Người giải thoát cho Hoàng thân Lào

Thứ Sáu, 13/04/2007, 09:45

Đêm 24/5/1960, tất cả các vọng gác nơi giam giữ Hoàng thân Xuphanuvong bị anh em đặc công do Nguyễn Ngôn làm tổ trưởng, cài người vào và vô hiệu hóa. Hoàng thân và các cán bộ cách mạng Lào bị bắt giam đã được cải trang thành những toán lính đi tuần và thoát ra ngoài.

Trải qua hàng trăm trận đánh, với hàng ngàn kỷ niệm về chiến trường, đồng đội... ông Nguyễn Ngôn (phường Hoa Lư, Pleiku, Gia Lai) thường kể lại cho con cháu nghe, xem đó như bài học để các con vào đời yêu hơn đất nước mình. Nhưng có một trận đánh, một kỷ niệm luôn chất chứa trào dâng trong lòng ông, song vì nhiều lý do ông luôn giữ kín.

Chỉ đến khi ông được con trai Hoàng thân Lào Xuphanuvong tặng chiếc áo dân tộc Lào, huân chương và một số vật lưu niệm để tỏ lòng tri ân, những người sống quanh ông mới biết ông chính là người đã giải thoát cho Hoàng thân Xuphanuvong gần 50 năm trước.

Chuyện tình cảm động

Sinh năm 1922, năm nay ông Nguyễn Ngôn vừa tròn tuổi 85. Trải qua nhiều thử thách, luyện rèn nên hình như gánh nặng tuổi tác không thể khuất phục được phong thái nhanh nhẹn của anh lính đặc công ngày nào.

Bên ly cà phê Tây Nguyên đặc quánh, ông kể lại câu chuyện của đời mình. Vừa tuổi 20, Nguyễn Ngôn viết giấy xin lên đường đánh giặc. Nguyễn Ngôn định gác lại mối tình kéo dài gần năm năm với cô gái Nguyễn Thị Tuyết làng bên. Nhưng chiều theo ý của mẹ cha, hai người tổ chức đám cưới. Chỉ bên nhau ngắn ngủi có vài ngày, Nguyễn Ngôn từ biệt vợ, gia đình lên đường. Vợ anh cũng tham gia Hội Phụ nữ xã hoạt động cách mạng.

Cuộc chia tay của họ kéo dài gần 20 năm mới gặp lại nhau. Năm 1964, trên đường từ Bắc vào miền Nam nhận công tác, Nguyễn Ngôn tạt qua quê hương thăm lại vợ mình.

Anh em trong đơn vị nhắn tin để cho hai người gặp nhau. Nhưng cả Nguyễn Ngôn và Nguyễn Thị Tuyết đều nhất quyết không gặp với lý do ai cũng từ chối đó không phải là vợ, chồng mình. Hoá ra do hoàn cảnh công tác, Nguyễn Ngôn đã đổi tên bí danh thành Tín, còn Nguyễn Thị Tuyết đổi thành Tiết...

Nhiệm vụ đặc biệt

Chiếc áo, huân chương, kỷ vật con trai Hoàng thân Xuphanuvong tặng ông Nguyễn Ngôn

Tháng 5/1958, cuộc tổng tuyển cử bổ sung tại Lào, Mặt trận Neo Lào HắkSạt đã thắng lợi hoàn toàn. Bọn phản động phái hữu đã tức tối lật đổ Chính phủ Phuma (do nhân dân Lào bầu ra) đưa Phủi Sanikon lên làm Thủ tướng.

Sang tháng 7/1959, Phủi Sanikon ra lệnh bắt hàng chục cán bộ cao cấp Lào, trong đó có cả Hoàng thân Xuphanuvong giam tại trại giam đặc biệt trên đồi Phôn Khiêng. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã yêu cầu bộ đội Việt Nam giúp đỡ giải thoát cho Hoàng thân và các cán bộ cách mạng Lào.

Đáp ứng yêu cầu của bạn, một nhóm đặc công do Nguyễn Ngôn làm Tổ trưởng lập tức lên đường. Sau khi nhận được lệnh phải tuyển chọn thêm 4 sỹ quan đặc công sang Lào giải thoát cho Hoàng thân Xuphanuvong, Nguyễn Ngôn đã chọn Nguyễn Văn Du, Kiều Sơn Đen, Nguyễn Lầu và Trần Văn Điển.

Thử thách đầu tiên là đội đặc công của Nguyễn Ngôn phải đột nhập được vào Bộ Tổng tham mưu và để lại được mật khẩu làm tin. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ nhận lệnh, Nguyễn Ngôn đã lọt vào cứ điểm hẹn trước.

Sau khi đã trải qua các thử thách, Nguyễn Ngôn và đồng đội vinh dự được gặp riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng thân mật dặn dò: Các đồng chí được Đảng cử đi làm nhiệm vụ quốc tế, giúp bạn cũng chính là giúp mình. Nhiệm vụ sẽ rất khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang, các đồng chí phải tuyệt đối giữ bí mật sống để dạ, chết mang theo.

Giải thoát Hoàng thân Xuphanuvong

Nhấp một ngụm trà, Nguyễn Ngôn bồi hồi nhớ lại: Nhóm đặc công chọn Nghệ An để vượt rừng qua nước bạn làm nhiệm vụ. Ròng rã gần 50 ngày băng rừng, vượt thác, Nguyễn Ngôn và đồng đội mới đến được căn cứ.

Chân ướt chân ráo đến nơi nhóm đặc công đã bắt tay vào việc vừa giúp bạn huấn luyện một tiểu đội đặc công để phối hợp thực hiện kế hoạch, vừa đột nhập tìm hiểu địa hình nơi giam giữ Hoàng thân và các chiến sĩ cách mạng Lào.

Nơi giam giữ Hoàng thân do một tiểu đoàn hiến binh và thiết giáp chốt giữ. Sau khi chuẩn bị công phu, Nguyễn Ngôn và Kiều Sơn Đen đột nhập gặp Hoàng thân. Song khi hai chiến sĩ bộ đội đặc công có ý giải thoát cho Hoàng thân thì ông lắc đầu. Ra khỏi trại giam, Nguyễn Ngôn nhận định có lẽ Hoàng thân nghi ngờ bọn phản động cho người đến thử ông.

Song lần thứ hai Nguyễn Ngôn đột nhập vào trao đổi việc giải thoát thì Hoàng thân gật đầu. Đêm 24/5/1960, tất cả các vọng gác nơi giam giữ Hoàng thân bị anh em đặc công cài người vào và vô hiệu hóa. Hoàng thân và các cán bộ cách mạng Lào bị bắt giam đã được cải trang thành những toán lính đi tuần và ra ngoài.

Ra khỏi trại giam, Hoàng thân Xuphanuvong được đồng chí Xiêng Xổm đưa theo đường bí mật về căn cứ. Còn các chiến sĩ đặc công do Nguyễn Ngôn chỉ huy tập kích địch hướng khác để đánh lạc hướng.

Gần 50 năm sau ngày giải thoát cho Hoàng thân Lào Xuphanuvong và các cán bộ cách mạng Lào, Nguyễn Ngôn và các đồng đội của mình trở về với cuộc sống đời thường. Nhân dịp mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi, con trai Hoàng thân Lào Xuphanuvong sang mừng thọ Đại tướng và nhất thiết mong được gặp chiến sĩ đặc công năm xưa đã giải cứu cho Hoàng thân.

Nguyễn Ngôn được mời ra Hà Nội, ôm chặt người chiến sĩ đặc công mà hàng chục năm trời Hoàng gia tìm giờ mới gặp, con trai Hoàng thân Xuphanuvong đã cảm động không nói được thành lời

Dương Sông Lam
.
.
.