Người đàn bà làm thơ về nỗi khổ đời mình

Thứ Bảy, 13/05/2006, 08:19

Người đàn bà đó tìm đến Tòa soạn gặp chúng tôi và mang theo những câu thơ của chị, những câu thơ giản dị được viết ra từ đời sống thực của người phụ nữ này có thể hình dung cuộc đời một người đàn bà cùng 5 đứa con đã sống cuộc sống bị đày ải như thế nào!

Người đàn bà đó tên là Bạch Thị Luận, 54 tuổi, tại Hoài Đức, Hà Tây. Lần đầu tiếp xúc, tôi đã nhận ra những nét đẹp của người phụ nữ này được ẩn giấu sau vẻ lam lũ. Da trắng, đôi mắt buồn và vóc dáng thon thả. Sau này, tôi vẫn tự nhủ không hiểu người đàn bà đã sống những ngày tận cùng của nỗi thống khổ cả về vật chất lẫn tinh thần làm sao vẫn giữ được phong thái chỉ có ở những người có đời sống thanh thản. Và cũng chính trong nỗi khổ đó, người đàn bà này đã viết lên những câu thơ chân thật mà khi đọc nhiều người phải rơi lệ.

Những vần thơ nhói đau

Đây là đoạn thơ về 5 đứa con trong cái nhìn đau xót của người mẹ: "Cái Lại bảo cái Nhớ/ Em thèm bữa cơm cà/ Giá nhà ta có được/ Chị Nhớ vội trả lời/ Đến kiếp sau em nhé…". Do đâu mà đến cái mong ước nhỏ nhoi được ăn bữa "cơm cà" mà các con chị cũng không được toại nguyện? Có phải những người sinh thành ra chúng lười biếng, vô trách nhiệm? Trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói rằng chị đã lăn lộn khắp nơi kiếm sống.

Không chỉ cày cấy trên những mảnh ruộng được hợp tác xã chia mà chị còn đi làm thuê mạn Hòa Bình. Cắn răng lội ruộng cấy thuê khi bàn chân sưng tấy. Vậy nhưng đói vẫn hoàn đói. Đồng ruộng cũng cho thu hoạch, đi làm thuê cũng cho thu nhập sao vẫn đói? Một nách 5 đứa con thơ và người chồng chuyên phá hoại thì thử hỏi làm thế nào cho đủ.

Tôi hỏi sao chồng chị lại phá, chị cười buồn bảo: "Ông ấy là thương binh, mắc bệnh thần kinh". Đề nghị đưa đi bệnh viện ông ấy cũng không đồng ý. Ở nhà thì ông ấy phá phách, đánh đập vợ con theo cách của người điên. Chị từng viết về hành động bạo ngược của chồng rằng: "Nhét giẻ vào miệng con/ Vì nó đói sữa khóc" hay "Lột truồng con kéo lê/ Bắt con uống nước điếu".

Có nhà mà phải lang thang. Người mẹ và cái "đuôi" là 5 đứa con nay ở nhờ nhà này, mai ở đậu chỗ khác. Lúc thì ở cái điếm canh kia, lúc nhà kho nọ. Trong khi đó chồng chị, bố của 5 đứa trẻ ở tại ngôi nhà và một sào vườn do bố mẹ chồng để lại. Mẹ con chị phải ăn ở vạ vật ngay trong làng vì không dám rời bỏ nơi này. Nếu đi thì gần một mẫu ruộng khoán bỏ hoang sao đành. Nếu bỏ làng ra đi, cả 5 đứa con của chị chẳng sớm thì muộn cũng dính vào tù tội. Bởi lẽ một mình chị không thể quản lý hết những bước chân của 5 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vì thế, chị bám trụ ở quê và sống cảnh "Ngủ trộm nhà kho làng/ Xưa là bãi tha ma/ Có hôm sét đánh sụt/ Một mảng ngói trong nhà…" hay "Nhiều năm đói kinh khủng/ Đói lay lắt nắng sương/ Không nhà, màn, chăn, chiếu/ Nhìn năm con quá thương"… Chỉ cần qua những dòng thơ này, chắc chắn bạn đọc sẽ thấu hiểu sự nghèo đói của mẹ con chị. Và qua đó, mọi người hiểu được nỗi đau của người mẹ như chị.

Vạ vật đến bao giờ? 

Và rồi cũng đến lúc chị tạm rời làng quê. Chị tìm đến cửa Phật. Đến đây để được lãng quên. Đến để tìm lẽ sống. Hơn cả thế, chị còn dẫn theo các con của mình để chúng được nhìn, được nghe và được làm việc thiện. Chị sợ do sống khổ quá chúng dễ sa ngã. Chùa Quán Sứ từng là nơi cho chị và 2 con trai tá túc. Sư thầy Đàm Lan, chủ trì chùa Bồ Đồ thương cảnh thất học của chúng đã đồng ý chu cấp chi phí học hành cho 2 cháu đến hết cấp III. Sự giang tay cứu độ của nhà chùa đã giúp chị có thêm niềm tin để sống.

Nhưng hiện tại, nhìn vào các con và xa hơn nhìn vào tương lai của chúng chị thấy bất an. Cách đây mấy năm, chính quyền địa phương đã trợ giúp gia đình chị 4,5 triệu đồng để xây dựng nhà tình thương. Ngôi nhà 2 gian, lợp mái tôn đã được dựng lên ở góc vườn. Mẹ con chị chỉ được yên ổn một thời gian ngắn thì bị chồng chị đòi một gian để nuôi gà. Chấp nhận sống chung với gà, vậy mà chồng chị vẫn không buông tha lại đòi mẹ con chị trả tiền. Thôi thì cố kiếm đưa cho ông ấy cho xong chuyện nhưng nào đâu có được.

Hiện nay, chị phải sống vạ vật, chỉ có mấy đứa con chị được sống trong ngôi nhà được xây lên từ lòng nhân ái của cộng đồng. Đời chị đã làm hơn 30 cái lều để che mưa, che nắng, nay chị đành phải dựng thêm một cái nữa làm nơi ăn nghỉ.

Nhắc đến đứa con gái đầu chị ứa nước mắt. Tên nó Bùi Thị Nhớ, năm nay ngoài 30 tuổi. Cách đây khoảng 10 năm, trong một lần đi cào hến, Nhớ bị một người đàn ông dụ dỗ vào miền Nam làm ăn. Nào ngờ, hắn lừa Nhớ lên Lạng Sơn rồi bán sang Trung Quốc. Nhiều lần qua tay bọn buôn người, Nhớ được bán cho một người đàn ông nghèo, nhiều tuổi ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Bảy năm rưỡi sau ngày mất tích, Nhớ về thăm quê. Nhìn thấy con gầy, đen chị biết cuộc sống ở bên đó cũng rất vất vả. Từ ngày về với chồng con, Nhớ vẫn chưa quay trở lại. Nhớ cũng không viết thư vì cô không biết chữ. Mong ước có ngày mẹ con gặp nhau khó thực hiện.

Chị tìm đến chúng tôi với mong muốn có được một mái nhà để chị sống và nuôi dạy các con. Hai thằng con trai đang tuổi lớn đã chớm mắc tật xấu như cờ bạc, trộm cắp vặt. Ngày chị đi làm ruộng cùng các con, tối đến lại vạ vật chứ đâu được sống cùng chúng mà dạy bảo. Cứ để chúng tự do thì cái ngày rơi vào vòng tù tội khó tránh.

Mong muốn được sống cùng để nuôi dạy con của chị là chính đáng. Để làm được điều đó phải có một chỗ để mẹ con chị sống độc lập, điều này cần sự đồng lòng của chính quyền địa phương và bạn đọc hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ Xã hội từ thiện Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm - Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc đối với chị Luận và các con

Cao Hồng
.
.
.