Người chết 38 năm… sống lại?!

Thứ Hai, 04/09/2006, 08:46

Có giấy báo tử hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1968, được cấp bằng Tổ quốc ghi công năm 1985 và được truy điệu trọng thể tại UBND xã... không ai ngờ và tin nổi, người chiến sỹ đã "hy sinh" 38 năm kia đột ngột trở về.

Chuyện hy hữu gây chấn động dư luận Đông Triều những ngày qua là việc "người chết" Lê Văn Róc, 64 tuổi, ở thôn Lâm Xá, xã Phạm Hồng Thái Tây, huyện Đông Triều, Quảng Ninh "sống" lại.

Chuyện khó tin nhưng có thật

Ngày 11/8/2006 là một ngày đáng nhớ đối với ngôi làng nghèo Lâm Xá khi giữa trưa nắng chang chang, giọng bà V., người bán quán nước ở đầu thôn hớt hải gọi: "Sơn ơi, Tươi ơi, anh mày về này. Thằng Róc nó về đây này". Cả nhà ông Lê Văn Sơn không tin nhưng vẫn lao ra đường.

Anh của họ gần 40 năm trước là một chàng thanh niên, còn người đàn ông này đã ngoài 60, nước da đen sạm, mái tóc bạc quá nửa… Bỗng nhiên người đàn ông gọi đúng tên "cúng cơm" của ông Sơn và kể vanh vách từng người trong gia đình, từng buổi chăn trâu cùng em ở cầu Bốt cạnh rừng thông, kể về chợ Lầm, chợ Rộc Nghệ… dù rằng những cái tên đó giờ không còn nữa... Anh em ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào!

Sự kiện "người chết" 38 năm bỗng trở về đã gây xáo động ngôi làng nghèo Lâm Xá. Hàng xóm kéo đến hỏi thăm ông Róc chật cứng vòng trong vòng ngoài. Chị Lê Thị Tươi (em út ông Róc) không giấu nổi vui mừng vì khi ông Róc lên đường vào chiến trường miền Nam chị mới 9 tuổi. Nhận ra đúng anh trai mình vẫn còn sống, gia đình chị đã hạ bàn thờ, bỏ bát nhang mà họ vẫn thờ cúng suốt 38 năm qua.

Cả buổi trò chuyện với chúng tôi, chị chỉ nghẹn ngào: "Cái phúc này lại rơi vào nhà tôi". Chị cho biết, ông Róc cùng với ông Sơn vừa đi Long An để đón vợ con ông Róc ra nhận anh em và sinh sống ở đây. Vậy, ông Róc đã làm gì và ở đâu trong 38 năm mà không một dòng tin tức về cho gia đình?

Không về được quê vì nghèo?

Chúng tôi đã có buổi làm việc với Công an huyện Đông Triều và được biết, ngày 11/8, họ nhận được báo cáo của Công an xã Phạm Hồng Thái Tây về việc ông Lê Văn Sơn mang 2 lá đơn đến đề nghị Công an xã xác minh hộ khẩu và một bản khai nhân khẩu, trong đó có nêu sự trở về của ông Lê Văn Róc. Đến lúc đó thì câu chuyện người "chết" 38 năm mới dần hé lộ…

Theo trình bày của ông Róc với cơ quan Công an thì năm 1967, ông đi bộ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, đóng quân ở tỉnh Tây Ninh, thuộc Đại đội 19, Trung đoàn 3, Sư đoàn 2. Tại đây ông tự đổi tên thành Lê Văn Bắc. Trong lần sang Campuchia công tác, ông gặp người đồng đội cũ (cùng quê) tên là Chua. Cuộc gặp diễn ra ngắn ngủi vì ai cũng bận, ông Chua hẹn ông Róc sáng hôm sau quay lại để mời ông Róc bữa cơm.

Chia tay người bạn, đi được một đoạn đường, ông Róc bị quân Nonnon bắt. Chúng giam ông ở tỉnh Côngpôngchàm và đánh đập dã man. Cuối năm 1974, chính quyền Nonnon sụp đổ, ông được thả tự do. Ốm yếu do bị tra tấn, khi ra khỏi trại ông đã ngất đi. Tỉnh dậy ông thấy mình được buộc trên thân cây gỗ và đang trôi xuôi theo dòng sông Mêkông.

Trong lúc cận kề cái chết, ông được bà Nguyễn Thị Sáu, ở An Khánh, An Phú, An Giang cứu và đem về chăm sóc. Khi khỏe lại ông được bà Sáu gả con gái là Phạm Thị Đào cho. Bà Đào vốn là góa phụ, có 1 con riêng nhưng quý mến tính siêng năng và hiền thục của bà nên ông ưng luôn. Vợ chồng ông chỉ có duy nhất chiếc thuyền làm chỗ che mưa che nắng, lênh đênh dọc sông Mêkông bắt cá, làm thuê kiếm ăn. Năm 1976, ông đổi tên thành Lê Văn Phương.

Theo ông lý giải thì hàng xóm thường gọi ông là "phương Bắc", lâu thành quen và ông quyết định đăng ký với chính quyền xã tên ông là Phương. Cuộc sống của gia đình ông vô cùng chật vật khi họ sinh liên tiếp 6 người con. Năm 2004, ông đưa cả gia đình về ở tại xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng (Long An).

Lý giải vì sao ngần ấy năm ông không liên lạc về gia đình, ông Róc cho biết mình có viết thư nhưng lại gửi nhờ về địa chỉ của ông Tân (là hàng xóm, làm ở UBND xã) để dễ nhận nhưng đều bị thất lạc. Năm 1979, ông quyết định không gửi thư nữa và ông Róc không thể về quê do mình quá nghèo(?). Nhưng tuổi già đến, quê hương ruột thịt luôn thôi thúc trong ông khiến con gái ông phải đi vay nóng tiền cho ông tìm về nơi chôn nhau cắt rốn.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Chua (người mà ông Róc gặp ở Campuchia), hiện là Chủ tịch Hội Nông dân tập thể xã Phạm Hồng Thái Tây, ông Chua xác nhận vào thời gian đó đã gặp ông Róc ở Campuchia và hẹn ông Róc sáng hôm sau đến ăn cơm. Nhưng hôm sau chờ mãi không thấy ông Róc đâu, ông nghi đã bị quân Nonnon bắt và giết hại.

Theo UBND huyện Đông Triều, bước đầu đã tiến hành thu hồi lại bằng liệt sỹ của ông Róc. Hiện tại, Công an huyện chưa đưa ra kết luận về hành trình lưu lạc 39 năm của ông Róc

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.
.