Người chuyên làm việc thiện

Thứ Tư, 06/01/2010, 09:33
"Người ta sống nên để điều phúc đức lại cho đời". Ông Nguyễn Văn Hoàng ở phố Phan Chu Trinh, TP Huế, một người chuyên làm việc thiện đã tâm sự như thế. Ông không phải người có HIV, không phải người bệnh phong, chẳng làm nghề ve chai, nhưng tên ông luôn gắn với căn bệnh, với những số phận làm nghề vất vả đó.

Ai cũng có mầm thiện trong người

Trong tay ông có một chiếc xe máy cũ, vẫn được gọi là "ngựa sắt". Nó đã đồng hành với ông đi biết bao con đường để làm việc nghĩa, giúp đỡ những người không may mắc bệnh hiểm nghèo là bệnh phong và HIV/AIDS.

Ông còn thành lập được cả một nhóm phụ nữ buôn ve chai để giúp họ làm việc được tốt hơn. Hỏi về những việc làm từ thiện đó, ông Hoàng bảo: "Ai cũng có cái "mầm thiện" trong người và làm sao phát huy để giúp cộng đồng.

Cái việc làm của tôi bắt nguồn từ chuyện thấy cảm động. Cách đây hơn chục năm, tôi vào Đà Nẵng, tận mắt thấy những em bé ở Trại phong Hòa Vân (quận Liên Chiểu) bị kỳ thị quá, thế là cùng với các xơ ở nhóm từ thiện Kim Long (Huế) ở lại chăm sóc các em. Sau những ngày tháng làm từ thiện, nhóm có biết được nhiều trường hợp người bị "H" (HIV/AIDS) lâm vào bi kịch, chúng tôi bàn nhau giúp đỡ họ".

Cuộc sống của ông Hoàng chẳng giàu sang gì. Những việc làm từ thiện xuất phát từ sự cảm thông đối với những phận đời, những hoàn cảnh éo le hiện còn là nạn nhân của sự thành kiến. Thật may mắn, ông có một người vợ tảo tần. Bà Trương Thị Ba - vợ ông rất thông cảm với những việc làm của chồng, để ông an tâm làm từ thiện. 

Nói về những ngày đầu đến với Trại phong Hòa Vân, giọng ông nghèn nghẹn: "Lòng dạ tôi lúc đó đau quặn thắt. Tôi thấy các em nhỏ ở đây không những thiếu thốn vật chất mà còn thiếu tinh thần. Tôi và những người làm tự thiện trong nhóm Kim Long (một nhóm từ thiện của Dòng Đức Mẹ vô nhiễm) đã tổ chức nhiều chương trình ca hát, vui chơi để thắp lên môi các em những nụ cười tươi tắn, tự tin đồng thời cho chúng khát vọng hòa nhập".

Việc làm của ông được lãnh đạo Trại phong ủng hộ, hơn hết là các em nhỏ vui sướng. Các xơ ở nhóm Kim Long nói rằng, ông Hoàng đã coi những đứa trẻ như con mình, coi trại phong như nhà mình. Ông đã góp phần làm cho sự kỳ thị ở Trại Hòa Vân giảm bớt, nhiều em đã được điều trị bệnh và ra ngoài làm việc, hòa nhập với cuộc sống.

Năm 2001, ông và nhóm Kim Long tiếp tục tìm việc từ thiện. Nhóm của ông phải đi tìm những người có "H" để giúp đỡ họ. Bởi vì khi biết mình mắc bệnh, nhiều người rất chênh chao. Thực tế cho ông thấy rằng tiếp xúc người có "H" không dễ. Chẳng ai muốn người khác biết mình có bệnh. Vì thế mà người có "H" cần ông, người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS càng cần hơn.

Dù đường xa, trời mưa hay nắng nếu nhận được tin của những người trong nhóm của ông đều vội vã dắt xe lên đường. Với những người bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, không tự mình ăn uống được (đặc biệt là những người bị người thân bỏ rơi) thì chính ông và các thành viên trong nhóm phân công nhau đến, an ủi, chia sẻ, bón từng thìa cháo, thìa cơm, cho họ thêm nguồn lực sống.

Sống là yêu thương và phục vụ

"Yêu thương và phục vụ" là phương châm của những người Công giáo đạo đức như ông Hoàng, như các xơ nhóm Kim Long. Gần 8 năm qua, nhóm đã giúp cho bao nhiêu người lấy lại được niềm tin trong cuộc sống và sống tốt những ngày còn lại ở cõi đời. Vừa qua, ông Hoàng đã dự thêm lớp tập huấn ở Trung tâm Mục vụ (Tòa Giám mục Huế) về các kỹ năng phục vụ, làm từ thiện để hoạt động hiệu quả hơn.

Ông tuyên truyền thông tin về căn bệnh thế kỷ, tay ông chăm sóc người bệnh tận tình. Cùng với nhóm khám, chữa và phát thuốc miễn phí tại gia đình người bệnh... Trong tay ông Hoàng luôn có cuốn sổ theo dõi số người có "H" và hễ nghe nói ở đâu có người cần giúp đỡ là ông lại cưỡi chiếc xe máy cũ, đèo thêm chiếc ba lô lên đường.

Ông bảo, những chuyến đi làm từ thiện của ông có nhiều kỷ niệm, nhưng chủ yếu là kỷ niệm buồn. Không ít người khi biết mình có "H" đã nảy sinh ý định tự vẫn hoặc trả thù đời. Tai hại nhất là những cô gái, họ sẵn sàng buông thả để khiến nhiều chàng trai khác phải chết theo. Ông Hoàng phải đánh vào tâm lý họ, chỉ ra những mặt hại cho cộng đồng để họ từ bỏ ý định đó.

Hơn 15 năm "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", ông Hoàng  luôn ao ước tất cả mọi người đừng kỳ thị các bệnh nhân có HIV, mong xã hội hãy giúp đỡ họ, để họ được sống hòa nhập, vui vẻ trong những năm tháng còn ở thế gian này. Khi chia tay, ông Hoàng nắm chặt tay tôi và nói: "Mong các anh hãy phản ánh rộng, để mọi người tránh xa tệ nạn và thông cảm cho những người chẳng may bị bệnh, và để ý đến những số phận hẩm hiu"

Hải Miên
.
.
.