Người chiến binh năm ấy, người giám đốc thành đạt hôm nay

Thứ Tư, 12/12/2007, 08:09
Họ là những chiến binh đã từng có hàng chục năm lăn lộn và đối đầu với đạn bom ở dọc tuyến đường Trường Sơn ngày ấy, sau chiến tranh trở về họ lại là những người thành đạt trên thương trường. Một trong những người như thế là anh Nguyễn Tiến Sử, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Vân, hoạt động trên lĩnh vực vận tải, xây lắp và dịch vụ bảo vệ.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, điều đáng mừng là có sự đóng góp rất quan trọng và hiệu quả của những người lính trở về sau ngày kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ và hào hùng.

Từ chiến trường năm ấy, từng nếm mật, nằm gai, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc, những người lính đi ra khỏi cuộc chiến tranh ngày ấy giờ đây đã và đang chung tay góp sức trên mặt trận mới tưởng bình yên, nhưng cũng không kém phần quyết liệt, đó là mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế trong thời hội nhập với mục tiêu xây dựng đất nước ta "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", như Bác Hồ đã căn dặn trước lúc Người đi xa.

Một trong số những cựu chiến binh đã từng có hàng chục năm lăn lộn và đối đầu với đạn bom ở dọc tuyến đường Trường Sơn ngày ấy, hiện đang là Giám đốc một doanh nghiệp ăn nên làm ra mà chúng tôi vừa có cuộc tiếp xúc là anh Nguyễn Tiến Sử, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thanh Vân, hoạt động trên lĩnh vực vận tải, xây lắp và dịch vụ bảo vệ.

Thời chinh chiến và những kỷ niệm buồn - vui

Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên năm 1968, như bao chàng trai khác ở miền quê Sóc Sơn (Hà Nội), Nguyễn Tiến Sử nhập ngũ lên đường đi chiến đấu. Thời điểm ấy, do bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh cục bộ, đế quốc Mỹ đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại đến hầu khắp các tỉnh, thành phố trên miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Do yêu cầu của chiến trường miền Nam cần tổ chức hợp đồng tác chiến các loại binh chủng, khi nhập ngũ, Nguyễn Tiến Sử được cử đi học lái xe tăng; song do sức khỏe không được đảm bảo, anh đã được chuyển sang học lái xe quân sự. Kết thúc lớp huấn luyện, lần đầu Sử được biên chế vào Tiểu đoàn 102, Binh đoàn 31, Đoàn 559.

Trong muôn vàn kỷ niệm về ngày ấy, có một kỷ niệm mà đến giờ vẫn in đậm trong anh. Đó là năm 1971, đơn vị giao cho các anh một nhiệm vụ: Vận chuyển 5 tấn gạo xuyên rừng vượt suối vừa đi vừa dò mở đường có 2 cán bộ trinh sát dẫn đường bằng la bàn và bản đồ, máy dò mìn để cấp cứu cho một binh đoàn tác chiến tại một số địa bàn thuộc Quân khu 5 đã hết lương thực từ nhiều ngày và đã có chiến sĩ hi sinh vì đói và không có thuốc chữa bệnh.

Khi đoàn xe lửa các anh đến thì họ vui mừng hết đỗi. Họ tung hô những lái xe của đoàn, trong đó có anh; chẳng khác nào như các cầu thủ trên sân bóng tung hô huấn luyện viên của họ để ăn mừng chiến thắng. Sau khi trao số lương thực ấy, giao liên lại đón các anh trở về đơn vị nhận lương thực và thực hiện các chuyến đi khác.

Cứ thế, trong những năm ở quân ngũ, người cựu binh Nguyễn Tiến Sử không còn nhớ nổi thời ấy, mình đã vận chuyển bao nhiêu chuyến hàng, chở bao nhiêu thương binh, bộ đội và khí tài vào chiến trường, góp phần cùng bộ đội đánh thắng quân thù.

Hồi ấy ở chiến trường một tháng, ai chạy được 10 chuyến đã là rất giỏi, vậy mà có tháng, Nguyễn Tiến Sử chạy đến 14 chuyến. Để ngăn chặn dòng chi viện này, hằng ngày kẻ địch không chỉ sử dụng máy bay, phi pháo đánh phá ác liệt các tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn, mà còn thường xuyên thả thám báo, biệt kích để dò la tin tức.

Do vậy các đoàn xe vận tải của Đoàn 559 luôn phải sống trong tâm trạng căng thẳng và chịu sức ép của hàng chục đợt ném bom dữ dội trên đường đi. Anh còn nhớ, vào cuối năm 1970, vào binh đoàn tiểu đội xe của anh gồm 5 chiếc đang chạy về Binh trạm 34 và 35, lúc vào thì chở gạo và đạn, khi ra thì chở thương binh.

Hôm đó, trên đường chở thương binh ra miền Bắc thì máy bay địch phát hiện đúng vào lúc tiểu đội xe của anh đang ở giữa cao điểm. Quay đầu hoặc dừng lại để tìm nơi trú ẩn cũng không có, cuối cùng các anh quyết định cứ cho xe chạy giữa làn bom đạn địch.

Trong lần ấy 3 trong tổng số 5 xe bị trúng bom địch làm hơn 20 người hy sinh, chỉ có 5 người còn sống, 4 lái xe bị thương trong đó có anh. Cuộc chiến dọc đường Trường Sơn ngày ấy khốc liệt biết chừng nào! Mỗi lần nhớ lại những hình ảnh đó, lòng anh đau quặn.

Theo anh thì phim ảnh, sách báo không thể nói hết được. Ký ức chiến tranh trở về luôn làm anh trào dâng những kỷ niệm buồn - vui. Anh không đếm nổi đã có bao đồng đội anh hy sinh ở dọc tuyến đường này. Chỉ biết rằng máu của họ đã hòa quyện với đất để cùng dân tộc có được ngày hôm nay.

Ra quân và lập nghiệp

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, như nhiều người lính thời đó, người thì chuyển ngành về công tác ở các cơ quan Nhà nước, người tiếp tục ở lại phục vụ Quân đội; Nguyễn Tiến Sử nhận được giấy gọi vào học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thủ Đức, TP HCM. Trước một bước ngoặt của cuộc đời, anh suy nghĩ và đi đến quyết định: Xin được ra quân để trở về quê hương.

Trở về với cuộc sống đời thường, cựu binh Nguyễn Tiến Sử xin vào làm việc tại Trường Công nhân cơ khí xây dựng Việt - Xô đóng tại địa bàn Xuân Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc. Công tác được một thời gian, đến năm 1984, Nguyễn Tiến Sử chuyển công tác về Công ty Vật tư, huyện Mê Linh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Đến năm 1991, do vợ anh chuyển công tác theo Trường Đại học Tài chính kế toán về Đông Ngạc (Hà Nội), anh cũng chuyển công tác về Công ty Lắp máy điện nước và Xây dựng, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Năm 2000, sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa, cũng là thời điểm Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp, anh đã đi đến một quyết định có tính bước ngoặt trong cuộc đời; đó là tình nguyện xin nghỉ chế độ để ra ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Tại buổi tiếp xúc với chúng tôi, anh bảo: Kể từ ngày thành lập công ty, lĩnh vực mà doanh nghiệp của anh thành công nhất là vận tải. Được sự trợ giúp của công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ chỗ chỉ có 2 bàn tay trắng, vốn liếng hầu như không có gì vậy mà giờ đây doanh nghiệp của anh đã có số tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đó là dàn máy ủi, máy xúc, máy khoan cọc nhồi, đội xe ôtô gồm các loại xe siêu trường, siêu trọng v.v... Có số vốn và thiết bị trong tay, doanh nghiệp của Nguyễn Tiến Sử đã tham gia đấu thầu thành công nhiều công trình xây dựng lớn.

Từ năm 2002, sau khi có Nghị định 14 của Chính phủ cho phép thành lập các trung tâm dịch vụ bảo vệ cựu binh, Nguyễn Tiến Sử đã không bỏ lỡ cơ hội. Sẵn mang trong người những tố chất của người lính có thâm niên ở chiến trường, anh đã xúc tiến thành lập trung tâm bảo vệ.

Theo anh thì xuất phát từ việc vận tải hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho các đối tác, để đảm bảo an toàn rất cần người áp tải bảo vệ, kể cả người bảo vệ tại các công trình. Vậy là trong đầu anh lóe sáng một câu hỏi rồi sau đó là câu trả lời: Nhà nước đã bật đèn xanh, phải xúc tiến thực hiện dịch vụ bảo vệ để khép kín công đoạn sản xuất - kinh doanh. Hơn nữa đây là một ngành nghề mới, chưa được xã hội hóa, ít có sự cạnh tranh.

Quyết là làm, sau khi có giấy phép trong tay, cựu binh Nguyễn Tiến Sử bắt tay ngay vào việc soạn thảo quy chế, nội quy, sau đó là xúc tiến việc tuyển sinh và phối hợp với các ngành chức năng để triển khai các phương án mà anh đặt ra.

Rồi đây, một ngày không xa, cùng với các hiệp hội khác đang hoạt động ở nước ta, Hiệp hội của những doanh nghiệp làm dịch vụ bảo vệ sẽ ra mắt. Đó sẽ là nơi để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm không chỉ về nghiệp vụ chuyên ngành, phương thức hành động, ý chí và nguyện vọng mà cùng nhau bàn bạc, thảo luận giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế để kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.

Hy vọng sự ra đời của hiệp hội này sẽ là địa chỉ để các doanh nghiệp gửi niềm tin, hội tụ các quan điểm thống nhất, đoàn kết và quyết tâm để đưa các hoạt động bảo vệ vào cuộc sống thường nhật của các doanh nghiệp

.
.
.