Người “cầm cân, nảy mực” ở làng Suối Đá

Thứ Năm, 04/05/2017, 07:02
Về làng Suối Đá (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, Bình Định), chúng tôi được nghe bà con gọi già làng Mai Thanh Vân bằng cái tên trìu mến - già Vân. Bởi, bao năm rồi ở làng này, trong cuộc sống yên bình của người dân ít nhiều đều có dấu ấn của vị già làng đáng kính.


Bà con tôn trọng, đặt hết mọi niềm tin nên hễ trong làng có chuyện gì khuất tất va chạm trong cuộc sống là già Vân luôn có mặt. Bằng uy tín của mình, ông đã hóa giải các vụ việc theo tình, lý phân minh, hài hòa giữa luật pháp và tập tục của làng nên được bà con răm rắp nghe theo.

Chúng tôi cùng các cán bộ địa phương đến thăm già Vân. Ngôi nhà cấp 4, tường xây nổi bật là những tấm giấy khen treo chật kín cả góc phòng, thể hiện sự ghi nhận của các cấp, các ngành về sự đóng góp cho xã hội của ông. 

Già Vân nhớ lại vào những năm 1980, nghe theo lời Đảng, bà con đã bỏ nơi thâm sơn cùng cốc cùng bảo nhau về làng mới định canh, định cư xây dựng cuộc sống. Làng có hơn 170 hộ, với nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhưng nhiều nhất là Chăm và Bơhna. Hồi đó, ông với sức trẻ xông xáo, năng nổ nên được bà con tín nhiệm bầu làm Đội trưởng Đội sản xuất của làng.

Già làng Mai Thanh Vân (trái).

Thời gian trôi qua, bằng sự nhiệt tình và chịu khó tìm tòi nghiên cứu, nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nên kinh tế gia đình ông có phần khấm khá. Hiện gia đình ông có vài hécta keo lai, gần 2ha mì cao sản, hàng ngày chăm chút mấy lứa heo rừng giống, có thu nhập ổn định. Kinh nghiệm sản xuất được già Vân mách bảo, truyền dạy nên bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng hợp lý, không còn sống bám vào phá rừng làm rẫy nên có thu nhập ổn định; không còn cái đói, cái nghèo đeo bám.

Ông nói thêm, đời sống kinh tế khá rồi mà tình hình an ninh trật tự chưa đảm bảo thì cũng như không. Rồi ông lại nhắc đến câu chuyện buồn của làng xảy ra gần 20 năm trước. 

Thời đó, bà con chưa thích nghi với điều kiện sản xuất mới nên khổ lắm, chỉ biết phá rừng làm rẫy, không đủ ăn. Đã vậy, tệ uống rượu, bỏ bê nương rẫy khiến nhiều nhà phải luôn đối diện với cái đói giáp hạt, năm nào chính quyền cũng phải hỗ trợ. Nhưng ngặt nỗi, nhiều nhà có thể thiếu gạo, thiếu muối nhưng không thể thiếu rượu. Từ già đến trẻ, từ trai đến gái trong làng đều uống rượu ở mọi lúc, mọi nơi. 

Sau lần uống rượu bị ngộ độc dẫn đến chết nhiều người, thừa cơ hội đó kẻ xấu xúi vào kích động, cho là làng bị ma ám nên nhiều bà con bất an định bỏ về làng cũ. Lúc đó, già Vân đã tiên phong đi đầu cùng chính quyền, Công an kiên trì vận động giải thích bà con mới chịu nghe. 

Từ bài học đó, về sau già Vân cùng Ban quản lý làng đề ra quy ước đầu tiên trong phong trào xây dựng làng văn hóa là "không được sa đà vào việc uống rượu say". Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đã làm thay đổi trật tự xóm làng, người dân chăm lo sản xuất, không mâu thuẫn đánh nhau gây sứt mẻ tình cảm xóm làng, hạnh phúc gia đình. 

Ông cũng nhiều lần phải gác lại việc riêng, nghe gia đình nào có mâu thuẫn là tự nguyện làm sứ giả đến từng nhà kiên trì hòa giải, hàn gắn cho bao cặp vợ chồng được êm ấm. Với những đóng góp cho làng, nhiều lần già Vân được chọn là đại biểu có uy tín trong bà con dân tộc đi dự gặp mặt do Trung ương tổ chức.

Thượng tá Cái Minh Long, Phó trưởng Công an huyện Vân Canh cho biết thêm, mấy năm qua trồng rừng nguyên liệu giấy đã mang lại thu nhập khá cho bà con nên huyện là địa bàn nóng của tỉnh về tình trạng lấn chiếm đất rừng, xâm canh, xâm cư dai dẳng gây phức tạp cho địa phương. Cũng nhờ uy tín của mình mà già Vân cùng chính quyền, Công an huyện gặp gỡ, động viên giải quyết mềm dẻo, thấu tình, đạt lý phù hợp với tập quán, sinh hoạt, bà con dần dần thấy rõ cái sai mà tự nguyện hợp tác khắc phục, không để ảnh hưởng xấu cho xã hội. Ông còn vận động bà con giữ vững phong trào "3 không", xây dựng làng văn hóa, gia đình cùng cam kết thực hiện mục tiêu làng không tội phạm.

Tấn Tài
.
.
.