Người đàn bà can đảm và những đứa con tật nguyền

Thứ Năm, 14/09/2006, 13:42
Mong ước lớn nhất của chị Hìu giờ đây là đứa con lành lặn duy nhất có được một việc làm ổn định để chị đỡ day dứt lương tâm. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hạnh đã phải khăn gói xuống Hà Nội rửa chén bát thuê để lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi các anh, chị bị tàn tật.

Chúng tôi gọi chị là người đàn bà can đảm bởi một lẽ đơn giản rằng: Nếu chỉ có tình mẫu tử mà không có nghị lực phi thường để gánh gồng một nỗi bất hạnh quá lớn thì có lẽ người phụ nữ đó đã không thể trụ vững đến ngày hôm nay. Chị là một trong hai người may mắn lành lặn trong một gia đình có chồng và 4 đứa con tật nguyền đặt đâu ngồi đấy.

Chúng tôi về xã Hương Vỹ, Yên Thế, Bắc Giang để tìm đến gia đình chị Trần Thị Hìu - một gia đình có 7 người thì 5 người trong số đó bị chứng bệnh nan y teo cơ toàn thân, đặt đâu ngồi đấy. Đi đã nhiều nơi, từng chứng kiến nhiều mảnh đời tận cùng bất hạnh, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng tôi được tận thấy những số phận, những con người phải chịu quá nhiều khổ đau đến vậy.

Trong căn nhà quạnh quẽ và vắng lặng nằm khuất nẻo sau phía chân đồi xã Hương Vỹ, suốt chục năm nay, chị Hìu vẫn gạt nước mắt nhìn bốn đứa con và một người chồng teo tóp, thảm thương ngồi im bất động một góc nhà trong nỗi tuyệt vọng đến cùng cực.

Có lẽ vì đã chịu đựng quá nhiều khổ đau và nín chặt những nỗi cùng cực tận đáy lòng nên khi gặp chúng tôi, người đàn bà lam lũ và đắng cay này òa khóc. Nỗi bất hạnh của gia đình bất hạnh đó chúng tôi được nghe qua lời kể đầm đìa nước mắt của chị.

Chị đã lập gia đình với anh Vũ Văn Kỳ từ năm 1971. Anh là người khỏe mạnh nên thời gian đầu còn đảm nhận việc chạy văn thư cho ngành Bưu điện mấy năm liền. Được một thời gian, bỗng dưng anh lăn ra ốm yếu, chân tay ngày càng teo tóp lại, không cử động được, chạy chữa thuốc men đủ khắp mọi nơi nhưng càng ngày tình trạng càng yếu dần thêm.

Sau khi bố trở thành người tàn phế ngồi một góc nhà, những đứa con bình thường khỏe mạnh, đang học lớp 4, lớp 5 bỗng dưng bị sốt một trận, sau đó chân tay teo tóp, thịt da dúm dó và trở nên bất động như bố. Bắt đầu từ Vũ Thị Huệ (29 tuổi), Vũ Thị Hồng (27 tuổi), Vũ Thị Việt (24 tuổi) và Vũ Văn Hào (22 tuổi) đều mắc bệnh, chỉ còn lại cô con gái út Vũ Thị Hạnh (18 tuổi) may mắn khỏe mạnh. Bán tống bán tháo tất cả số tài sản ít ỏi trong nhà mang các con đi khắp nơi để chữa chạy nhưng rốt cuộc chị chỉ nhận được những cái lắc đầu tuyệt vọng.

Cách đây ba năm, cháu Vũ Thị Việt cũng đã qua đời và năm ngoái, chồng chị, anh Vũ Văn Kỳ cũng không chống chọi lại được sự nghiệt ngã của số phận bỏ mẹ con chị ra đi. Căn nhà côi cút ở dưới chân đồi Hương Vỹ đã quạnh quẽ nay càng cô đơn và lạnh lẽo hơn. Nhiều đêm, chị đứng ngửa mặt lên trời rồi nuốt nước mắt và tự hỏi, không biết dưới bầu trời này còn có gia đình nào, phận người nào bất hạnh như mẹ con chị. Phận chị đành chịu nhưng còn những đứa con dứt ruột đẻ đau, cuộc đời của chúng nó sau này sẽ ra sao?

Chị Hìu tâm sự với chúng tôi rằng, điều mong ước lớn nhất của chị giờ đây là mong muốn các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân giúp đỡ để cháu Hạnh có được một việc làm ổn định. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, mấy tháng nay, Hạnh đã phải khăn gói xuống Hà Nội rửa chén bát thuê để lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi các anh, chị.

Chị nói rằng: Đời chị coi như bỏ đi nhưng nếu lo cho cháu Hạnh có được việc làm ổn định chị đỡ day dứt với lương tâm của người làm mẹ. Hạnh vừa tranh thủ về giúp mẹ và cô bé này đã trò chuyện với chúng tôi trong những dòng nước mắt tuôn dài trên gò má.

Cả gia đình tật nguyền, chỉ trông vào hai con người khỏe mạnh nên mới học cấp hai nhưng Hạnh đã phải đi đóng gạch thuê, phải đi cày, đi bừa như một người đàn ông thực sự. Hạnh nói với chúng tôi, nếu học cao đẳng, trung cấp hay đại học thì làm sao em có tiền, vả lại nếu em đi học thì lấy ai đi làm để phụ giúp mẹ? 

Trong câu chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi những dòng nước mắt đắng cay, tủi nhục, chị Hìu kể lại rằng: Năm người tật nguyền ngồi bất động trong căn nhà vào mùa nóng còn đỡ chứ vào mùa rét, những đứa con của chị nằm co quắp vào chăn mà không chịu nổi.

Nhiều hôm đi làm về, chị phải "nhặt" những đứa con lăn lóc ở những góc nhà để vệ sinh, tắm rửa và lo cơm cháo cho từng đứa. Đằng đẵng cả chục năm nay, một mình người đàn bà hơn 53 tuổi ấy phải lam lũ quần quật với 7 sào ruộng, chống chọi lại nỗi cô đơn cùng cực để lo toan cho những đứa con tật nguyền cùng khổ.

Chúng tôi rời khỏi vùng đồi Hương Vỹ khi trời đã ngả bóng chiều mang theo nỗi day dứt khôn nguôi về hoàn cảnh cùng cực của mẹ con chị Hìu. Cho đến ngày 12/9, Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã chuyển đến mẹ con chị Hìu số tiền 13.550.000đ, đây là số tiền của các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa gửi về ủng hộ. Vợ chồng ông Lâm Tấn Lợi, chủ Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi cũng đã kịp thời có mặt và giúp đỡ mẹ con chị Hìu số tiền 5 triệu đồng và một chiếc võng xếp

Xuân Luận
.
.
.