Người đưa thư cho các vong hồn liệt sĩ

Thứ Tư, 26/07/2006, 09:00

Trong vòng hơn chục năm qua, ông đã viết và gửi gần 2.000 bức thư cho những gia đình thân nhân liệt sĩ. Ông còn ghi chép được hơn 7.000 địa chỉ liệt sĩ ở khắp các nghĩa trang trên cả nước. Ông đã giúp cho hơn 1.000 gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ....

Cái lý do khiến ông Lê Quang Tuấn (tên thường gọi là Lê Văn Cam ở thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình) đã âm thầm thực hiện công việc: Tình nguyện viết thư gửi tới các gia đình liệt sĩ chính là bởi ông không bao giờ quên được trận chiến đấu ở nước bạn Lào vào năm 1967. Trong trận đó, ông vừa trực tiếp chiến đấu vừa được giao nhiệm vụ chôn cất các liệt sĩ.

Ông Cam nhớ lại: “Chính tay tôi đã cấp cứu anh Trần Văn Hội quê ở Nông Cống, Thanh Hóa. Anh Hội bị dính pháo của địch trong khi anh dũng xông lên mở đường cho đơn vị đánh chúng...”. Lúc hấp hối, người đồng đội của ông đã nhắn nhủ: “Sau này nếu mày còn sống trở về, nhớ báo tin và địa chỉ phần mộ cho gia đình tao nhé...”. Ông Cam đã gạt nước mắt, chôn cất thi hài người đồng đội bên bờ suối. Đứng trước phần mộ của bạn, ông đã tự nhủ với lòng mình: Sẽ quyết thực hiện bằng được ước nguyện cuối cùng của đồng đội...

Lời nhắn nhủ của đồng đội trước khi hy sinh

Sau khi đất nước thống nhất, ông Cam được xuất ngũ trở về quê hương. Người dân ở thôn Đông Hạ không thể tin vào mắt mình là vẫn còn một ông Cam bằng xương bằng thịt sống sót trở về với gia đình. Họ hàng thân thích đến thăm hỏi, có nhiều người không tin còn tìm đến để được tận tay sờ vào con người bằng da bằng thịt kia mới tin... Ông Cam tâm sự: “Bản thân tôi cũng đã từng tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường ác liệt, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, tôi nghĩ một phần do may mắn, một phần có lẽ do tôi được chính những đồng đội đã hy sinh phù hộ che chở mà bom đạn của Mỹ không động đến...”.

Được sống hạnh phúc cùng gia đình trong hòa bình độc lập, nhưng những lời dặn dò của đồng đội trước lúc hy sinh lúc nào cũng văng vẳng bên tai của ông. Và với lòng biết ơn đối với các liệt sĩ, ông quyết tâm thực hiện lời hứa của mình...

 Đầu năm 1995, ông bắt đầu những cuộc hành trình vào chiến trường xưa, đến các nghĩa trang để tìm lại phần mộ của những người đồng đội. Trong suốt những năm sau đó, ông vẫn tiếp tục cần mẫn đi đến khắp các tỉnh thành, tìm đến các nghĩa trang để ghi chép địa chỉ của các liệt sĩ. Mỗi chuyến đi của ông thường kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Hành trang của ông chỉ có chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ với chiếc túi vải đựng các thứ giấy tờ, sổ sách, cơm nắm, muối vừng...

Thấy công việc của ông vất vả, lại hay phải xa nhà biền biệt, người vợ già và những người con có ý khuyên ông ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng ông đã giải thích về ý nghĩa thiêng liêng, cao cả của công việc đang thực hiện: “Trong thâm tâm tôi lúc nào cũng xem đây là công việc tình nghĩa, nó gắn với tôi như trách nhiệm, sự tự nguyện của một người lính trong thời bình! Quãng đời còn lại, tôi sẽ tự nguyện làm người đưa thư, làm cầu nối để có thể đưa các liệt sĩ về với người thân, gia đình họ...”.

Những chuyến đi biền biệt

Ông Cam nhớ nhất là chuyến đi Nghệ An vào đầu năm 1995. Khi ông nghe được thông tin trên tờ báo Tiền Phong có đăng bài viết về nghĩa trang Việt - Lào. Như có một sức mạnh vô hình thúc giục ông, và không kịp bàn với ai, ông quyết định vào nơi chiến trường xưa với hy vọng tìm được phần mộ của các đồng đội mình.

Ông Cam bắt xe khách vào đến thành phố Vinh. Sau đó ông đạp xe đi gần 70km nữa thì đến huyện Anh Sơn. Phải hỏi thăm vòng vèo mãi mới tìm được đến nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Khoảng 16 giờ, trước cổng nghĩa trang không một bóng người, chỉ có hai cánh cổng khép hờ. Ông lặng lẽ vào phía bên trong. Những dãy dài bia mộ nằm lặng ngắt, những dòng chữ tròn trịa, lạnh lẽo trên các bia mộ và có cả những tấm bia trắng với dòng chữ ghi: Liệt sĩ vô danh. Đứng lặng im một lúc, lau dòng nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo, ông bắt đầu công việc ghi chép lại địa chỉ của các liệt sĩ...

Nhưng khi mới ghi được khoảng 50 phần mộ thì người quản trang ở đó phát hiện ra người lạ. Ông ta đến đòi kiểm tra giấy tờ. Nhưng trong người ông lúc này chỉ có mỗi giấy chứng minh, ngoài ra không có một thứ giấy tờ nào khác... Vậy là người quản trang kia nhất quyết không cho ông tiếp tục ghi chép nữa...--PageBreak--

Đến sáng hôm sau, ông ngẫm nghĩ: “Chả nhẽ chuyến đi này lại về không...”. Ông quyết định thử đến thuyết phục người quản trang một lần nữa xem sao. Nhưng kết quả của năm lần bảy lượt trình bày họ vẫn không cho ông vào trong nghĩa trang nữa dù chỉ để ghi chép địa chỉ quê quán của các liệt sĩ... Không nản chí, ông tránh đi một lúc, chờ cho đến lúc người quản trang ở đó đi có việc ông lại lẻn vào tận bên trong và ghi thật nhanh. Và lần đó ông Cam đã ghi được khá nhiều địa chỉ quê quán các liệt sĩ...

Một kỷ niệm nữa mà ông Cam vẫn còn nhớ mãi, đó là lần ông viết thư báo địa chỉ, của một liệt sĩ quê ở Bắc Thái (cũ). Ông Cam nhớ lại: “Trên bia mộ có ghi địa chỉ quê quán của liệt sĩ đó ở: Đông Viên, Chợ Đông, Bắc Thái (cũ). Sau khi về nhà tôi cũng ghi lại địa chỉ như vậy trong thư và gửi đi. Một thời gian sau tôi nhận được thư hồi đáp lại rằng không có địa chỉ là Chợ Đông. Tôi đã phải lặn lội tìm lại nghĩa trang đó để xác thực lại địa chỉ xem có nhầm lẫn không. Nhưng trên bia mộ đó rõ ràng là ghi địa chỉ rành rành như thế...

Đúng một năm sau trong một lần tình cờ ông đọc được một tin trên tờ báo có ghi địa chỉ của một người quê ở Đông Viên, Chợ Đồn, Bắc Thái. Tôi nghĩ ngay ra sự nhầm lẫn về địa chỉ quê quán của liệt sĩ kia. Tôi liền viết ngay một bức thư khác ghi đúng địa chỉ Đông Viên, Chợ Đồn, Bắc Thái và gửi đi. Được một thời gian sau thì tôi nhận được thư cảm ơn nhờ bức thư thông báo của tôi gửi mà gia đình họ đã tìm lại phần mộ liệt sĩ đó...”.

Ước mơ giản dị

Ông bà Cam sinh được 4 người con và cả 4 người con của ông đều đã trưởng thành và đã lập gia thất. Bây giờ chỉ còn có hai vợ chồng ông ở trong căn nhà cấp 4. Thu nhập chính của hai ông bà chỉ trông vào 2 sào ruộng khoán và một khu vườn nho nhỏ trồng vài thứ cây ăn trái. Ông bảo: “Tôi cũng chả có đồng lương nào cả, nhưng được cái các con đã trưởng thành không phải lo giúp chúng nữa. Ơn giời cho sức khỏe để: chồng cày vợ cấy, đủ ăn là hạnh phúc lắm rồi...”.

Và để có được nhiều địa chỉ các liệt sĩ ở những nơi  xa không thể đi được ông còn viết thư kết bạn với nhiều người trên khắp cả nước, nhờ họ ghi lại những thông tin, địa chỉ các liệt sĩ gửi ra cho ông... Và sau khoảng 5 năm kết bạn, ông Cam đã có gần 50 người bạn ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước sẵn sàng giúp đỡ ông. Cũng chính vì những cánh thư kết bạn cứ tới tấp đến với ông mà đã có thời gian dài, ông từng bị dân làng hiểu lầm. Người ta cứ xì xèo bảo ông là: “Già rồi mà vẫn còn chơi trống bỏi”. Ngay cả khi người ta đã biết sự thật mười mươi là ông đi làm cái việc nhân ái, tích thiện nhưng vẫn có người bảo: “Ông già dở hơi, rỗi việc...”.

Tất cả những công việc ông Cam làm hoàn toàn xuất phát từ sự chân thành, tự nguyện của người lính. Ông không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào của chính quyền địa phương, hay cá nhân nào. Tấm lòng của ông đã khiến mọi người đều cảm phục. Gần cái tuổi thất thập nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, ông làm công việc đầy nghĩa cử ấy bằng cả tấm lòng nhân ái.

Tính đến nay, ông đã đi đến hơn 30 nghĩa trang các tỉnh, thành như Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và cả đảo Phú Quốc. Ông ghi lại được gần 20.000 địa chỉ gia đình liệt sĩ. Ông đã viết gần 1.500 bức thư để gửi cho thân nhân các liệt sĩ, báo tin cho họ phần mộ của người thân, con cái của họ hiện đang yên nghỉ.

Điều quý nhất ở ông  là không nhận bất cứ thứ quà cáp hay là tiền nong gì của mọi người. Cứ mỗi khi các gia đình liệt sĩ tìm lại được phần mộ của người thân, có ý muốn trả ơn thì ông bảo: “Tôi làm công việc này tất cả là sự tự nguyện, là tấm lòng của tôi đối với những người đã khuất. Càng làm lại càng thấy say mê, cảm thấy mình sống có ích hơn với xã hội...!”.

Và ông chỉ bày tỏ nỗi niềm ước mong thật giản dị của mình. Tôi mong muốn có được thật nhiều tem thư. Bởi có nhiều tem thư thì tôi có thể gửi được nhiều địa chỉ đến cho nhiều gia đình liệt sĩ hơn. Nếu như những ai hảo tâm thì chỉ cần gửi cho tôi những con tem thư, như thế là mọi người đã tiếp sức cho tôi làm tốt công việc này rồi...”

Bùi Văn Khương
.
.
.