Người gửi hồn trên đường thiên lí Bắc Nam

Thứ Hai, 03/07/2006, 13:21
Người đàn ông ngồi bệt ngay bậu cửa chính của căn nhà ba gian tuềnh toàng, thỉnh thoảng lại rướn người lên một chút, rồi rụt về bất động như thể chiếc kim giây đồng hồ gắn tường gần kiệt pin. Tôi để ý mỗi lần như thế, trên con đường thiên lí Bắc Nam liền xuất hiện xe tốc hành vụt qua...

Ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Hải Chữ, xã Trung Hải (Gio Linh, Quảng Trị) là cựu thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Bộ Giao thông từ năm 1963 đến 1975. 12 năm TNXP, ông chỉ chuyên một việc: Rà phá bom mìn. Nghề cũ thời chiến tranh còn lưu lại trên đầu, trên mình ông nhiều vết sẹo của mảnh bom, thứ sẹo da non vô thời hạn. Một viên bom bi nổi vồ lên trên mu bàn tay trái, ông nói: "Mổ lấy đi cũng không ích gì!".

Nó như một dấu chấm lửng giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ, ông Lộc khó nhớ hết những cung đường, những địa chỉ "nóng" mà ông phải có mặt để phá bom. Ngã ba Đồng Lộc, cầu Linh Cảm, bến phà Xuân Sơn, phà Gianh, cầu Ròn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải... Với ông, đó là những túi bom, sống, chết cách nhau một gang hoặc một lần chớp mắt! Ông kể chuyện chóng vánh, kết thúc một địa danh, ông lại tự khen mình "may", "chết hụt", "suýt chết"...

- Đấy, năm 1969, tôi với một anh nữa ngồi trên phao để kéo nam châm rà quả bom từ trường ở cầu phao Ròn (Quảng Bình), thế quái nào quả đang "rà" thì không nổ, quả khác nằm ngay dưới phao mình ngồi thì nổ, hất tung cả 2 đứa lên trời. Bị thương nặng! May. Đáng nhẽ chết.

Ông Lộc bây giờ hơi nặng tai. Có lẽ do "quá tải" tiếng nổ của bom từ trường. Năm 1980, ông lập gia đình. Bà Hy vợ ông vốn là nữ giao liên hoạt động trên địa bàn Gio Linh từ những năm 1966. Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, bà tiếp quản máy móc thiết bị Trạm Bưu điện Hiền Lương và ở trong ngành Bưu điện đến 1988 thì nghỉ việc. Bà nói: "Tui cần phải nghỉ việc, phải ngồi một chỗ để mang thai và sinh nở".

Trước đó, năm 1984, 1985, 1986, 1987, vợ chồng bà đã mất 4 đứa con. Cứ được 3, 4 hoặc 5 tháng là sảy thai. Bà vượt cạn bằng những cú xóc tê dại khác thường. Chỉ còn bản năng làm mẹ là bình thường. Cái bình thường của tạo hóa làm cho bà Hy không bị quỵ. Đó là lần thứ 2, sau lần làm chiến sĩ giao liên, bà Hy không thua cuộc. Tấm Huân chương Kháng chiến hạng ba khẳng định bà là người chiến thắng!

Năm 1989, cu Lâm chào đời. Hạnh phúc lần đầu tiên gõ cửa một gia đình của hai người cầm súng, hai con người gặp nhau trên miệng hố bom. Cu Lâm bây giờ đã 16 tuổi, to lớn hơn cả bố mẹ nhưng chỉ như một đứa trẻ lên 2. Mãi sau này, ông Lộc, bà Hy mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam.

Một gia đình không một người lành lặn!

Và những phận người

Ông Lộc quê ở Thường Tín, Hà Tây. Về hưu, ông quyết định ở lại quê vợ. Ông nói: "Muốn khác cũng chẳng ích gì!". Lương hưu hưởng 78%, ông được khoảng 400 nghìn một tháng. Lẽ ra, ông có thể làm chế độ thương binh, ông nói rồi tự giải thích: "Buồn quá. Làm làm gì?". Cu Lâm không cho ông bà ngơi tay. Bà đi chợ, ông canh con, thay phiên nhau "trực chiến" cả ngày lẫn đêm.

Hễ rảnh một chút, bất kể là ngày hay đêm, ông Lộc lại "chiếm chỗ" ngay bậu cửa, mặt hướng ra đường. Bà hoài nghi: "Nhìn chi không biết? Khi mô gọi, ông ấy cũng giật mình". QL1A chạy ngang trước ngõ, cách nhà chưa tới hai chục mét. Không biết từ bao giờ, ông có thói quen ngồi bệt ngay bậu cửa chính nhà mình, ánh mắt xa xăm dõi về phía con đường. Ông nhìn không chán? Hoặc có thể nhìn mà thành ra không nhìn? Hay đơn giản do thói quen?

Sau lưng ông, ở phía trên cao treo ngay ngắn 2 Huân chương Kháng chiến hạng ba, tấm bên trái của ông, cái kia mang tên bà Hy; còn gian nhà bên phải, cuộc sống hình như đang tập trung ở đó, nơi có hai con người đang giằng co nhau: một mẹ, một con, không hề tách rời nhau. 16 năm nay vẫn thế. Có lẽ bà Hy đã đếm được trên đầu cu Lâm của bà có bao nhiêu sợi tóc. Thằng bé khóc cười bất chợt. Gò má người mẹ thường ướt sượt, gương mặt xanh xao u uẩn dưới mái tóc phờ phạc. Mấy tháng nay tự dưng con mắt phải của bà bị biến chứng, rồi không thấy hẳn.

Trên bậu cửa, ông Lộc vẫn đắm chìm theo dòng xe xuôi ngược. Dù gì, so với bà Hy, ông vẫn có cái thênh thang của kẻ lữ hành. Có thể chiến tranh và vết thương lòng không bao giờ liền sẹo trên những dặm đường thiên lí Bắc Nam, có thể ông không định dừng chân nơi nào trên hành trình ấy, nhưng biết đâu, bằng cách ấy, ông mường tượng ra rằng, những đứa con của ông đang ngược xuôi trên chuyến xe nào đó?!

Lê Minh Thắng
.
.
.