Người chiến sỹ cắm cờ giải phóng hy sinh ngày 30-4-1975

Chủ Nhật, 30/04/2017, 10:13
“Nó đẹp trai, hát hay, hiền lành và bắn tỉa giỏi lắm”, đó là lời nhận xét của Thượng tá Lê Minh Đời, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, thuộc Đại đội An ninh vũ trang, Ban An ninh Trà Vinh (nay là Công an Trà Vinh) khi nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Tuân, người chiến sỹ do ông trực tiếp chỉ huy đã anh dũng hy sinh khi cùng 2 đồng đội khác thực hiện nhiệm vụ cắm cờ giải phóng trên nóc một ngôi nhà cao tầng ở trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh vào ngày 30-4-1975.

Thượng tá Lê Minh Đời kể, khi đang đóng quân ở ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành thì đơn vị ông nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục miền Nam và Tỉnh uỷ Trà Vinh.

Trong đêm khao quân trước khi đánh trận, Trung đội trưởng Lê Minh Đời mở chiếc radio với thông tin trên khắp các mặt trận để khích lệ tinh thần của đồng đội bằng khí thế hừng hực của những ngày tổng tấn công. Lúc đó, đồng chí Tuân cất tiếng hát và bắt nhịp cùng đồng đội hô vang “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” làm cho khí thế chiến đấu ngày càng sôi sục. Thật nhiều câu chuyện đã được chia sẻ trong đêm đó vì không ai biết trước trận đánh sẽ như thế nào, chỉ biết rằng thà chết vẫn phải chiến đấu.

Thượng tá Lê Minh Đời (ngoài cùng bên phải) và chủ căn nhà có sân thượng nơi đồng chí Tuân hy sinh.

 “Tuân lúc đó mới 22 tuổi, gia đình nhiều lần thúc giục chuyện vợ con nhưng nó vẫn mãi chần chừ với lý do chiến tranh, không biết mình sẽ hy sinh lúc nào nên sợ làm khổ người ta”, Thượng tá Đời kể thêm.

Theo dòng ký ức, giọng kể của Thượng tá Đời có lúc chùng xuống vì thương anh em phải dẹp bỏ niềm riêng để dốc toàn sức lo cho đại cuộc, nhưng giọng nói ấy lại sang sảng, khi kể về khí thế của đêm 29 rạng sáng 30-4-1975. Thời điểm đó, quân dân Trà Vinh đồng loạt nổi dậy đánh vào các chi khu, phân chi khu, hệ thống đồn bót, căn cứ đầu não của địch trên phạm vi toàn tỉnh. Theo kế hoạch, Đại đội An ninh vũ trang chia làm 3 mũi phối hợp với các lực lượng khác tấn công vào thị xã tỉnh lỵ, đánh chiếm Ty Cảnh sát, đồn Quân cảnh và mở cửa Khám lớn của địch.

Thượng tá Lê Minh Đời khi đó được giao nhiệm vụ làm mũi trưởng phối hợp với các đơn vị vũ trang khác làm mũi chủ công đánh chiếm chi Cảnh sát cặp mé sông Long Bình (thuộc khu vực chợ cá ngày nay) mở đường giải phóng khu Khám lớn của địch đang giam, giữ nhiều cán bộ lãnh đạo, chiến sỹ của ta ở trung tâm tỉnh (thuộc khu vực trụ sở Công an tỉnh ngày nay).

Chiều 29-4-1975, mũi tấn công của ông Đời khoảng gần 30 quân, được trang bị trái thuốc gói, súng AK và M79 tiến vào thị xã Trà Vinh theo kế hoạch. Khi đến gần đồn quân cảnh của địch (thuộc khu vực rạp hát Thái Bình ngày nay), lực lượng của ông bị phát hiện. Địch nổ súng, ta phản công.

Ông hạ lệnh cho đồng chí Tuân bắn tỉa bể mấy cái bóng đèn đường để hạn chế tầm quan sát của địch. “Tuân nó bắn một viên là bể một cái bóng đèn. Trời tối, 2 bên chỉ thấy ánh sáng của đường đạn bay. Nó diệt luôn một tên lính tại ngã ba rạp hát Thái Bình với sự chứng kiến của đồng đội”, ông nhớ lại.

Địch cho lính chi viện phản kích, ông Đời cho lực lượng rút về án ngữ ở khu vực chợ cá ngày nay và tổ chức thành 3 tổ tập trung tấn công lô cốt của địch ở gần tiệm cửa Lập Thành. Cả tiểu đội của địch ở ụ Lập Thành bị thương nhảy xuống sông Long Bình thoát thân.

Mũi của ông chiếm lô cốt này, thu 1 khẩu trung liên Mỹ, 1 khẩu AR15, 1 khẩu cacbin và toàn bộ đạn dược của chúng để sử dụng tấn công lại đồn địch ở rạp hát. Khoảng gần 5 giờ sáng ngày 30-4-1975, ông chỉ huy một tổ tiếp cận, tấn công đồn địch; một tổ khác gồm 3 đồng chí, trong đó có đồng chí Tuân vận động gia đình người dân có căn nhà cao nhất lúc bấy giờ ở gần khu vực rạp hát để ta được sử dụng sân thượng làm điểm quan sát, yểm trợ đồng đội tấn công và cắm cờ giải phóng.

Sáu giờ sáng, lực lượng của ông dùng hỏa lực mở đường số 1. Cờ giải phóng tung bay trên nóc nhà cao tầng, nhưng đồng chí Tuân đã hy sinh. “Địch bắn dữ dội, 2 đồng chí cùng tổ công tác với Tuân chạy xuống báo tình hình, tôi lên đến sân thượng thì đã thấy Tuân nằm trên vũng máu ở góc sân thượng bên cạnh cây tre dùng làm cột cờ giải phóng. Địch liên tục bắn phá dữ dội, khi tôi kè Tuân xuống thì chúng cũng kịp bắn một viên trúng tay trái của tôi”, Thượng tá Đời bùi ngùi nhớ lại.

Mắt đỏ hoe rồi uống một ngụm nước như nén lại nỗi đau mất mát đồng đội, Thượng tá Đời tiếp tục câu chuyện: “Tuân sống tốt, được anh em yêu quý, cấp trên tin cậy. Chứng kiến cảnh Tuân nằm trên vũng máu, chúng tôi đau quặn tim nhưng phải kìm lại để tiếp tục chiến đấu”.

11 giờ 30-4-1975, Trà Vinh được giải phóng. Lực lượng của ta kịp thời mở cửa trại giam, giải phóng cho cán bộ tù chính trị, tiếp quản các cơ sở quân sự, kinh tế của địch; kiểm soát quân số, vũ khí của địch ra đầu thú; thu giữ bảo quản hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác an ninh sau này.

Ngôi nhà nơi đồng chí Tuân hy sinh hiện giờ ở địa chỉ số 28, khóm 10, phường 6, TP Trà Vinh. Từ năm 1975 đến nay, dù đã trải qua 3 đời chủ nhưng vẫn giữ được hầu như nguyên trạng cách đây hơn 40 năm về trước.

Người chủ nhà hiện tại cho biết ông chỉ cho tô xi măng những chỗ bị loang lổ ở sân thượng chứ không sửa sang gì nhiều. Khi ông mới về đây, thấy trên sân thượng có bàn thờ, ông cũng có nghe câu chuyện về người chiến sỹ hy sinh ở đây nhưng không rõ cụ thể như thế nào. Dù vậy, ông vẫn thắp hương hàng ngày cho đến khi giao căn nhà lại cho các con ở.

Theo chân Thượng tá Lê Minh Đời bước từng bậc thang lên sân thượng, người chủ nhà tặc lưỡi: “Y chang như ngày xưa”. “Bây giờ thay đổi nhiều rồi, nhiều nhà cao tầng mọc lên, chứ ngày xưa đây là căn nhà cao nhất. Lúc đó, máu của Tuân và của tôi chảy ra ướt hết cả cầu thang, đi trơn lắm nhưng rồi tôi cũng đưa được Tuân ra nằm ở tuyến sau để tiếp tục chiến đấu với đồng đội”, Thượng tá Đời nghẹn lời…

Mộng Tuyền
.
.
.