Người có khả năng chữa rắn độc cắn

Thứ Sáu, 03/07/2009, 14:25
Duyên kỳ ngộ đã mang đến cho người lính Cụ Hồ năm xưa một phương thuốc bí truyền để chữa bệnh cứu người bị rắn độc cắn. Hàng trăm người đã được ông Lê Văn Tần cứu sống trong hơn 20 năm qua. Và ước nguyện cuối đời của ông là mong muốn được cống hiến phương thuốc bí truyền đó cho cộng đồng.

Phương thuốc quý từ Campuchia

Sinh năm 1942 tại xã miền núi Thanh Long, huyện Thanh Chương (Nghệ An), cuộc đời binh nghiệp của chàng thanh niên Lê Văn Tần bắt đầu năm 1964. Có mặt trên nhiều tuyến lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng nhiều lần cận kề với cái chết ở chiến trường Campuchia, anh lính trẻ Lê Văn Tần được đồng đội yêu mến với bản tính thật thà, đôn hậu.

Năm 1979, trong một trận đánh, Lê Văn Tần và đồng đội bị địch bao vây chặt ở cánh đồng Khen Bun nhưng được một liên lạc viên người Campuchia chỉ đường và đưa các anh về nhà ông nội của mình ẩn náu. Tại đây, có một đạo sỹ cao niên được nhân dân trong vùng nể phục bởi biệt tài bắt rắn và chữa rắn độc cắn. Thấy anh bộ đội Cụ Hồ tính tình hiền hậu, trung thực và thông minh nên vị đạo sĩ đó đã truyền lại nghề cho Tần. Năm 1981, khi Lê Văn Tần tìm lại được đơn vị thì cũng là lúc anh được sư phụ truyền nghề thành công. Năm 1983, Lê Văn Tần xuất ngũ với quân hàm Đại úy, và trở thành "thần y" trong mắt mọi người nhờ biệt tài chữa rắn độc cắn.

Trường hợp đầu tiên được ông Tần cứu chữa là một thanh niên trong xã bị rắn cạp nia cắn, bệnh viện đã trả về, mắt đã cứng, miệng đã đen lại, nhưng kì diệu thay khi uống thuốc của ông Tần thì sau gần 1 tuần là anh ta khỏi hẳn. Tiếng đồn về một thần y chữa rắn độc cắn lan nhanh. Những nạn nhân bị rắn độc cắn từ các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Nam Đàn, và một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh… trong sự tuyệt vọng đã tìm đến ông và khỏi bệnh hoàn toàn. Hơn 20 năm cứu người, đến nay ông Tần cũng không nhớ nổi số bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ bàn tay của mình nữa.

Khi nói về những người được mình cứu sống, ánh mắt ông Tần đăm chiêu và không giấu nổi niềm tự hào. Ông cũng như các thành viên trong gia đình còn nhớ nhiều trường hợp bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng thập tử nhất sinh, miệng đã cứng, co giật, chỉ cần chậm vài phút nữa là mất mạng. Những trường hợp như thế rất nhiều: anh Tùng ở Đô Lương, chị Nga ở Can Lộc (Hà Tĩnh), cháu Được ở xã Thanh Tùng… Trường hợp mới đây nhất thoát chết khỏi rắn độc là chị Hà Thị Đào ở xã Thanh Long (huyện Thanh Chương).

Cuối tháng 4/2009, trong một lần đi hái củi, chị bị rắn hổ chúa cắn vào đầu gối, khi nọc độc phát tác, bụng đã sưng, nôn ọe, đồng tử bắt đầu giãn… Gần 1 giờ sau khi được uống thuốc của ông Tần thì chị tỉnh hẳn, uống thuốc tiếp 10 ngày nữa chị khỏe mạnh hoàn toàn.

Nỗi niềm của vị "thần y"

Ông Tần kể: Năm 1991, khả năng chữa rắn cắn của ông được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy biết đến khi một nạn nhân quê Nghệ An đi làm ăn ở miền Nam bị rắn độc cắn, các thầy thuốc của bệnh viện đã hết lòng cứu chữa nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng nguy kịch. Người nhà của nạn nhân đã nghĩ đến phương án xấu nhất, nhưng một người trong gia đình đã liên hệ với ông Tần để gửi thuốc vào TP HCM. Sau 3 ngày uống thuốc, bệnh nhân tỉnh táo, uống tiếp một tuần thì xuất viện.

Nhận thấy công hiệu của bài thuốc, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã viết thư mời ông vào TP HCM để cộng tác với bệnh viện nhằm tìm ra một loại thuốc chữa rắn cắn hiệu quả, nhưng vì lí do sức khỏe nên các con của ông Tần đã không để ông đi. Cũng trong năm đó, Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế đã mong muốn hợp tác cùng ông để bào chế một loại thuốc chữa rắn độc cắn hiệu quả, nhưng cũng vì lý do gia đình mà ông đành phải lỗi hẹn.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thanh Hòa, Chủ tịch UBND xã Thanh Long khẳng định việc ông Lê Văn Tần có thể cứu chữa được bệnh nhân bị rắn độc cắn đã được bà con xa gần ghi nhận. Có nhiều trường hợp người đi rừng bị rắn cắn, tìm đến nhà lúc nửa đêm, ông Tần cũng không quản giờ giấc, nhiệt tình cứu chữa. Hơn chục năm qua, ông Tần cứu sống hàng trăm người bị rắn độc cắn và chưa để xảy ra trường hợp tử vong nào.

Việc một số nhà khoa học muốn được hợp tác với ông Tần, xã cũng biết và phía UBND xã cũng mong muốn được quảng bá khả năng này của ông Tần để giúp mọi người. Hiện ông Tần là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, sống nhân hậu nên được mọi người trong xã yêu quý.

Giờ đây, khi mà đã tuổi cao, sức yếu, mong muốn lớn nhất của ông Tần là được tặng bài thuốc bí truyền chữa rắn độc cắn phục vụ cho công tác trị bệnh cứu người. Ông Tần khẳng định: "Tất cả các loại thuốc của tôi đều lấy từ thảo dược, thực tiễn đã chứng minh là chúng có công dụng tuyệt vời. Tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu và sản xuất thuốc hàng loạt chứ không muốn đây chỉ là bài thuốc bí truyền trong gia đình chúng tôi"

L.Thúy - N.Khoa
.
.
.