Một lúc lâu sau, đứng từ xa nhìn hai mẹ con dắt díu nhau vừa đi vừa khóc vừa ngơ ngác nhìn quanh, tôi thấy vậy lại gần.

- Chị để quên đồ trên xe tôi vẫn còn nguyên đây này. Chị vừa mếu máo: “Ôi! Tôi đã tưởng là mất rồi, không ngờ anh tốt bụng quá, mẹ con tôi cảm ơn anh”.

Lần khác, khi một cậu thanh niên chở đến quán tôi 1 thùng nước. Sau khi uống cà phê, cậu ấy về và bỏ quên chiếc ví. Khi mở ví ra, tôi thấy rất nhiều tiền, toàn là loại mệnh giá lớn, tôi nghĩ tiền này chắc tiền của đại lý mà cậu ta có trách nhiệm thu về, chứ cậu ta chở thuê thì làm gì có tiền. Tôi đã gọi điện cho đại lý đó, nhờ họ nhắn cho cậu ấy đến nhà, tôi trả lại cái ví cùng toàn bộ số tiền trong đó. Cậu ấy mừng không để đâu cho hết và còn rất nhiều lần khác, khách đến quán của chúng tôi bỏ quên không biết bao nhiêu lần, tôi đều cất đi chờ họ đến trả lại. Tôi nghĩ, chỉ đồng tiền mình làm ra thì mới chắc, còn không phải của mình thì trả lại cho họ, mình cũng như họ thôi, nếu mình mất mình cũng đau xót lắm. Vợ chồng tôi bảo nhau: “Mình nghèo thì cũng nghèo rồi, sống để cái đức lại cho con”.

Anh chị nghĩ thế cũng phải. Nhìn anh chị, họ cũng giống bao người dân lam lũ khác, vất vả kiếm sống, góp nhặt từng đồng, nhưng tôi nhìn thấy ở họ có một tâm hồn cao đẹp, đáng yêu, thánh thiện (những điều này chưa bao giờ tôi được nghe kể). Vậy mà hôm nay, họ kể với tôi như những việc rất bình thường (như không có gì cả), như những gì anh chị làm hằng ngày. Khi cuộc sống bây giờ khiến con người ta bon chen, xô bồ, khi đạo đức con người xuống cấp, người ta có thể đua nhau làm giàu bằng mọi cách… Tôi thấy rất vui khi đây đó quanh ta vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những con người nhìn họ rất đỗi bình thường nhưng họ có một tâm hồn sáng trong như ngọc

Nguyễn Thị Phương Liên
.
.
.