Người biến "cánh đồng hoang" thành khu dược liệu

Chủ Nhật, 16/04/2006, 13:29

Khác với hình dung ban đầu về một ông chủ khu du lịch, một ông dược sĩ - Giám đốc có "hộ khẩu" Sài Gòn, một nhà khoa học đứng đầu trung tâm dược liệu lớn, nhìn dáng người cao quá khổ, nước da đen rám vì nắng gió, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, trông ông Ba Bé không khác một "lão nông tri điền" là mấy.

Đường vào Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười của ông Ba Bé, người dân nơi đây thường gọi "ông Ba đất phèn", vừa khó, vừa xa. Từ ngoài vàm kinh 79 (xã Bình Phong Lợi, huyện Mộc Hóa - Long An), ngồi đò hơn 40 phút, qua gần chục con rạch mới đến. Song, tiếng đồn về một con người tài năng nhưng có chút gì đó hơi kỳ dị đã biến chốn xa xôi nhất, khó khăn nhất, lạc hậu nhất của vùng Đồng Tháp Mười thành một trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ hoạt động 24/24h kiêm một khu bảo tồn dược liệu và khu du lịch sinh thái đặc biệt "không giống ai" đã cuốn hút chúng tôi.

Từ "cánh đồng hoang"...

Theo lời nhiều "bô lão" địa phương, thuở xưa, Đồng Tháp Mười là vùng đất phèn quanh năm hoang hóa. Mùa nắng đất khô cỏ cháy, mùa mưa nước ngập tràn lan. Đất ngún (nhiều tro, không cháy thành lửa ngọn mà cháy âm ỉ), nước phèn - độ PH chỉ gần bằng 1, không uống được. Đất như thế, nước như thế, con người sao có thể sinh cơ, lập nghiệp. Chung quy, đây là vùng đất chết. Hay nói khác đi là một vùng đất... bị lãng quên. Đây cũng chính là địa điểm xây dựng phim trường của bộ phim cách mạng nổi tiếng: Cánh đồng hoang.

... đến khu dược liệu "độc nhất vô nhị"

Nhưng rồi, theo thời gian, "cánh đồng hoang" bắt đầu có dấu chân người. Những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà nước triển khai Dự án khai hoang Đồng Tháp Mười, lập nhiều nông trường, mỗi nông trường vài ngàn hécta, tiêu điểm có Lúa Vàng, Gò Gòn, Vàm Cỏ... Ông Bé lạc bước xuống đây cũng trong thời kỳ khai khẩn đó.

Sinh năm 1950, quê Bến Tre, đi bộ đội, ông Bé thuộc biên chế Tiểu đoàn 261 (một trong năm tiểu đoàn chủ lực của Tây Nam Bộ). Bị thương năm 1965 (tỉ lệ thương tật 32%), ông được đi an dưỡng, rồi đi học. Tốt nghiệp năm 1979, ông thuộc lớp sinh viên đầu tiên của Trường Y - Dược sau giải phóng.

Ra trường, ông là tác giả - chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu cây tràm gió ở Long An" (Chương trình 64C/0205). Kết quả ứng dụng đề tài là con đường dẫn đến việc thành lập Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa - Long An trước đây, trung tâm bây giờ. Ý đồ ông muốn lập một khu nhà máy chế tạo dược phẩm tại đây. Tiếc rằng quan điểm đó không được ủng hộ. Buồn tình, ông xách ba lô sang Công ty Dược liệu TW II để nghiên cứu... rắn độc. Hai năm trời nằm vùng, đùng cái, năm 1983, ông lại nhận nhiệm vụ về Đồng Tháp để nghiên cứu và trồng cây tràm gió.

Ông kể: "Những năm đầu, công việc chính là đốn tràm, chặt lá và nấu dầu". Nhưng rồi một mối duyên nợ đã làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ và cách làm của ông. Thời đó, Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa thường xuyên đón tiếp nhiều nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước. Nhờ giới thiệu của ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương, sau khi dự Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu ngày 11/2/1993, một đoàn đại biểu đã đến thăm cơ ngơi của ông.

Trong khi nhiều người khác phóng bút ca ngợi ông Bé và đồng sự, có một ông Việt kiều Philippines tên Dương Nghiệp Bảo đã viết những dòng tâm sự "trái chiều": "Khai phá đất hoang để phát triển kinh tế là một điều tiết cho sự mở mang đất nước. NHƯNG (viết hoa, gạch chân: cách viết nhấn mạnh của ông Bảo - NV) tôi rất lo lắng cho tương lai vùng đất này. Vì theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, sự mở mang thường đi cùng sự hủy hoại môi sinh với kết quả rất khốc hại và không thể hồi lại được (Irreversible). Và do đó, con cháu ta sẽ phải trả bằng một cái giá rất đắt. Chúng ta nhất định phải cố tránh vấp phải và rơi vào trường hợp này!".

Ông Bé giật mình: "Ừ nhỉ, cha nội này nói trúng quá!", thế là từ đó ông chuyển hướng. Từ đốn tràm, ông chuyển sang... giữ tràm, xúc tiến chuẩn bị thành lập trung tâm dược liệu. Đầu tiên, quy hoạch kênh mương. Qua vài năm, trung tâm đã có trại nghiên cứu giống cây tràm và một số dược liệu khác, có phòng kiểm nghiệm, có cơ sở chưng cất tinh dầu tràm bằng phương pháp áp suất...

Điều đáng quý, toàn bộ thiết bị từ nồi hơi, nồi chưng cất đến các thiết bị khác đều do ông và đồng nghiệp tự mày mò thiết kế! Vừa nghiên cứu, trồng trọt, trung tâm vừa chế biến, sản xuất ra các sản phẩm, dược phẩm từ tinh dầu. Mặt hàng đầu tiên là loại thuốc Dogarlic bào chế từ cây tỏi.

Các mặt hàng tiếp theo cũng là những sản phẩm thiết yếu với đồng bào. Ông có cách đặt tên thuốc rất là... quê mùa và dễ nhớ, dễ gọi. Loại thuốc hộp vuông nhỏ, trị chứng đầy bụng, nôn mửa, say tàu xe có tên là Ninon. Đơn giản lắm, Ninon là... nín nôn!

Tương tự, Tragutan là tràm-gừng-tần, dùng sát trùng đường hô hấp, trị ho khan, cảm cúm. Thuốc Lady giúp điều kinh và chữa rối loạn nội tiết tố phụ nữ. Các sản phẩm bào chế từ trái nhào (Morogda), linh chi, hà thủ ô. Viên tỏi nghệ Garlicfilm giúp phòng chống nhiễm trùng, tăng sức đề kháng làm từ những bài thuốc tỏi nghệ gia truyền. Chất artemijinin chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng bào chế trị sốt rét. Chất steviojit từ cây cỏ ngọt chế biến thành chất ngọt thay đường, giúp người bị tiểu đường ăn không bị ảnh hưởng... Từ những loại cây nhà lá vườn, trung tâm của ông đã bào chế ra nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống đồng bào, hiệu quả hơn cả một số loại thuốc ngoại nhập

Tăng Bá Sên
.
.
.