Người cứu nạn dưới chân đèo ngang

Thứ Tư, 14/10/2009, 08:35
Hơn mười năm qua, không kể ngày mưa hay ngày nắng, lúc mặt trời đứng bóng hay giữa đêm khuya, anh là người đầu tiên thường có mặt trong tất cả các vụ tai nạn trên đèo Ngang... Xem người bị nạn như người thân, làm việc vì người không một chút mảy may tính toán, anh là Phạm Xuân Thời, ở thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Ở lại chân đèo

Đèo Ngang - núi Hoành Sơn là địa chỉ nối Hà Tĩnh và Quảng Bình. Người Hà Tĩnh và Quảng Bình thường nói lái "đèo Ngang-đang nghèo" để chỉ những khó khăn, vất vả mà người dân 2 bên chân đèo đang gặp phải hàng ngày. Trong chiến tranh đánh Mỹ, đèo Ngang trở thành tọa độ lửa, khi hàng ngày giặc trút hàng trăm tấn bom, đạn nhằm cắt đứt tuyến quốc lộ 1A và đánh vào cảng Hòn La. Song, gạt mưa bom, bão đạn, người dân 2 bên chân đèo Ngang thuộc xã Quảng Đông và xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn sát cánh bên bộ đội, dân quân chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Đất nước ca khúc khải hoàn, để giúp đỡ người dân 2 bên chân đèo vơi bớt khó khăn, địa phương 2 tỉnh đã có nhiều chính sách giúp đỡ người dân, trong đó có cả việc chọn mặt bằng di dân dưới chân đèo đến nơi thuận lợi hơn trong việc canh tác, sản xuất. Nhưng một số hộ dân vẫn bám trụ ở lại chân đèo để mưu sinh. Có lẽ hồn thiêng của mảnh đất chôn nhau cắt rốn đã in sâu vào tâm khảm, níu giữ bước chân họ ở lại. Trong số đó có gia đình anh Phạm Xuân Thời.

Anh Thời hạnh phúc bên 3 đứa con ngoan của mình.

Sinh năm 1977, tuổi thơ của Thời là sau buổi tới trường, chăn trâu, cắt cỏ trên đỉnh đèo Ngang. Tính thiện có từ khi tóc còn để chỏm, Thời và bạn mục đồng thường là những người đầu tiên có mặt giúp đỡ người bị nạn trên đèo Ngang. Nhiều lần chính cậu bé Thời đã chạy 5 km từ đỉnh đèo để xuống núi gọi người lớn lên chở người bị nạn đi bệnh viện. Phần thưởng cho Thời sau mỗi lần như vậy là chiếc bánh, con tò he, chiếc mũ đội đầu của người đi đường tặng, hay cái xoa đầu của cha và ánh mắt trìu mến…

Cũng trong một lần đang cứu người gặp nạn trên đỉnh đèo Ngang, Phạm Xuân Thời gặp cô gái đẹp Hà Thị Lan, ở Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bên kia chân đèo. Năm 1998, họ nên vợ nên chồng. Nơi ở thiếu đất canh tác, vợ chồng Thời tiến sát tận chân đèo Ngang, mở quán cà phê bên lề đường, trồng rừng mưu sinh và tiếp tục làm việc thiện; cứu người gặp nạn.

Luôn có mặt ở đỉnh đèo

Hơn 10 năm qua, vợ chồng Phạm Xuân Thời đã giúp đỡ hàng trăm người không may bị tai nạn trên đèo Ngang. Cách đây mấy năm hầm đèo Ngang đưa vào sử dụng, số phương tiện đi qua đèo có giảm, nên số vụ tai nạn cũng đỡ hơn. Còn trước đó, có tuần Thời đã tự tay vuốt mắt lần cuối cho 4 trường hợp chết vì tai nạn trên đèo.

Phạm Xuân Thời nhớ lại: Đã hơn 12 giờ đêm của một ngày khoảng giữa tháng 4, vợ chồng anh đang thầm thì bàn chuyện trồng rừng, bỗng nghe tiếng đập cửa ầm ầm kêu cứu của người lạ vì xảy ra tai nạn trên đèo Ngang. Phạm Xuân Thời đến điểm tai nạn thì thấy một người nằm sấp mặt bê bết máu, bên cạnh là chiếc xe máy đã bị nát đầu. Anh quay lại tìm người đã báo tin cho mình, thì chẳng thấy đâu. Hoá ra người báo tin là người gây tai nạn. Hai vợ chồng Thời đã đưa người bị thương đến bệnh viện trong đêm tối. Sau đó Thời mới biết, người bị thương là anh Trần Giang Châu, ở Thạch Hà, Hà Tĩnh vào Quảng Bình cả đêm để sáng hôm sau kịp đến cơ quan ngày đầu tuần.

Nhà báo H.N ở Quảng Bình trên đường ra thăm người yêu ở Hà Tĩnh, bị tai nạn ngay trên đèo, cũng được Thời chở đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, thoát chết. Căn nhà nhỏ của vợ chồng Phạm Xuân Thời ở ngay cạnh chân đèo, nên không chỉ sơ cứu ban đầu cho người bị nạn, anh Thời còn là người ban đầu giữ hiện trường các vụ tai nạn để sau đó cơ quan chức năng dễ giải quyết vụ việc. Có khi vừa bưng bát cơm tối, Thời lại phải tức tốc lên đỉnh đèo vì có vụ tai nạn vừa xảy ra. Cũng có những trường hợp người bị thương chết tại hiện trường, Thời đã mua chiếu, rửa ráy cho người xấu số, không quản vất vả giúp đỡ gia đình nạn nhân đưa người chết về quê.

Nhiều người khi gặp người chết vì tai nạn thường lảng tránh, phần vì họ ớn lạnh, phần vì sợ liên lụy, còn Phạm Xuân Thời lại khác: Vuốt mắt cho người xấu số, nấu chén cơm, quả trứng, thắp nén nhang đầu tiên cho người chết, anh xem đó như một việc nghĩa tình, trách nhiệm. Các vụ tai nạn trên đèo Ngang thường xảy ra vào đêm khuya, và là nơi vắng người lại qua, nên thường sau các vụ tai nạn có một số đối tượng xấu tìm đến để lấy trộm tư trang, hành lý của hành khách cũng như lái xe. Biết được điều đó, nên bên cạnh giúp người bị nạn, Phạm Xuân Thời thường canh xe, bảo vệ tài sản cho người gặp nạn. Một số lái xe sau khi gây tai nạn, cố tình tìm cách làm thay đổi hiện trường vụ tai nạn, nên Thời kiêm luôn việc "bảo vệ" hiện trường ban đầu, rồi điện cho Công an xã.

Làm ơn há dễ chờ người trả ơn

Xem việc cứu người gặp nạn như bổn phận của mình, Phạm Xuân Thời chưa bao giờ nghĩ đến việc người gặp nạn trả ơn. Anh kể; cũng có người sau vụ tai nạn đã quay lại thăm gia đình anh, cho con anh gói bánh, cân hoa quả. Song cũng có nhiều người được vợ chồng anh giúp đỡ qua cơn hoạn nạn rồi cũng như người qua đò.

Không chỉ cứu giúp ban đầu người bị tai nạn, nhiều xe khách, xe tải thiên lý Bắc-Nam khi bị hỏng xe ở đèo Ngang, cũng nhờ vợ chồng Thời nấu cơm, lo cho chỗ ngủ. Mỗi lần vậy, vợ chồng anh lại vui vẻ xem tài xế như khách của gia đình. Hàng ngày, vợ chồng Thời siêng năng, cần mẫn, đến nay anh đã trồng được 5ha cây bạch đàn trên đèo Ngang. Sớm, tối hai vợ chồng vui vầy bên 3 đứa con ngoan ngoãn và thường xuyên làm việc thiện vì người.

Thiết nghĩ, những việc làm nghĩa tình của anh Phạm Xuân Thời cần được chính quyền tỉnh Quảng Bình và Ban An toàn giao thông và các cơ quan kịp thời khen thưởng, động viên

Dương Sông Lam
.
.
.