Người đàn bà mù, anh xe ôm, người đàn bà bán thịt và… hạnh phúc

Chủ Nhật, 27/02/2005, 07:21
Bao nhiêu ngày nay, anh cứ ngẫm ngợi phải làm được điều gì đó giúp chị, nhưng kinh tế thì không có, chỉ đành âm thầm làm người lái xe ôm giúp chị tiết kiệm chút ít. Giờ đây, trông hoàn cảnh chị, anh biết mình phải giúp chị bằng cách nào. Anh nắm đôi bàn tay run rẩy, kéo chị vào lòng...

Theo con đường nhỏ heo hút chạy qua nghĩa trang Quỳnh (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) ra bờ sông Dế, tôi tới ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Lý, bé tin hin, chìm khuất dưới bốn bề lau lách xào xạc. Nghe tiếng bước chân người lạ, chị lò dò ra cửa đứng chào.

Khi tôi hỏi chị sống thế nào, chị ngồi trân trân, dán đôi mắt vô hồn vào bức vách loang lổ, rồi bất chợt nấc lên, nước mắt lăn tràn trên gò má của người con gái một đời sương gió. Gặng hỏi mãi mới biết mẹ con chị sắp mất nhà. Người em mà chị nuôi dưỡng, săn sóc từ nhỏ đang có ý định đẩy mẹ con người đàn bà mù đáng thương, tội nghiệp ra khỏi căn nhà bên bờ sông hoang vắng, sau nghĩa trang buồn tẻ để chiếm đất.

 

Chị từng là con gái làng chài, nổi tiếng xinh đẹp. Cả ngày lặn ngụp ngoài sông mà mái tóc cứ đen nhánh như gỗ mun. Năm 1978, mẹ mất, bố bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ cả dòng sông đi với người đàn bà khác, để mặc 4 chị em trong căn lều rách nát, dựng tạm ngoài mom sông. Chị em đùm bọc, thương yêu nhau và lớn lên bằng nước mắt tủi hờn. 18 tuổi, chị vào bộ đội, rồi ngang dọc xứ Thanh - Nghệ.

 

Cô bộ đội Nguyễn Thị Lý cao 1,75m, chân dài, lưng ong, là vận động viên bóng chuyền của Quân khu 3 hồi ấy hút hồn không biết bao nhiêu chàng trai. Giải ngũ, chị về công tác ở Xí nghiệp Đóng tàu 2-9. Năm 1985, khi chị chuẩn bị lên xe hoa thì nỗi đau lớn bất chợt ập đến.

 

Một lần, chị đầu trần đi dưới mưa nên bị cảm, cơn sốt khốc liệt khiến chị nằm mê man suốt mấy ngày. Lúc tỉnh dậy, chị thấy trời đất quay cuồng, nhìn vật gì cũng mờ mờ, ảo ảo, đu đưa, ẩn hiện trước mắt. Bác sĩ kết luận chị bị thiên đầu thống. Hai con ngươi trong đôi mắt thiếu nữ đen lay láy cứ co dần theo năm tháng, cho đến một ngày, đêm đen vây chặt cuộc đời chị. Bao đêm, trong căn nhà trống hoác bên bờ sông lộng gió, chị nghĩ miên man về cuộc đời và số phận.

 

Chị lò dò ra bờ sông trẫm mình, để mặc phận gái mười hai bến nước trôi đi như cánh lục bình giữa dòng nước bạc. Anh ào xuống kịp vớt chị. Chị nhất định không cưới và tìm mọi cách xa lánh anh. Chị một mình gặm nhấm nỗi đau câm lặng trong màu đen tan nát. Rồi anh lấy vợ, sinh con và bao nhiêu năm nay cũng không gặp chị nữa.

 

Chị bảo, nhiều lần ra bờ sông, nhưng mỗi lần định quyên sinh, chị lại mường tượng ra đôi mắt buồn rầu của mẹ đang ngồi trên nấm mồ dưới triền đê. Đôi mắt ấy rầu rĩ níu chị lại. Ông trời cướp đi của chị đôi mắt quý giá, nhưng đổi lại cho chị một bàn tay nhạy cảm. Chị rờ rẫm đào xới đất bãi trồng rau. Chị lần xuống bờ sông mò trai, mò hến. Một mình chị lóp ngóp sống giữa bốn bề lau lách, hoang lạnh.

Ngày ấy, một người thành phố sau khi viếng mộ đã vào thăm chị. Thấy chị đáng thương nên dẫn đến Hội Người mù quận Hồng Bàng. Những người trong Hội dang tay nâng đỡ chị. Trong buổi ra mắt hội viên mới, cô bé mù bẩm sinh nắm tay chị hỏi: “Cô ơi, biển có đẹp không? Hôm qua bố đưa cháu ra Đồ Sơn, cháu đứng trước biển lâu lắm, cháu tưởng tượng mãi mà không biết sóng thế nào. Giá như một lần được nhìn thấy sóng...”.

 

Câu hỏi của cháu bé làm chị bật khóc, nó lay thức chút hạnh phúc tưởng đã rời xa trong chị. Thế là hằng ngày chị đến Hội giảng cho cô bé hiểu về sóng, về biển, về thuyền. So với cô bé, chị thấy mình còn may mắn hơn, và từ đây chị đã ham sống. Ngày nào chị cũng tham gia sinh hoạt Hội, học chữ nổi, làm chổi đót, làm tăm và kể cho các cháu bé mù bẩm sinh nghe những câu chuyện cổ tích mà ngày xưa chị đọc được. Làm được một việc tốt cho các hội viên, chị lại có thêm nghị lực và niềm vui để sống. Chị sống chan hòa, dễ gần nên được mọi người tin yêu bầu làm Phó chủ tịch Hội Người mù quận Hồng Bàng.

Anh thương binh lái xe ôm tốt bụng

Một lần, chị Lý lò dò đi dưới mưa, vừa ra khỏi nghĩa trang thì nghe thấy tiếng xe máy vè vè phía trước. Chưa kịp định thần thì chiếc xe đã đâm vào chị, hất chị chúi đầu xuống vệ đường. Chị lồm cồm bò dậy, tay huơ huơ lần tìm chiếc dép. Người đàn ông vừa xuýt xoa kêu đau, vừa rủa chị có mắt như mù. Chị bảo: “Thì tôi bị mù mà”. Người đàn ông nghe chị nói thế chợt thấy xấu hổ, lại đỡ chị dậy, lấy dầu gió thoa lên vết thương sưng tấy ở đầu gối của chị.

 

Thấy chị mù lòa, đáng thương, anh tình nguyện chở chị đến Hội Người mù để thay lời xin lỗi. Trên con đường hơn chục cây số, anh hỏi han, tâm tình và câu chuyện buồn về cuộc đời người đàn bà tật nguyền tội nghiệp sống khuất nẻo sau khu nghĩa trang cứ ám ảnh anh ngày này qua đêm khác.

Anh là Lê Trường Cuối, ở khu Quỳnh Cư, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Anh Cuối từng là lính trinh sát. Thời kháng chiến chống Mỹ, anh lặn lội khắp chiến trường Tây Ninh, Campuchia. Gian khổ, khó khăn anh đều đã nếm trải, đến cả máu xương cũng đã đổ ngoài chiến trường. Giải ngũ, anh mất 65% sức khỏe, là thương binh hạng 2/4. Hằng ngày, anh chạy xe ôm giúp vợ nuôi hai con, một trai, một gái ăn học.

 

Thấy chị Lý mù, lại cô đơn mà thương xót, lại thêm nghĩ đến tình đồng đội, đồng chí nên anh có ý giúp chị nhiều hơn. Vậy là, ngày nào cũng thế, trước khi vào thành phố hành nghề xe ôm, anh lại đứng chờ ở đầu nghĩa trang để chở chị đến Hội. Dù chị phải đi họp xa, đi báo cáo chỗ này, chỗ nọ anh cũng bỏ việc, chở chị không công trên chiếc xe Angel cũ nát.

 

Buổi chiều hôm đó, anh vào nhà thăm chị, tường tận cảnh một mình chị mù lòa trong căn nhà trống hoác, lẻ loi sau nghĩa trang, anh như muốn rụng rời tay chân. Anh hỏi: “Sau này ra sao? Thân mù lòa bấu víu vào đâu được?”. Nghe anh nói thế, chị vùi đầu vào gối òa khóc. Là người đàn ông, đã trải trường đời nên anh hiểu lòng người đàn bà.

 

Bao nhiêu ngày nay, anh cứ ngẫm ngợi phải làm được điều gì đó giúp chị, nhưng kinh tế thì không có, chỉ đành âm thầm làm người lái xe ôm giúp chị tiết kiệm chút ít. Giờ đây, trông hoàn cảnh chị, anh biết mình phải giúp chị bằng cách nào. Anh nắm đôi bàn tay run rẩy, kéo chị vào lòng.

Thế rồi chị mang thai. 9 tháng mang nặng đẻ đau, 9 tháng anh Cuối tất bật đi về. Cơn vượt cạn của người đàn bà mù lại đứng tuổi quá khốc liệt, mấy lần tưởng chết đi sống lại. Chị bị rách dạ con, các bác sĩ phải cắt toàn bộ dạ con mới cứu được tính mạng. Chị phải nằm viện suốt 3 tháng trời mới tạm hồi phục. Thằng bé được chị em ở Hội Người mù quận Hồng Bàng mang về nuôi hộ.

 

Nó phổng phao rất mau dưới bàn tay chăm bẵm của những người đàn bà tật nguyền như mẹ nó. Một đêm, mẹ con chị Lý đang chuẩn bị đi ngủ, anh Cuối lọ mọ ghé miệng vào khe cửa thì thầm: “Mẹ nó ơi, đặt tên con là Nguyễn Trung Hiếu nhé! Tôi muốn nó có cái Trung của một người đàn ông và có cái Hiếu của một đứa con đối với cha mẹ”. Mấy ngày sau, chị lên phường khai sinh cho con là Nguyễn Trung Hiếu. 

Thấm thoát đã 5 năm trôi qua, giờ đây, thằng Hiếu đã phổng phao lắm rồi, nó đang là học sinh mẫu giáo. Trên bức tường loang lổ, nứt nẻ, vữa vôi mục mủn và cả trong chiếc tủ cũ nát ọp ẹp kia dán đầy phiếu bé ngoan và những bức tranh nguệch ngoạc mà thằng Hiếu vẽ khuôn mặt của mẹ nó. Chị không nhìn thấy gì nên không biết có đẹp hay không, nhưng nó vẽ được bức nào là chị dán lên tường bức đó.

 

Thằng Hiếu hiền lành, ngoan ngoãn lại biết thương mẹ. Hiếu thỏ thẻ với tôi: “Mai cháu mua xe taxi chở mẹ đi chơi cho mẹ cháu đỡ buồn, đỡ khóc”. Tôi hỏi: “Thế cháu lấy tiền ở đâu?”. Hiếu thì thầm vào tai tôi: “Cháu vay bố Cuối”.

Người đàn bà bán thịt và quan niệm về hạnh phúc

Cái tin “Chị Lý mù ngoài nghĩa trang sinh con trai giống anh Cuối như đúc” lan tỏa khắp phường Hùng Vương. Xóm giềng cứ rỉ rả bàn tán không ngớt khiến chị Mai Thị Cập, vợ anh Cuối, làm nghề bán thịt lợn trong lòng như có lửa đốt. Mặc dù xưa nay chị vẫn tin chồng tuyệt đối, song cũng không thể yên ổn trước lời đồn nên chị quyết tâm tìm hiểu một lần cho ra nhẽ.--PageBreak--

Trong vai người đi viếng mộ, chị Cập tìm vào nhà chị Lý. Chị lặng lẽ ngắm người đàn bà mù rờ rẫm chăm con. Ngôi nhà trống hốc trống hoác, gió ngoài sông lùa vào ù ù. Đứa bé mới sinh, bé bằng cái hoa chuối mà khuôn mặt cứ tím tái đi vì lạnh. Thấy đống tã lót hôi hám, cáu bẩn vứt bừa bãi ngoài cửa, lòng chị bủn rủn không yên.

 

“Mù thế kia không biết nấu bột, tắm táp cho thằng bé thế nào? Mình mắt sáng, lại có chồng chịu khó đêm hôm mà nuôi con thơ còn gian nan, vất vả, đằng này...”. Nhìn kỹ khuôn mặt thằng bé, thấy cái mũi, đôi mắt sao mà giống thằng Đại lúc mới sinh đến vậy. Chị Cập hỏi: “Con lão Cuối hả?”. Chị Lý thoáng giật mình: “Không phải!”.

 

Chị Cập thừa hiểu là chị Lý không dám nhận, có lẽ vì sợ cái máu ghen cố hữu của đàn bà. Thấy cảnh chị Lý sờ soạng tìm mồm thằng bé để đút bột, bột vương vãi khắp giường chiếu, chị nghĩ: “Ghen với người mù, lại cơ cảnh thế này, chẳng phải nhẫn tâm lắm sao. Thằng bé là con lão Cuối cũng chả sao, cùng lắm thằng Đại và con Oanh có thêm đứa em nữa”.

Từ sau hôm ấy, cứ cuối buổi chợ, chị Cập lại xẻo miếng thịt nạc vai, xay nhỏ, rồi bắt anh Cuối mang đến nấu canh cho cháu bé ăn và cho chị Lý bồi dưỡng để có sữa cho con bú. Hôm nào bán hết thịt sớm, chị Cập đạp xe ra bờ sông thăm nom, giúp đỡ hai mẹ con.

 

Thằng bé mới chập chững biết đi, trước mặt là sông, sau nhà là nghĩa trang toàn bơm kim tiêm dính máu của bọn nghiện vứt bừa bãi, hai chái nhà toàn ruộng trũng ngập nước, chị Lý lại bị mù, không nhìn thấy con nên chị Cập mua cho thằng bé đôi dép chút chít. Thằng bé đi đến đâu tiếng chút chít vang lên báo hiệu.

 

Nỗi lo lắng bị những trận đòn nghen ác nghiệt của người đàn bà bán thịt không còn nữa, thay vào đó là một người đàn bà bình thường mà vô cùng nhân hậu, đối xử với con người rất có đạo lý. Chị Lý trào nước mắt quỳ xuống xin chị Cập tha thứ và nhận bé Hiếu đúng là con anh Cuối. Chị Cập cũng khóc. Chị thương mẹ con chị Lý đến tê tái cõi lòng. Nước mắt họ hòa quyện trong nỗi niềm cảm thông thấm đẫm tình người.

Tết năm đó, chị Cập bế cháu Hiếu, dắt chị Lý lò dò về nhà mình để cháu nhận bố, nhận anh chị. Bữa đó cả nhà vui vẻ, thằng Hiếu được các anh chị tranh nhau bế. Trong buổi ra mắt với mâm cơm thân mật, chị Cập tuyên bố phải đổi họ và khai sinh lại cho cháu Hiếu, bởi vì rõ ràng cháu có bố và bố cháu mang họ Lê.

Suốt một năm trời chị Cập, anh Cuối chạy đôn, chạy đáo, cháu Hiếu cũng có được tấm giấy khai sinh với cái tên Lê Trung Hiếu. Chị Cập thương thằng Hiếu chẳng khác gì rứt ruột đẻ ra. Ngày cưới anh em, họ hàng, ngày giỗ ông bà, tổ tiên, chị Cập đều bảo anh Cuối ra bãi chở chị Lý và cháu Hiếu vào. Có lần, chị Lý đi học lớp nữ công dành cho người mù trên Hà Nội hơn một tháng nên phải gửi bé Hiếu cho mẹ Cập. Chị Cập vừa cõng nó trên lưng, vừa bán hàng. Nó cứ quấn lấy chị, không chịu rời nửa bước.

Tôi hỏi anh Cuối: “Anh có nghĩ đến vợ, đến gia đình trước khi có với chị Lý một đứa con?”. Anh bảo: “Tôi là một thằng đàn ông quê mùa, tay trắng. Cả ngôi nhà tôi đang sống cũng là trên đất của nhà vợ, chủ yếu do bàn tay vợ tôi xây nên. Tôi bị mảnh đạn găm vào cột sống và đầu nên đau yếu lắm, không làm được gì nhiều. Trước khi có với chị Lý một đứa con, tôi đã xác định sẽ có ngày phải gói ghém đồ đạc ra đi nếu bị vợ phát hiện. Nhưng nghĩ đến tình đồng đội và nghĩ đến tương lai chị Lý sau này nên tôi cứ làm liều. Không ngờ, vợ tôi lại bảo làm thế là đúng”.

 

Tôi lại hỏi chị Cập: “Sao chị không ghen?”. Chị cười: “Nhiều người cũng hỏi tôi như thế nhưng ai lại ghen với người mù cơ chứ”. Chị bảo rằng, vợ chồng chị đã lên quận, xuống phường xin miếng đất nho nhỏ trong làng cho mẹ con chị Lý dựng tạm ngôi nhà từ mấy năm nay mà chưa được. Trước mắt, anh chị đang có kế hoạch đón chị Lý và cháu Hiếu về sống chung với gia đình chị khi nào ngôi nhà của anh chị hoàn thành để chị dễ bề chăm sóc cả hai mẹ con chị Lý. Ngôi nhà hoang ở bờ sông của mẹ con chị Lý đã nứt nẻ toang hoác, sập đến nơi rồi.

Câu chuyện về người đàn bà mù, anh xe ôm và người đàn bà bán thịt ở ngoại ô thành phố Hải Phòng là câu chuyện không bình thường, song lại đầy đạo lý ở đời.

Người đàn bà như chị Mai Thị Cập, tìm ở cuộc đời này đâu có dễ. Tôi nói: “Chị hy sinh hạnh phúc để làm một việc nhân đức”. Chị lắc đầu bảo: “Tôi làm việc nhân đức này là để có được hạnh phúc”. Nhìn đôi mắt nhân từ, khuôn mặt phúc hậu của chị Cập, tôi bỗng thấy chị đẹp hơn dù chị đã ở cái tuổi 45 của người đàn bà thôn quê quanh năm vất vả, dãi dầu mưa nắng

Phạm Ngọc Dương
.
.
.