Người giữ nước giữ rừng

Thứ Hai, 11/01/2010, 08:35

Sinh ra ở vùng quê Nam Định, năm 1961, chàng trai Đỗ Duy Thảo nhập ngũ rồi lên đường vào Nam đi đánh giặc. Là lính của đơn vị Pháo binh 84, trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, anh đã cùng đồng đội lăn lộn trên chiến trường Quảng Trị và đã "nên duyên" với một người con gái của vùng đất thép Vĩnh Linh anh hùng.

Năm 1978, rời quân ngũ, anh coi quê vợ tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh là quê hương thứ hai của mình...

Những năm 1996-1997, hưởng ứng chủ trương di dân lập vùng kinh tế mới Tân Thủy của Đảng bộ huyện Vĩnh Linh, cựu chiến binh Đỗ Duy Thảo là một trong số những người tiên phong đi mở đất. Vùng đất bazan phía Tây Vĩnh Linh dọc theo đường Trường Sơn chỉ toàn là lau lách và cỏ dại. Đối mặt với vùng gò đồi cằn cỗi đó, gần 20 hộ dân rút lui, chỉ 4 hộ trụ được. Chính xác thì chỉ một mình ông có mặt từ đầu đến cuối, còn mấy hộ kia chỉ gửi... một chân. Họ ở dăm hôm, nửa tháng lại bỏ về quê cũ, coi như không bỏ.

- Khổ nhất là nguồn nước. Bây giờ vẫn thế! - Ông Thảo kết luận.

Ông cho rằng chẳng phải nhờ tài ba hơn người khác, có khác chăng là cuộc đời người lính đã làm cho ông quen ở rừng. Người lính già đã nghĩ ra cách neo giữ nước. Mất 1 năm đầu tại Tân Thủy ông chỉ toàn làm chuyện cuốc, đào, bưng, bê... Mùa mưa đầu tiên tại vùng kinh tế mới, thứ ông có trong tay là nguồn nước. 7 năm sau đó, việc nối việc, nhưng việc thứ hai sau ngăn đập là rà bom đạn, phế liệu chiến tranh. Về sau, công việc không còn bắt ông lao lực. Mọi việc lớn bé đều được ông lên kế hoạch. Vùng lau lách cỏ dại đã trở thành một mô hình kinh tế lồng ghép rộng tới 20ha. Thu nhập từ trang trại mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Lúc dẫn chúng tôi đi xem bộng nuôi ong nằm rải rác giữa những hàng cao su thẳng tắp, ông nói: "Tôi đã tìm được rừng!". Giọng miền Bắc chưa phai của ông đều đều, chậm rãi như nói với chính mình. Có lẽ rừng cây hiểu hết lời ông Thảo

Linh Nhân
.
.
.