Người giải cứu cây bao báp Huế

Thứ Sáu, 26/12/2008, 08:47
Ngoài những lăng tẩm cung điện, Huế còn nổi tiếng bởi loài cây bao báp trứ danh có nguồn gốc từ châu Phi. Song, ít ai biết rằng, có một người đàn ông đã dành trọn tâm huyết của mình để nghiên cứu, bảo vệ, nhân giống những cây bao báp hiếm hoi đầu tiên ở Việt Nam. Trong tay ông hiện còn lưu giữ bộ ảnh quý giá về cây bao báp sau những ngày Huế mới giải phóng… Ông là nhà thực vật học Thân Trọng Ninh, năm nay đã bước sang tuổi 85.

Nói đến bao báp - "anh chàng khổng lồ ngàn tuổi châu Phi", nhiều người thường liên tưởng đến con đường Mai Thúc Loan, Huế, nơi nhiều du khách và nhà thực vật học viếng thăm loài cây lạ này hằng năm.

Cây bao báp ở con đường này (nay là nhà hàng Bao Báp) đang ở tuổi trưởng thành (gần 60 tuổi) nên hoa và quả rất đẹp. Đây chính là cây mẹ giúp Trung tâm Công viên cây xanh Huế nhân giống hàng trăm cây bao báp về sau. Để duy trì sự có mặt của "chàng khổng lồ châu Phi" được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam là cả một câu chuyện dài mà nhà thực vật học Thân Trọng Ninh tiết lộ với chúng tôi.

Giải cứu

Ông Ninh kể: "Trong một chuyến công tác, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ "bật mí" với tôi về cây bao báp duy nhất ở Việt Nam đang có mặt trong Thành Nội Huế. Tìm hiểu, tôi mới hay cố Giáo sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính đã trồng cây này từ những năm 1950. Nó nằm trong khuôn viên Ty Lâm nghiệp của chính quyền cũ, sát ngã tư Anh Danh (đường Mai Thúc Loan, TP Huế ngày nay). Vừa nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, tôi đã tìm đến nơi mục sở thị.

Cây bao báp.

Thấy người lạ tò mò, Ty Lâm nghiệp cho biết sẽ chặt bỏ loài cây khổng lồ này vì nó chiếm nhiều diện tích. Tôi tìm Bùi San, một cán bộ cấp cao trong Ủy ban Quân quản thời bấy giờ giảng giải và thuyết phục anh bảo vệ loài cây quý ấy. Vài ba ngày, tôi đạp xe qua thăm cây và giảng giải cho những người xung quanh biết tác dụng, ý nghĩa của nó trong đời sống. Tôi cảm thấy gắn bó với nó đến lạ kỳ. Bằng mọi giá phải giữ lại nó, nếu không, tôi cảm thấy xấu hổ trước sự gửi gắm của anh Hộ".

Vậy là cây bao báp được cứu sống. Nhiều nhà thực vật học lớn như: Giáo sư Vũ Văn Chương, Thái Văn Trừng, Phan Kế Lộc… đến Huế đều nhờ ông Ninh dẫn đi thăm cây bao báp độc đáo. Năm 1976, ông Thân Trọng Ninh viết bài giới thiệu sự có mặt của bao báp, loài cây linh thiêng châu Phi, ở Huế trên Báo Khoa học và Đời sống và được nhiều người biết đến.

Năm 2003, ông nhận được lá thư của kỹ sư dầu khí Vũ Tất Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) nhờ giải cứu cho cây bao báp trước nhà. Cây con này khoảng 10 năm tuổi, được anh gieo trồng sau một chuyến công tác từ Angola. Nay, do yêu cầu giải phóng mặt bằng, cây bao báp con đứng trước nguy cơ bị "tử hình".

Không quản tuổi già sức yếu, ông Ninh ra Hà Nội, viết bài can thiệp trên báo và thuyết phục vị Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội bảo vệ loài cây hiếm này. Về sau, cây được chuyển về trồng tại vườn Bách Thảo Hà Nội và phát triển đến nay.

Nhân chứng sống

Hoạt động tìm tòi, nghiên cứu loài cây nhập ngoại này được nhà thực vật học Thân Trọng Ninh tiến hành suốt 30 năm qua. Năm 1978, ông Ninh thử lấy hạt từ cây bao báp ở đường Mai Thúc Loan mang về phân tích và ươm cấy thử nghiệm. Sau 40 ngày, hạt nảy mầm.

Ông kể: "Ngày đầu tiên thấy hạt nảy mầm, tôi hồi hộp như chứng kiến một phép mầu của thiên nhiên. Ban đầu cây xuất hiện lá đơn, về sau mới có lá kép. Điều này cho thấy, bao báp không khó trồng như mọi người tưởng tượng".

Hàng loạt cây con được ông Ninh gửi tặng cố Giáo sư Nguyễn Hữu Thước, Viện trưởng Viện Sinh vật học Hà Nội; cố kỹ sư nông nghiệp Ưng Định, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh… Rất nhiều chuyên gia thực vật học người Pháp, Thụy Điển được ông tặng mẫu hoa và quả làm kỷ niệm khi đến Huế.

Bao báp thuộc họ Gạo - Bombacaceae, có chiều cao từ 10-20m, sống lâu hàng nghìn năm tuổi. Thân cây mục ruỗng, là nơi trú ngụ cho các bộ lạc và muông thú. Quả bao báp dài khoảng 30cm, vỏ dày, thịt quả có vị chua, có thể chữa một số bệnh về đường tiêu hóa.

Người châu Phi thường tước vỏ cây tươi, se thành sợi, làm dây buộc đan rổ, chiếu, dây đàn và quần áo. Theo một số nhà khoa học, lá bao báp tươi dùng làm thuốc trị bệnh thận, hen, vết cắn côn trùng rất hiệu quả.

Năm 2002, một học trò cũ của ông Ninh ở phường Phước Vĩnh (TP Huế) báo cho ông Ninh biết, trên địa bàn này có cây bao báp cổ thụ hơn cây ở đường Mai Thúc Loan. Hai cây bao báp già này nằm trong khuôn viên nghĩa địa của giáo xứ Phủ Cam. Những người lớn tuổi quanh đó cho biết, cây này gần 100 tuổi, có lẽ được đức cha người Pháp là Allys (Cha Lý) trồng.

Ông Ninh lập luận: "Ở châu Phi, bao báp rất linh thiêng. Người bản xứ quan niệm đó là nơi trú ngụ của những linh hồn lang thang, phiêu bạt. Trong khi đó, nghĩa địa này từng là nơi chôn cất lính lê dương từ thời họ xâm chiếm Cố đô. Tôi cho rằng, cây bao báp lớn tuổi này có thể là do chính người châu Phi mang qua Việt Nam trồng theo quan niệm tín ngưỡng. Rất tiếc là sự việc xảy ra quá lâu nên hiện giờ không còn bất cứ một tư liệu hay nhân chứng nào để kiểm định".

Sau những thông tin về loài cây độc đáo ở đường Mai Thúc Loan, chính quyền phường Phước Vĩnh gìn giữ, bảo vệ hai cây bao báp này. Do yếu tố thời tiết, hiện chỉ còn một cây bao báp sống sót trong khuôn viên Trường Mẫu giáo Phước Vĩnh.

Gác lại một ước mơ

Từ những kinh nghiệm của ông Ninh, Trung tâm Công viên cây xanh Huế ươm giống hàng nghìn cây con. Bao báp con được gửi ra Lăng Bác, các tỉnh miền Bắc, miền Trung như một món quà "đặc sản" từ Cố đô.

Say mê với bao báp, nhà thực vật học Thân Trọng Ninh từng viết hàng chục bài nghiên cứu, đánh giá về loài cây này đăng trên các báo, tạp chí bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Hiện, ông là người nắm giữ trong tay nhiều tư liệu nghiên cứu, đặc biệt là những bức ảnh chụp cây bao báp được phát hiện đầu tiên ở Huế sau ngày giải phóng. Với tư cách là Chủ tịch Hội Thực vật học Thừa Thiên - Huế, một số nghiên cứu sinh người Pháp, Australia, Thụy Điển thường tìm đến ông để được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về thực vật học Việt Nam.

Bao báp hiện đã có mặt nhiều nơi trong TP Huế, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, để Huế có một con đường hay một rừng cây bao báp sẽ rất khó thực hiện, bởi nó cần một diện tích đất không nhỏ cho "chàng khổng lồ châu Phi" sinh trưởng. "Tôi không lấy làm buồn vì ước mơ chưa thành. Người ta đã có cái nhìn trân trọng đối với cây bao báp mà tôi từng cứu sống cách đây 30 năm. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi hạnh phúc", ông Ninh cười vui khi nói về đứa con tinh thần nghìn tuổi đang sinh sôi

Trần Vĩnh Linh
.
.
.