Người dùng vỏ dừa thay amiăng sản xuất tấm lợp

Thứ Sáu, 11/08/2017, 11:20
Trong 60 gương lao động giỏi của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân được tuyên dương tối 10-8, có Trung tá Lê Văn Tám, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí, thuộc Xí nghiệp liên hợp Z751, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.


Trong rất nhiều sáng kiến, đề tài “Nghiên cứu và thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng sợi Amiăng” của anh đã góp phần loại bỏ việc sử dụng sợi Amiăng và thay bằng các phế liệu như bìa cát tông, vỏ dừa để sản xuất tấm lợp thân thiện với môi trường…

Nhiệm vụ chính của Xí nghiệp Cơ khí nơi Trung tá Lê Văn Tám công tác là sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; đồng thời tận dụng năng lực hiện có để tổ chức sản xuất kinh tế phù hợp với khả năng kỹ thuật công nghệ của Xí nghiệp.

Trung tá Lê Văn Tám kể rằng vào thời điểm những năm trước, khi anh còn là Quản đốc phân xưởng Cơ khí 1, có giai đoạn Xí nghiệp Cơ khí gặp rất nhiều khó khăn; có nhiều nguyên nhân như nhà xưởng cũ, máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu lại thiếu đội ngũ công nhân lành nghề, vì thế một số mặt hàng truyền thống của Xí nghiệp Cơ khí không còn giữ được ưu thế trên thị trường như trước. Những khó khăn ấy đã buộc lãnh đạo Xí nghiệp Cơ khí và các phân xưởng phải bàn tính tìm hướng đi mới để người lao động có việc làm và thu nhập.

Trung tá Lê Văn Tám là người sở hữu nhiều sáng kiến khoa học.

“Tôi quan niệm rằng người đứng đầu mà không lo được công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên là một điều rất đáng phải suy nghĩ. Bản thân tôi xác định cho mình quyết tâm phải tìm mọi cách để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời tìm các hợp đồng kinh tế, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động” – Trung tá Lê Văn Tám chia sẻ.

Được lãnh đạo chỉ huy tạo điều kiện, Trung tá Lê Văn Tám đã chủ động tìm tòi, học hỏi những cái mới, những cách làm hay ở các đơn vị bạn để áp dụng vào thực tế của phân xưởng mình như tổ chức lại sản xuất của phân xưởng cho hợp lý; phân công cán bộ chủ động bám sát quá trình sản xuất nhằm giải quyết kịp thời các trở ngại về kỹ thuật. 

Để có sản phẩm đúng nhu cầu thị trường, anh chủ động sửa chữa thiết bị sẵn có để phục vụ sản xuất, mặt khác anh cũng mạnh dạn thuê thiết bị ở bên ngoài đưa vào đơn vị để sản xuất; tới các nhà máy, cơ sở sản xuất bên ngoài để tìm hiểu, ký các hợp đồng kinh tế cho đơn vị. 

Đặc biệt, anh khuyến khích đội ngũ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm phát triển sản phẩm cơ khí mới, sản phẩm phục vụ cho ngành ngành xây dựng, ngành thép, trong đó tiếp cận công ty Bestcon của Thái Lan để nghiên cứu thiết kế chế tạo các mô đun nhà lắp ghép và đã ký được hợp đồng có giá trị lớn; tư vấn thiết kế chế tạo thiết bị bốc hơi theo công nghệ mới cho Công ty cổ phần Đường Bình Định…

Ngoài việc đi khai thác các hợp đồng với các doanh nghiệp bên ngoài, bản thân anh mỗi năm cũng có 1- 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Năm 2014, anh có 2 đề tài nghiên cứu là “Chế thử bộ cần hất vỏ đạn cao xạ 37-2 bằng công nghệ dập nóng” và “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy xay giấy kiểu nằm ngang”. 

Năm 2014, anh đạt giải Ba cuộc thi “Sáng tạo trẻ” Tổng cục Kỹ thuật lần thứ 2 với đề tài “Nghiên cứu và thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng sợi Amiăng”. 

Năm 2015, anh có 3 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật: “Chế thử ni vô góc bắn cho pháo cao xạ và pháo mặt đất”, “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo lò ủ nhôm 1565 x 1450 x 2942” và “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị bốc hơi 1.200m2 dạng ống chùm”, công trình dự thi “Sáng tạo trẻ” Tổng cục Kỹ thuật lần thứ 3. Năm 2016, anh có 1 sáng kiến “Nghiên cứu chế thử bơm cao áp hãm lùi pháo 155 Mỹ”.

Trước đây, sản xuất tấm lợp truyền thống thường phải sử dụng sợi Amiăng. Sợi Amiăng rất độc hại. Đề tài “Nghiên cứu và thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng sợi Amiăng” của Trung tá Lê Văn Tám khi được ứng dụng vào sản xuất, thay vì việc sử dụng sợi Amiăng, Trung tá Lê Văn Tám đã sử dụng các phế liệu như bìa cát tông, vỏ dừa… vừa tận dụng được những nguyên liệu dư thừa mà sản phẩm lại có độ bền tốt hơn và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Vì vậy nghiên cứu này của Trung tá Lê Văn Tám đã đoạt giải Nhất của Giải thưởng sáng tạo trẻ về môi trường do Trung ương Đoàn tổ chức.

Một nghiên cứu khác của Trung tá Lê Văn Tám được ứng dụng thành công vào sản xuất đó là “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị bốc hơi 1.200m² dạng ống chùm”. Với công nghệ sản xuất cũ ở các nhà máy sản xuất đường, khi hơi bốc lên và thu về tuốc bin phát điện, lượng đường trong đó vẫn còn khá nhiều. Lượng đường ấy sẽ làm tuốc bin phát điện nhanh hỏng. Sản phẩm thiết bị bốc hơi dạng ống chùm của Trung tá Lê Văn Tám có bộ phận chóp thu hồi (hơi) cưỡng bức có ưu điểm loại bỏ được lượng đường có trong hơi, vì vậy hơi khi được thu về sẽ không có khả năng làm hỏng tuốc bin phát điện, giảm được rất nhiều tốn kém cho các nhà máy, xí nghiệp.

Từ những sáng kiến kỹ thuật áp dụng thành công vào sản xuất nên trong 3 năm liền (2014 đến 2016), phân xưởng Cơ khí 1 do Trung tá Lê Văn Tám đứng đầu đã hoàn thành 100% chỉ tiêu các mặt hàng quốc phòng, đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ đề ra; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hàng năm đều vượt kế hoạch từ 5% đến 10%. Tăng trưởng hàng năm từ 10% đến 15%; thu nhập bình quân đạt hơn 9 triệu đồng/người/ tháng, bảo đảm việc làm cho 98% quân số.

Với những nỗ lực và phấn đấu không ngừng, Trung tá Lê Văn Tám là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014, 2015, 2016; được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” 3 năm liền. Năm 2014 được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Năm 2015 đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quân và được nhiều bằng khen, giấy khen khác của Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật và Thủ trưởng Xí nghiệp liên hợp…

Lễ tuyên dương 60 đoàn viên Công đoàn Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tiêu biểu trong phòng trào thi đua “Lao động giỏi” giai đoạn 2012 – 2017 do Tổng cục Chính trị Công an nhân dân phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức diễn ra vào lúc 20h ngày 11-8 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, được truyền hình trực tiếp trên kênh ANTV và QPVN.
Cảnh Vũ
.
.
.