Người chiến sỹ tình báo bị địch cưa chân 6 lần

Chủ Nhật, 16/04/2006, 13:30

6 lần bị CIA Mỹ cưa chân, hàng chục lần bị tra tấn dã man, đến ngày giải phóng, thân thể chiến sỹ tình báo Nguyễn Văn Thương đã không còn nguyên vẹn. Thế nhưng ông vẫn sống với một niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng. Ngay cả kẻ thù cũng phải thốt lên rằng “ông là một sinh vật bằng thép!”

Chuyện của ông được chính ông kể đi kể lại nhiều lần trong những buổi giao lưu, những buổi giáo dục truyền thống. Nghe ông kể chuyện đã nhiều, nhưng gần như lần nào ông cũng đều gieo vào tôi và có lẽ nhiều người khác những cảm xúc khác nhau, bởi vẫn chưa tự mình trả lời được câu hỏi - Vì sao ông, một đảng viên cộng sản bình thường lại có được sức chịu đựng phi thường đến thế? Sức lực nào, động lực nào đã cho ông một nghị lực kiên cường như vậy?

Cho đến gần đây, khi tác giả Mã Thiện Đồng, một cô giáo dạy văn hoàn tất quyển “Người bị CIA cưa chân sáu lần” gần như hồi ký của ông - người Anh hùng LLVTND được giới thiệu trước công chúng... người ta lại tiếp tục hỏi ông câu hỏi “Vì sao?”. Câu hỏi mà ngay khi hỏi, người ta đã có thể trả lời được nhưng vẫn muốn hỏi vì không thể lý giải tường tận được ngọn nguồn. Ông lại trả lời trong tiếng vỗ tay, trước những cái  nhìn cảm phục và cả những giọt nước mắt tự hào.

Ông bắt đầu trả lời cho câu hỏi “vì sao” từ  việc kể lại những cảnh thường đập vào mắt ông trong thời chiến. Đó là cảnh bọn lính Mỹ thay nhau hãm hiếp những cô gái điếm, những thiếu nữ con nhà lành cho đến chết rồi vứt xác vào đống rác. Ông căm thù bọn chúng từ đó. Với lòng căm thù giặc, ông tự nguyện đi theo cách mạng và cũng là nối tiếp con đường cha mẹ ông đã đi.

Cha ông vốn là một chiến sĩ quân báo, bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù ở Tây Ninh năm 1959. Má ông cũng là một nữ đảng viên, là giao liên hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Bà bị địch bắt, tra tấn, đày ra chuồng cọp Côn Đảo rồi hy sinh vào năm 1947. Cha mẹ hy sinh hết, gia tài lớn nhất họ để lại cho ông là dòng máu cách mạng, nó vẫn luôn chảy lúc âm ỉ, lúc mãnh liệt trong người để ông tiếp tục con đường cách mạng. Ông vào quân ngũ, làm công an, rồi làm giao liên nhưng là tình báo giao liên... một công việc đòi hỏi nhiều tố chất thông minh, gan dạ, lanh lẹ, nhạy bén...

Màn kịch “nhung lụa”

Ngày 10/2/1969, một mình chiến đấu đến viên đạn cuối cùng giữa vòng vây địch khi bị chúng phát hiện trên đường chuyển tài liệu mật từ Sài Gòn về căn cứ, chiến sĩ giao liên tình báo Nguyễn Văn Thương, quê quán Tây Ninh, đã bị bắt. Với những điều đã biết về ông, kẻ thù bắt đầu dùng đủ mọi chiến thuật để moi bí mật từ miệng ông. Bắt đầu là một đợt tra tấn bằng cây sắt săm hầm, lưỡi lê vào bắp chân, nhưng từ bọn tình báo đến bọn chiêu hồi đã biết rõ họ tên và hoạt động của ông, đều bất lực vì ông phủ nhận tất cả.

Màn “tra tấn” thứ hai bắt đầu lần này không có sắt thép, không có máu chảy, đau đớn mà là một màn kịch “nhung lụa” êm ái. Ông được đưa vào ngôi biệt thự sang trọng với đầy đủ tiện nghi. Ở đấy có sẵn một "bóng hồng" xinh đẹp, dịu dàng, mang dáng dấp một thiếu nữ con nhà lành, có học thức chờ đón và chăm sóc ông. Kèm theo mỹ nhân là 100.000 USD và quyền sở hữu cả ngôi biệt thự với điều kiện duy nhất là thừa nhận ông chính là Nguyễn Văn Thương.

Ông kể: “Bây giờ nghĩ lại, 100 ngày  bị bọn chúng cưa chân chết đi sống lại nhiều lần cũng không đáng sợ bằng 100 ngày tôi sống trong ngôi biệt thự ấy. Khi học làm tình báo, tôi được dạy là bọn nữ tâm lý chiến thường dùng nhan sắc, mặc quần áo hở hang, khêu gợi xác thịt... nhưng cô gái mà tôi gặp lại đoan trang, thùy mị lắm. Suốt 100 ngày cô chỉ có những lời êm ái hỏi thăm gia cảnh, chăm sóc sức khỏe và những tâm tình tưởng chừng như được rút ra từ trong sâu thẳm tâm hồn cô, rồi những lời nói về tình ái, những động tác thân xác đúng “bài” tình yêu lãng mạn,  đánh vào tâm lý và bản năng con người.--PageBreak--

Nhưng bằng sự nhạy bén, khả năng phán đoán, cảnh giác cao độ và lòng quyết tâm bảo vệ bí mật tổ chức đến cùng đã giúp ông vượt qua tất cả hàng loạt “bẫy” khá tinh vi do cô gái giăng  ra từ mẩu giấy nhỏ được trộn vào bát cơm, tấm lịch treo ngược trên tường, ảnh phong cảnh... để nhử ông phải lộ ra rằng mình biết đọc biết viết... đã bị thất bại.

Sáu lần bị cưa chân

Và 100 ngày sau đó, địch đã cho ông nếm trải gần như tất cả những nỗi đau đớn khủng khiếp nhất, vừa đánh đập vừa cưa chân ông. Mỗi lần, chúng cưa một đoạn. Mỗi lần chuẩn bị cưa, chúng lại áp dụng nhiều thủ đoạn tra tấn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, kéo dài sự đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa trị cho lành, gần lành chúng lại cưa. Có đợt, cưa xong chúng lại đưa ông ra làm vật thí nghiệm cho bác sĩ Mỹ thực tập. Cứ như thế, chúng cưa nhiều lần, cưa nhiều đoạn và cho đến lần thứ sáu thì chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương đã vĩnh viễn mất đi đôi chân.

Cái cảm giác ấy, sau này ông kể lại, nó hụt hẫng ghê gớm lắm nhưng thâm tâm ông có thể tự hào là mình đã giữ vững ý chí chiến đấu. Ông lý giải, sở dĩ lúc ấy ông vượt qua được những đau đớn chính là nhờ sức mạnh của Đảng truyền cho. Lúc ông ở tù, khi bắt được liên lạc với tổ chức, trong lá thư đầu tiên ông viết gửi về cứ cho người bí thư chi bộ là lời dặn dò tha thiết: “Anh nhớ đóng giùm lệ phí Đảng cho tôi”. Vì thế, ông luôn tự hào trong hơn 400 ngày bị giam giữ, ông vẫn là người đóng lệ phí Đảng đầy đủ.

Ngoài tình yêu thủy chung với Đảng, với đồng đội, một trong những động lực nữa có thể “nâng đỡ” tinh thần, giúp ông giữ vững ý chí chiến đấu chính là tấm gương hy sinh của các má, các chị đã từng bảo vệ cho ông không kể đến tính mạng.

Có lần, ông núp dưới hầm khi bọn địch đang lùng sục, bọn chúng ép cô gái chủ nhà, là cơ sở của ta phải chỉ hầm. Chúng lấy kẹp sắt kẹp vào đùi non của cô đến tóe máu, cô gái vẫn nhất quyết không khai. Nhiều lần khác, vì che giấu ông mà nhiều má đã bị chúng bắn chết tại chỗ, ngay sát nắp hầm... Ông luôn nghĩ các má, các chị đã chấp nhận cái chết vì cách mạng, vì ông thì nỗi đau đớn, mất mát  thân xác có xá gì.

200 ngày bị chiêu dụ bằng đôla, gái đẹp, nhà sang, bị tra tấn, bị  cưa mất đôi chân... đó mới chỉ là một khoảng thời gian ngắn mà chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương phải chịu đựng. Tiếp theo đó là những chuỗi ngày ở tù, những giây phút cận kề với cái chết... Ông bị chúng đưa đến giam giữ tại trại giam Hố Nai.

Trong tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động, đấu tranh, viết truyền đơn nên bị chúng liệt vào dạng tù cấm cố, nhốt vào thùng sắt 3 tháng, nơi mà người tù bình thường khó chịu đựng nổi qua 15 ngày, rồi bị đày ra Côn Đảo... Thế nhưng, ông vẫn sống.

Đến bây giờ, điều đáng mừng là dù tuổi đã cao, ông vẫn minh mẫn, nói năng dí dỏm, “đi lại” trên chiếc xe lăn một cách nhanh nhẹn khó ngờ. Ở các cuộc nói chuyện truyền thống, ông luôn truyền cho người nghe ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, tiếp cho lớp trẻ niềm tin vào lý tưởng, vào tương lai, để họ vững vàng thêm trong  cuộc sống

Hoài Ngọc
.
.
.