Người gieo con chữ Khmer

Thứ Sáu, 21/11/2008, 14:01
Nhờ kiến thức (chữ Khmer) tích lũy được trong quá trình tu học ở chùa Bưngkhdon, thầy Lâm Khưu đã nhanh chóng vận dụng với những gì đã học ở giảng đường đại học để ứng dụng vào công tác biên soạn và giảng dạy chữ Khmer các giáo sinh theo học tại Trường CĐSP Sóc Trăng.
Đã hơn 15 năm trôi qua, bây giờ nhắc lại, nhiều thầy cô từng là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ vẫn còn nhớ như in hình ảnh một sinh viên "đặc biệt", lớn hơn các bạn cùng trang lứa 15 tuổi, đến lớp học trong chiếc áo cà sa lạ lẫm. Song, trong số những sinh viên thời đó, ít ai ngờ rằng người sinh viên "đặc biệt" đó nay đã trở thành người "ươm mầm cho con chữ" không thể thiếu trong sự nghiệp giảng dạy chữ Khmer ở  tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Người đó chính là thầy giáo Lâm Khưu, giảng viên Trường CĐSP Sóc Trăng….

Xuất thân từ gia đình nông dân Khmer nghèo ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Cũng như các bạn đồng trang lứa, cuộc sống tuổi thơ của ông gắn liền với thửa ruộng, bầy trâu. Nhưng với ý chí và tinh thần ham học, thầy Lâm Khưu đã trở thành người thầy giáo ưu tú, mẫu mực và tâm huyết trong việc giảng dạy chữ Khmer cho nhiều cán bộ, giáo viên các trường tiểu học và THCS trong và ngoài tỉnh.

Từ một nhà sư chỉ với trình độ văn hóa lớp 10, nhờ không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập cả ở lĩnh vực đạo pháp lẫn THPT, thầy đã tốt nghiệp Trung cấp Pali rồi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc. Quá trình tu học, thầy có điều kiện đi lại đó đây, tiếp xúc nhiều với Phật tử.

Nhận thấy phần lớn con em đồng bào dân tộc Khmer gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cùng lúc với 2 thứ tiếng Khmer và tiếng Việt, thầy đã tranh thủ thời giờ vừa làm tốt công tác hành đạo vừa mày mò tìm hiểu tài liệu sách vở để tự học và đăng ký dự thi vào Trường Đại học Cần Thơ. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học, Phật tử cả xã Phú Mỹ xôn xao và tự hào khi có vị sư cả đậu vào đại học, dù lúc đó ông đã 34 tuổi.

Những ngày học đại học, dù có rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ (cả khóa chỉ có thầy là người Khmer), điều kiện học tập nhưng thầy vẫn ấp ủ mục tiêu mang những kiến thức học được ở giảng đường để phục vụ cho con em đồng bào Khmer quê mình.

Ra trường, đứng trước nhiều lựa chọn vì có nhiều nơi muốn tiếp nhận, nhưng thầy nghĩ nếu chỉ về những nơi trực tiếp giảng dạy cho các em học sinh phổ thông thì số người tiếp cận với những kiến thức mà thầy đã tích lũy không nhiều. Điều đó giải thích vì sao thầy lại chọn trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh để cống hiến.

Chính giấc mơ này đã làm động lực giúp thầy vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành khóa học và trở về bắt tay vào việc biên soạn, giảng dạy chữ Khmer như đã hằng mong ước. Nhờ kiến thức (chữ Khmer) tích lũy được trong quá trình tu học ở chùa Bưngkhdon, thầy đã nhanh chóng vận dụng với những gì đã học ở giảng đường đại học để ứng dụng vào công tác biên soạn và giảng dạy chữ Khmer các giáo sinh theo học tại trường.

Bà Lý Thị Đào - Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Sóc Trăng cho biết: Có thể nói, một trong những điểm sáng của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây là số lượng con em học sinh đồng bào dân tộc Khmer được huy động và duy trì ra lớp rất đông. Nhà nước cũng đã đầu tư khá nhiều công sức, tiền của để xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của những người "gieo mầm" cho con chữ (biên soạn và truyền đạt những phương pháp mới cho chương trình giảng dạy chữ Khmer) như thầy Lâm Khưu.

Dù mới có thâm niên 10 năm nhưng thầy đã trải qua 7 khóa dạy cho cán bộ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước với gần 1.000 học viên. Đào tạo được 482 giáo viên tiểu học và bồi dưỡng ngắn hạn cho gần 500 giáo viên các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… để giảng dạy chương trình song ngữ.

Nhiều giáo sinh từng được thầy đào tạo nay đã trở thành những giáo viên giỏi, điển hình tiêu biểu trong công tác giảng dạy chữ Khmer ở các trường trong và ngoài tỉnh như thầy Lý Ngọc Thành - Trường Dân tộc nội trú huyện Mỹ Tú, cô Sơn Ngọc Hoa Trường Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Châu. Không những đào tạo thành công những lứa học trò giỏi, thầy Lâm Khưu còn có nhiều sáng kiến giúp việc truyền đạt, giảng dạy hiệu quả hơn như "Phương pháp biên soạn lại cấu trúc, cú pháp học theo cấu trúc của F.D Susure" nhằm phát hiện những nét mới đã giúp cho giáo viên vận dụng để giảng dạy cho người học hoặc nghiên cứu nhiều vấn đề về tiếng Khmer…

Bên cạnh đó, thầy còn là thành viên trong ban biên soạn sách giáo khoa song ngữ Việt - Khmer bậc tiểu học, biên soạn sách tiếng Khmer và Pali cho trường Trung cấp Pali Nam Bộ và hiện nay thầy cũng đang bắt tay thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa cho bậc THCS.

Theo ông Kim Sơn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, dù tiếp cận với nghề có phần hơi muộn nhưng những đóng góp của thầy Lâm Khưu trong việc giảng dạy, quản lý, biên soạn, nghiên cứu đã giúp cho các giáo viên dễ dàng tiếp cận và đem con chữ đến với con em học sinh bậc tiểu học và THCS một cách hiệu quả nhất là rất đáng biểu dương.

Được biết, mỗi ngày thầy làm việc 14 thậm chí 16 giờ để kịp hoàn thành các công việc được giao, cho thấy thầy Lâm Khưu là một người đầy trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Những lứa học trò ra trường, những quyển sách có bàn tay khối óc của thầy đã là những hạt giống tốt ươm mầm con chữ cho nhiều thế hệ các em học sinh con em đồng bào Khmer, tiếp cận nhanh chóng dễ dàng với những con chữ để trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Với những thành tích trên, năm nào thầy Lâm Khưu cũng được công nhận là Chiến sĩ thi đua, được tặng nhiều giấy khen và bằng khen. Xứng đáng là thế hệ giáo viên mẫu mực cho các em noi theo

Nam Thơ - T.Nguyên
.
.
.