Người đi tầm quái thú

Thứ Năm, 16/02/2006, 06:56

Anh là người duy nhất đang sở hữu một bộ sưu tập "quái thú" độc nhất vô nhị tại Việt Nam và có lẽ của cả thế giới, từ heo 2 miệng, heo 8 chân, bò 6 chân, nghé 3 sừng, đến chó 3 chân, rắn 2 đầu, gà 4 chân.

Ngay sau khi đọc bài viết “Sự thật về vụ heo đẻ ra... voi, tê giác, chuột túi và "Trư Bát Giới" ở Lâm Đồng” trên ANTG ra ngày 9/3/2002, anh Vũ Hải Nam (ngụ tại phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã tìm đến xã Đinh Lạc để xem đàn heo lạ. Xem xong, anh chợt nảy ra ý sưu tập những quái thú và ngay lập tức anh hỏi chủ nhà để mua lại đàn quái thú này, mặc dù anh đã mặc cả đổi bằng chiếc xe hơi, nhưng anh bị mắng một trận tơi bời vì chủ nhà đang mang đàn quái thú này ra “triển lãm” để thu tiền với hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về “thực mục sở thị” đàn heo lạ.

Thấy hai vợ chồng anh An đem đàn heo “tứ quái” ngâm rượu, anh biết sớm muộn gì đàn heo ấy cũng hư, thối nếu cứ bảo quản như thế. Anh liền tự giới thiệu mình là một nhà sưu tập những vật lạ, anh biết cách bảo quản tốt những động vật đã chết. Không biết anh thuyết phục như thế nào mà ngay ngày hôm sau, vợ chồng anh An đã điện thoại cho anh đồng ý đổi đàn heo tứ quái lấy chiếc xe hơi.

Có được đàn heo, anh mới đi mua sách, điện hỏi những người quen biết và cả những nhà khoa học, đến cả các bệnh viện để hỏi người ta cách bảo quản những sinh vật chết.

Bộ sưu tập quái thú

Rồi cũng trong một bài báo đăng trên ANTG, anh biết được ở Mỹ người ta cũng từng có những cuộc triển lãm tư nhân về những sinh vật lạ. Và, một bộ sưu tập sinh vật lạ, quái thú hình thành trong đầu người nông dân... Từ đó trở đi, khi nghe được bất cứ nơi đâu có những con vật lạ là anh tìm đến và gạ mua cho bằng được. Sau khi có trong tay đàn heo “tứ quái”, anh Nam đã cất công ra tận Nghệ An để sở hữu được con nghé... 2 đầu, rồi ra tận Phú Quốc chỉ để “săn” con chó... 3 chân.

Bò 6 chân

và nghé 2 đầu.

Bộ sưu tập của anh Nam hiện nay đã lên đến gần 100, thêm một chú heo độc nhãn có vòi voi mua tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương; heo 8 chân, 2 đuôi mua tại Đồng Nai; bò 6 chân ở Bình Thuận; bò 2 đầu tại An Giang; gà 4 chân ở Bảo Lộc... Người ta đã không thể biết tại sao anh lại có thể tìm ra những con vật lạ đến như vậy, tìm được đã khó, mua được còn khó hơn gấp vạn lần. Thường thì gia chủ của những con vật lạ chẳng đời nào chịu bán đi những con vật không “linh thiêng” thì cũng “kỳ lạ” ấy. Mà giá của những con vật lạ ấy cũng... lạ không kém, con gà 4 chân, một tháng tuổi anh đã phải mua với giá gần 300 nghìn đồng, còn con nghé 2 đầu, dù đã chết người ta vẫn hét anh cái giá gần 30 triệu... Anh Nam sợ nếu cứ ngồi cò kè sẽ bị người ta mua mất thế là dù biết là quá đắt anh vẫn phải bấm bụng mà mua.

Có lần anh ngồi hàng ngày hay điện thoại hàng tháng trời để năn nỉ người ta nhượng lại cho mình với bất cứ giá nào. Cũng có lần, anh tìm đến người ta lại tặng không cho anh. Anh Nam nhớ mãi người nông dân Khmer Dương Sà Rên ở Sóc Trăng, khi nghe tin anh Rên bắt được con rắn 2 đầu lạ lắm, anh Nam đã bỏ cả vườn cà phê đang hái dở tức tốc từ Bảo Lộc chạy xuống Sóc Trăng. Hai người ngồi nói chuyện cả buổi trời, cuối cùng anh Rên đã tặng không cho nhà sưu tập vật lạ con rắn 2 đầu mà không lấy đồng nào.

Có những chuyến đi anh phải trở về tay không vì chỉ là những tin đồn thất thiệt. Như lần nghe nói ở Cần Thơ xuất hiện một con rết nặng hàng... chục ký, anh Nam đã bỏ mấy ngày trời để nghe ngóng tin tức về con rết nọ, nhưng cuối cùng phát hiện ra đấy chỉ là tin đồn của mấy tay xe ôm và cánh lơ xe nhiều chuyện.

Bộ sưu tập có được, anh Nam đã tốn thêm không ít tiền để “nuôi” chúng, từ nuôi bằng phoócmôn cho những con thú đã chết, đến cỏ, cám, gạo cho những con thú đang còn sống. Và để nuôi chúng mà không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình (thực tế là đã ảnh hưởng nặng nề), anh Nam đã nghĩ ra cách dùng chính bộ sưu tập quái thú để nuôi những quái thú ấy. Anh đã mở một phòng trưng bày lưu động, một là cho người dân khắp nơi được chiêm ngưỡng những kỳ lạ của tạo hóa, cũng là để kiếm đồng ra đồng vào để "nuôi" những con vật và cả những chuyến đi.

Con cá hóa thạch “bơi” về đâu

Hẳn bạn đọc còn nhớ, vào năm 2002, một công nhân tại khu khai thác đá thuộc tỉnh Bình Dương trong lúc đang khai thác đã tìm ra một con cá hóa thạch, sau các nghiên cứu cụ thể, các nhà khoa học đã khẳng định rằng, con cá hóa thạch này có từ kỷ Zura, từ hàng triệu năm về trước. Khi ấy, những cuộc tranh luận đã “nổ” ra xoay quanh chuyện ai sẽ là chủ sở hữu con cá hóa thạch đó, lẽ dĩ nhiên, về mặt pháp lý thì anh công nhân nọ sẽ được quyền sở hữu. Ít ngày sau, anh công nhân này chưa hết vui vì vớ được “vàng” thì bị công ty đuổi việc... không lý do.

Con cá được người ta ra giá hàng trăm triệu đồng nhưng chẳng ai dám mua, còn các viện bảo tàng thì sẽ chỉ mua với giá vài triệu vì coi đây là “tài sản quốc gia”. Giá được đưa ra, tư nhân thì chẳng dám chơi vì sợ hố, bảo tàng thì không dám mua giá cao. Thế là anh công nhân vừa mất việc, vừa lúc nào cũng phải lo ngay ngáy chuyện bảo vệ con cá hóa thạch nọ.--PageBreak--

Đến khi chủ nhân của con cá hóa thạch bần cùng, lực kiệt thì đột nhiên anh Hải Nam xuất hiện tại căn nhà dột nát của người công nhân nọ và đưa ra cái giá “phải chăng”. Cuộc thương lượng diễn ra nhanh chóng, người mua muốn mua và người bán mong bán, giá cả hợp lý. Anh Hải Nam trở thành chủ nhân của con cá hóa thạch một thời từng làm xôn xao dư luận với cái giá cho đến bây giờ vẫn không được tiết lộ, nhưng ai cũng chắc mẩm rằng anh Nam đã phải chi đến con số chục triệu. Bây giờ, con cá hóa thạch ấy đang nằm yên trong bộ sưu tập đá của anh Nam tại Khu du lịch Suối Tiên cho đông đảo người dân chiêm ngưỡng.

Nghệ nhân và người nông dân

Trước khi được biết đến với tư cách ông chủ của bộ sưu tập quái thú, người ta đã biết đến anh nông dân Hải Nam, ông chủ của 3 hécta cà phê ở phường Lộc Phát như là một nghệ nhân của nghề chế tạo, sưu tầm những gốc và rễ cây.

Quê gốc Nam Định, sinh ra tại Lâm Đồng, hơn 10 tuổi, cậu bé Hải Nam đã cùng người thân vào rừng khai thác lâm sản. Đây cũng là cái duyên đầu tiên của nhà sưu tập vật lạ. Hồi nhỏ, nhà nghèo đến nỗi không có nổi một bộ bàn ghế tiếp khách, Hải Nam đã tận dụng những gốc cây cổ thụ, tự tay mình cưa, đẽo, đục để biến chúng thành bộ bàn ghế. Anh đã tạo ra được bộ bàn ghế hết sức đẹp, độc đáo và không kém phần... ngộ nghĩnh. Trong những chuyến đi rừng, Nam đã cần mẫn nhặt nhạnh và đem về những gốc cây đã bị cưa cụt ngủn, trơ trụi.

Gà 4 chân và chó 3 chân trong sân nhà anh Nam.

Từ những gốc cây ấy, Nam đã biến nó thành những “tuyệt tác”; tác phẩm “hạnh phúc” với hình một đôi chim công đang bảo vệ ổ trứng, chú rắn mối trong tác phẩm “săn mồi”, “nỗi nhớ” mang dáng dấp của một mặt người thời cổ đại... những gốc cây vô tri ấy được người nông dân này biến thành những hình ảnh biết nói và giàu cảm xúc.

Khi đến gặp chủ nhân của những quái thú tại ngôi nhà cũng là phòng trưng bày tại phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, tôi rất ngỡ ngàng, ngay trước nhà anh có con rùa đá, một tảng đá nguyên thủy - hình ảnh một con rùa dù nhìn từ góc độ nào, thật tự nhiên và to lớn. Con rùa này đã được Trung tâm kỷ lục Việt Nam Vietbooks công nhận là “Con rùa đá lớn nhất Tây Nguyên”. Con rùa có chân (hẳn nhiên) cao hơn 1m, đường kính 2,5m và nặng khoảng 3 tấn, cái đầu quay về một hướng rất sống động.

Năm 1996, tình cờ anh nghe được chuyện về một tập tục kỳ lạ của người dân tộc nọ trong tận rừng sâu thờ rùa đá và sùng bái con rùa này đến mê muội. Ngày hôm sau anh đã có mặt nơi thờ cúng con rùa tại một khu rừng sâu hun hút, anh Nam đã ngỡ ngàng trước “bàn tay” của tạo hóa, một con rùa đủ 4 chân, mai, đuôi, đầu. Sau khi dốc hết hầu bao mở tiệc đãi dân làng, anh đã thuê hàng chục thợ rừng mới có thể đưa ông “thần Kim Quy” về nhà.

Trong cả nước, nếu có thể gọi là “nghề” thì chỉ có anh nông dân Hải Nam là chọn “nghề” này; sưu tầm và triển lãm sinh vật lạ. Anh có một suy nghĩ thật đơn giản: “Nếu cái gì mình thích và đam mê thì người ta cũng sẽ thích”. Hiện nay, anh đã trở thành chủ nhân của 3 phòng trưng bày có tiếng: một tại Khu du lịch Đồi Mộng Mơ, TP. Đà Lạt; một tại Khu du lịch Suối Tiên, TP.HCM và một đặt tại Viện Hải Dương Học, TP. Nha Trang.

Trong bộ sưu tập những vật lạ của anh có đủ cả “kỳ đá, dị cây”, từ bàn tay tài hoa của mình, như một nhà điêu khắc, anh đã biến những bộ rễ cây thành bộ ba ông “Phúc, Lộc, Thọ”, bộ tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”, 12 con giáp từ hình con trâu gục đầu buồn bã đến con chuột xảo trá. Và anh đã tốn không ít thời gian để đi tìm những tảng đá có hình thù, ngoài con rùa đá anh còn sở hữu một con kỳ lân đá, một cặp sừng trâu hóa thạch dài gần 1,5m, một bàn chân bằng đá có đủ 5 ngón mà anh đặt cho nó cái tên ngộ nghĩnh: “Dấu vết”, hay một khuôn mặt đá gớm ghiếc và anh cho nó mang tên: “Thảm họa”

Thuận Thiên
.
.
.